Sắp tới, trẻ nhỏ tại hơn 2000 trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt hàng ngày với một robot mang tên Walklake.
Đây là loại robot được phát triển riêng để thực hiện nhiệm vụ phát hiện dấu hiệu của bệnh tật ở trẻ (như sốt, ho, dị ứng do thời tiết, …) rồi thông báo cho các giáo viên và y tá nhà trường – New Scientist đưa tin. Sau đó, những người chịu trách nhiệm sẽ quyết định liệu có nên gửi trẻ về nhà để chăm sóc đặc biệt hay không.
Sáng kiến này đang gây nên nhiều mâu thuẫn giữa các chuyên gia, về việc Walklake sẽ thật sự mang lại lợi ích cho trường học hay chỉ là cơn ác mộng tiềm tàng liên quan đến đời tư, ở đây là đối với trẻ nhẻ.
Walklake được trang bị một loạt camera và cảm biến, dùng để kiểm tra từng bộ phận như mặt và bàn tay của học sinh nhằm phát hiện dấu hiệu của các bệnh thông thường, như sốt, ngứa cổ họng hoặc da nổi mẩn … Ý nghĩa của việc phát hiện bệnh sớm là có thể giúp ngăn chặn nó lây lan trong toàn bộ cộng đồng học đường, trong khi chỉ cần mất khoảng 3 giây để robot kiểm tra.
“Ý tưởng này hứa hẹn sẽ giúp cải thiện công tác theo dõi sức khỏe người dân, đặc biệt là ở những khu vực đông đúc nhưng không có đủ chuyên gia y tế lành nghề”, giáo sư Karen Panetta – chuyên ngành kỹ thuật y sinh tại Đại học Tufts (Massachussetts, Mỹ) – nói với New Scienceist.
Khi được hỏi về cảm nhận đối với loại robot hình hộp, có màu sắc sặc sỡ và trông khá dễ thương này, Joanna Bryson – giáo sư ngành khoa học máy tính tại ĐH Bath (Anh Quốc) – nhận định, khả năng tin tặc tìm cách truy cập vào nguồn dữ liệu do robot thu thập là hoàn toàn hiện hữu. Tuy nhiên, bà cũng phải thừa nhận một số lợi ích mà Walklake có thể mang lại cho môi trường học đường: “Con robot chắc chắn sẽ tạo ra sự hấp dẫn nhất định đối với lũ trẻ, khiến chúng sẵn sàng chịu kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.”
Phạm Nhật (theo New Scientist)