HPV không chỉ là thủ phạm chính dẫn đến ung thư cổ tử cung mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh khác liên quan đến đường sinh dục - hậu môn ở cả nam giới. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã góp phần làm rõ vấn đề này tại Việt Nam, từ đó đưa ra những đề xuất về chiến lược sử dụng vaccine HPV trong tương lai.

Năm 2017, một số nam giới đồng tính tại Việt Nam đã “truyền tai” nhau tham gia vào một nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, gánh nặng bệnh tật liên quan đến virus Human Papillomavirus (HPV). Nhiều người đã sửng sốt khi biết có đến 400 người từ TP.HCM và 400 người từ Hà Nội trong độ tuổi từ 16 đến 50 hào hứng tham gia vào nghiên cứu - một con số lớn vào thời điểm đó. Song điều khiến mọi người băn khoăn hơn cả, đó là virus HPV vốn vẫn thường được xem là thủ phạm chính gây nên ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vì lẽ gì nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới lại tham gia vào một nghiên cứu về virus gây bệnh trên phụ nữ? Phải chăng có điều gì nhầm lẫn ở đây?

Quả thực, HPV là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung - căn bệnh đứng thứ bảy trong số những bệnh ung thư gây tử vong cho phụ nữ ở Việt Nam về số ca bệnh. Ước tính mỗi năm Việt Nam phát hiện hơn 5000 ca ung thư cổ tử cung và tỉ lệ tử vong lên đến 51% sau hai năm được phát hiện. Tuy nhiên, cần nhớ rằng HPV lây lan qua tiếp xúc da kề da. Chúng ta có thể bị nhiễm virus HPV khi quan hệ tình dục trực tiếp qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người đã nhiễm virus.

Các nghiên cứu cho thấy tất cả mọi người, cả nam và nữ giới, không phân biệt lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm virus HPV. Tiêm vaccine là biện pháp đơn giản, hiệu quả, an toàn nhất để phòng tránh ung thư cổ tử cung và các bệnh nguy hiểm khác do virus HPV. Ảnh: VNVC

Vì có thể lây lan qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng, nên “HPV không chỉ là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung mà còn gây ra các bệnh khác liên quan đến đường sinh dục - hậu môn ở cả nữ giới và nam giới như sùi mào gà, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn”, PGS.TS Nguyễn Vân Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh.

Với hiệu lực gần như 100%, tiêm phòng vaccine HPV ở độ tuổi phù hợp là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả đối với ung thư cổ tử cung nói riêng và các bệnh khác liên quan đến đường sinh dục - hậu môn nói chung. Mặc dù rất phổ biến ở các quốc gia phát triển, tỉ lệ bao phủ vaccine HPV ở Việt Nam vẫn còn thấp và vaccine chỉ mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng gần đây. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này nằm ở việc thiếu bằng chứng dịch tễ về nhiễm HPV và các bệnh do HPV gây ra trong dân số.

Dù đã có một số nghiên cứu về HPV tại Việt Nam, song theo PGS.TS Nguyễn Vân Trang, các nghiên cứu trước đây đa phần chỉ tập trung vào đánh giá kiến thức, thái độ đối với việc sử dụng vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu về xét nghiệm HPV không nhiều do kinh phí xét nghiệm cao và đòi hỏi cỡ mẫu lớn (lên đến hơn 1000 người). Kể cả trong các nghiên cứu ít ỏi về tỉ lệ nhiễm HPV ở người dân trong độ tuổi 18-60, đối tượng cũng chỉ thu hẹp trong nhóm phụ nữ có chồng, mà bỏ sót những đối tượng khác, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao nhiễm HPV như phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Với mong muốn lấp đầy khoảng trống dữ liệu đó, từ năm 2016-2021, các nhà khoa học thuộc Trường Y học nhiệt đới London và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành một nghiên cứu chung thuộc Quỹ Newton để thu thập các bằng chứng cần thiết để thúc đẩy việc đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.

