Trí tuệ nhân tạo (AI) đã giỏi tới mức có thể tạo ra vô số các khuôn mặt người rất giống thật tới mức có thể làm bạn rùng mình. Nhưng liệu chúng ta có thể nhận ra một hình ảnh khuôn mặt là đồ giả hay không.
Một website mang tên Whichfaceisreal.com đã được lập ra để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiện trạng mới này, chủ nhân của nó là ông Jevin West ở khoa Thông tin và Carl Bergstrom ở khoa Sinh học của ĐH Washington.
Khi khi nhìn thấy những ảnh chân dung quá giống thật do trí tuệ nhân tạo làm ra ở trang Thispersondoesnotexist.com, hai cộng sự này muốn thế giới biết tới vấn đề mới mà họ sẽ phải đối mặt, bởi nó đang phát triển rất nhanh chóng.
“Chúng tôi không tạo ra công nghệ đó,” ông Bergstrom nhấn mạnh. “Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng điều này đã trở thành sự thật. Cơ bản mà nói thì cho tới nay, chúng ta luôn tin vào các khuôn mặt trong ảnh: Nếu có ảnh chụp thì đó là người thật – ít ra là cho tới thời điểm này.”
2 ông đã viết trên trang WhichFaceisReal rằng, các kỹ sư phần mềm ở NVIDIA đã phát triển thuật toán “đỉnh cao” để tạo ra các khuôn mặt giả, gọi là Mạng Đối kháng Sinh mẫu (General Adversarial Network), trong đó 2 mạng nơ-ron sẽ chơi trò “mèo đuổi chuột”, mỗi cái cố gắng tạo ra hình ảnh giả còn cái kia sẽ đi tìm khuyết điểm.
“2 mạng lưới huấn luyện cho nhau. Sau một vài tuần, chúng có thể tạo ra các hình ảnh giống như trên website này.”
Website của 2 ông đã trở nên phổ biến rất nhanh chóng. Chỉ trong 2 tuần đầu đã có khoảng 4 triệu lượt “chơi”.
Vậy người ta có đoán đúng không? Hầu hết là có. Khoảng 70% người chơi đã chọn đúng khi đối diện với 2 bức ảnh một thật một giả. Và sau khi chơi một thời gian, khả năng phân biệt sẽ tăng lên.
“Chúng tôi cũng đang xem xem loại hình ảnh nào là khó phân biệt nhất. Ví dụ, ảnh của người già hay trẻ nhỏ thì khó phân biệt hơn hay không?” ông West cho biết.
Website cũng đưa ra một vài lời khuyên trong mục “Learn” (học hỏi), ví dụ như có thể dễ dàng xác định ảnh giả bằng cách tìm các mảng không đồng nhất trong phông nền, hoặc xem các mảng tóc hay kính nhìn không thật.
Còn một mẹo quan trọng nữa, đó là thuật toán được sử dụng này có tên StyleGAN, không thể tạo ra ảnh khuôn mặt từ nhiều góc độ. Vì thế, nếu bạn nghi ngờ ảnh giả trên mạng, hãy kiểm tra một tấm ảnh thứ hai của cùng người đó.
Ông West và Bergstrom cũng dự tính sẽ thêm các tính năng để làm cho thử thách khó hơn nữa, ví dụ như loại bỏ nền ảnh (vốn là một trong những điểm dễ nhận ra) hoặc chỉ cho người chơi xem một bức ảnh (thay vì 2 như hiện nay) để quyết định xem là thật hay giả.
“Chúng tôi muốn mang đến nhận thức cho công chúng về công nghệ này, cũng như khi người ta bắt đầu nhận ra khả năng Photoshop hình ảnh, chúng tôi muốn cộng đồng biết rằng AI đã có thể tạo ra khuôn mặt giả. Điều đó hy vọng sẽ làm cho người ta bắt đầu đặt câu hỏi khác đi cho những gì họ thấy. Hy vọng nó sẽ buộc chúng ta phải xác minh các bằng chứng ngay cả khi nhìn thấy một bức ảnh trông giống người thật,” ông West nhận định.