Chúng có thể sẽ được sử dụng để cấp điện cho các hòn đảo tranh chấp trên biển Đông mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép cho mục tiêu quân sự hóa, gây nhiều tranh cãi và quan ngại.
Tên gọi lò phản ứng nổi nghe có vẻ nguy hiểm, song Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển chúng như một sự thay thế hiệu quả và rẻ hơn cho phương án truyền tải điện bằng cáp từ đất liền – Asia Times cho biết. Năm ngoái, các quan chức nước này đã xác nhận thử nghiệm một nguyên mẫu của công nghệ này gần bờ biển tỉnh Sơn Đông.
Nếu bắt đầu xây dựng từ cuối năm nay, lò phản ứng hạt nhân nổi đầy đủ chức năng đầu tiên của Trung Quốc có thể sẽ được hạ thủy và đi biển vào năm 2021. Ngoài ra, họ cũng không phải là nước duy nhất quan tâm đến công nghệ này, khi Nga cũng dự kiến sẽ triển khai các nhà máy tương tự tại Vòng Bắc Cực từ cuối năm nay.
Theo Asia Times, nếu muốn cấp điện cho toàn bộ các đảo nhân tạo đang mở rộng ở biển Đông, Trung Quốc sẽ cần xây dựng tổng cộng khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân nổi. Tuy nhiên, nếu những con tàu này hoạt động thực sự hiệu quả như kỳ vọng, họ có khả năng sẽ chế tạo nhiều hơn để cấp điện cho các giàn khoan dầu khí và cơ sở khai thác nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi.
Nguồn:
Hải Đăng (theo Asia Times)