Nhóm tác giả ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã chế tạo thiết bị soi cổ tử cung kỹ thuật số, cho kết quả tương đương với thiết bị có cùng tính năng nhập ngoại.

Ung thư cổ tử cung (CTC) là ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ 15 đến 44 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm trùng papillomavirus (HPV). Ung thư CTC thường phát triển âm ỉ trong một thời gian dài (mất khoảng vài năm). Trong thời gian này, các tế bào ở CTC sẽ biến đổi một cách bất thường do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV. Bệnh này nếu được phát hiện ở các giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì tỉ lệ khỏi bệnh cao. Do đó, việc chẩn đoán đúng, phát hiện sớm bệnh đóng vai trò rất quan trọng.

Một trong những phương pháp phổ biến nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở CTC là soi CTC bằng máy. Hiên nay, đa phần các máy soi CTC sử dụng trong các bệnh viện, cơ sở y tế được nhập khẩu với giá thành cao. Do vậy, nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã thực hiện đề tài “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thiết bị soi cổ tử cung kỹ thuật số”.

T
Thiết bị soi CTC BK - TD 01. Ảnh: NNC

Theo ThS Trần Văn Tiến, chủ nhiệm đề tài, soi CTC là phương pháp dùng hệ thống quang học phóng đại với nguồn sáng mạnh để đánh giá lớp biểu mô CTC - âm đạo. Phương pháp này giúp quan sát tế bào rõ ràng hơn, nhưng thiết bị đắt tiền và cán bộ phải được tập huấn kỹ thuật. Bởi vậy thực hiện soi CTC thường được chỉ định ở trường hợp nghi ngờ tổn thương tiền ung thư, ung thư CTC.

Theo đó, nhóm đã hoàn thiện thiết kế và chế tạo thiết bị soi cổ tử cung kỹ thuật số BK-TD 01, sử dụng hệ thống camera tự lấy nét, nguồn sáng LED phân cực, kết hợp với các thuật toán xử lý hình ảnh. BK-TD 01 gồm các bộ phận chính: phần đầu soi, hệ giá đỡ, CPU và màn hình hiển thị.

Trong đó, phần đầu soi bao gồm nguồn sáng và hệ thống camera ghi hình. Nguồn sáng được thiết kế với hệ đèn LED tích hợp hai chế độ ánh sáng trắng phân cực và trắng không phân cực. Cụ thể, chế độ ánh sáng trắng không phân cực dùng trong trường hợp quan sát thông thường; chế độ ánh sáng trắng phân cực dùng trong trường hợp quan sát khử chói sáng bề mặt. Đối với phần camera được thiết kế giúp thu hình ảnh liên tục và rõ nét, người sử dụng cũng có thể lựa chọn chế độ lấy nét tự động hoặc lấy nét chỉnh tay.

Theo nhóm tác giả, do đặc tính bề mặt CTC có nhiều dịch, nên hình ảnh thu được thường có hiện tượng chói sáng, gây khó khăn và nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán bệnh, cũng như quá trình xử lý ảnh. Để giảm thiểu sự chói sáng trên bề mặt CTC, nhóm đã ứng dụng phương pháp quang học, dùng ánh sáng phân cực chéo với ưu điểm không xâm lấn.

V
Thử nghiệm vận hành máy tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: NNC

Giao diện của phần mềm được nhóm thiết kế đơn giản với một khung hiển thị hình ảnh và các nút nhấn chức năng. Ảnh sau khi chụp được upload lên máy chủ và quản lý theo tài khoản bảo mật của bệnh nhân mà không sợ mất do hệ thống máy. Vì vậy, cách thức này thuận tiện trong các trường hợp chuyển viện và quản lý hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Hình ảnh soi CTC thu từ máy được lưu trữ với kích thước 1.920x1.080 pixel, có độ tương phản và độ sắc nét cao, hỗ trợ các bác sỹ trong việc nghiên cứu, giảng dạy cũng như như lưu trữ, thăm khám vào các lần khám kế tiếp.

Thiết bị đã được đưa vào vận hành thử nghiệm và đánh giá hiệu quả tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Theo đánh giá của các bác sỹ lâm sàng, BK-TD 01 cung cấp quan sát rõ nét, hình ảnh đẹp, chất lượng cao, tương đương máy Leisegang (Đức) hiện đang được sử dụng tại Bệnh viện Từ Dũ. Cả 2 máy Leisegang và máy BK – TD 01 tương đồng nhau trong kết luận chẩn đoán CTC bình thường, ung thư, vết trắng. Ngoài ra, thiết bị còn được các bác sĩ đánh giá có cách thức lấy hình tiện lợi, phù hợp cho đào tạo, quan sát hình ảnh từ xa.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, thiết bị có thể ứng dụng trong soi CTC tại các cơ sở y tế.