Âm thầm lây nhiễm

Trước tiên, các nhà khoa học đã tiếp cận nghiên cứu hai nhóm có nguy cơ cao là phụ nữ hành nghề mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Phụ nữ bán dâm (PNBD), bao gồm PNBD đường phố (gặp khách chủ yếu trên đường phố) và PNBD nhà hàng (gặp khách hàng chủ yếu ở các địa điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, tiệm massage hoặc khách sạn) từ 18-50 tuổi được lựa chọn tham gia nghiên cứu. Sau khi lập bản đồ các tụ điểm, 699 người được lựa chọn từ bốn quận/huyện ở Hà Nội gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai và ở thành phố Hồ Chí Minh là Quận 1, Quận 4, Quận 5, Bình Thạnh, Bình Chánh.

Với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp chọn mẫu “dây chuyền có kiểm soát” (Respondent Driven Sampling - RDS) dựa trên các mạng lưới của nhóm này ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là một cộng đồng gắn bó và hiểu rõ về nhau, vì vậy đại diện của các nhóm được mời đến để phỏng vấn, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu mạng lưới và lựa chọn những người trở thành các “hạt giống”. Tại mỗi thành phố, 3-5 “hạt giống” đã được tuyển chọn dựa vào kết quả phỏng vấn các “hạt giống” tiềm năng. Mỗi “hạt giống” được chọn giới thiệu các thành viên khác trong mạng lưới của họ tham gia nghiên cứu và tiếp tục giới thiệu thêm các đại diện khác cho quần thể MSM.

Nghiên cứu đã hiện thực hóa những bước khó khăn đầu tiên khi có thể lấy mẫu xét nghiệm HPV của hai nhóm có nguy cơ cao và khó tiếp cận như PNBD và MSM, nhưng các nhà khoa học còn nhìn thấy một khoảng trống khác chưa được các nghiên cứu trước thực sự chú ý đến: sinh viên. Nhìn chung các nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm phụ nữ đã lập gia đình sử dụng các phương pháp lấy mẫu xâm lấn. Tuy vậy, nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi ở Việt Nam cũng có những thay đổi nhanh chóng trong thái độ và hành vi tình dục trong ba thập kỷ qua. Trong số phụ nữ ở độ tuổi từ 16-18, nhiễm HPV thường xảy ra khi họ học tại các trường đại học hay các trường học ở vùng nông thôn. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng thông tin về hành vi tình dục và tỷ lệ nhiễm mới trong nhóm sinh viên đại học như một công cụ giáo dục để nâng cao nhận thức về sự lây nhiễm HPV, các bệnh do HPV gây ra và sự cần thiết phải tiêm chủng phòng HPV.

Vì lẽ đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và một số trường Đại học để thu thập mẫu và làm các xét nghiệm phát hiện HPV với gần 1.500 sinh viên tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh để có được cái nhìn tổng thể về tỷ lệ nhiễm HPV của nhóm này trong cả nước.

Kết quả thật đáng kinh ngạc, tỷ lệ nhiễm HPV ở nhóm sinh viên là 4%, ở nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm là 26,3% và ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 31,5%. Rất nhiều người trong số này không biết mình bị nhiễm HPV, bởi thông thường, chúng ta chỉ phát hiện được virus HPV bằng kỹ thuật cao khi lượng virus trong cơ thể đã nhân lên một lượng nhất định. Và các đối tượng nhiễm virus HPV không có biểu hiện lâm sàng rất dễ lây nhiễm virus HPV cho người khác. Đây là bằng chứng để ngành y tế cân nhắc phổ biến tiêm vaccine HPV không chỉ cho trẻ em gái mà còn cho cả các bé trai, vì vaccine HPV phải được tiêm trước khi các em nhận thức được xu hướng tính dục của mình.

Nhìn chung, thay vì hướng đến nhóm đối tượng phổ biến trong các nghiên cứu trước đây như phụ nữ đã có chồng, “nghiên cứu này nhằm vào nhóm đối tượng nhạy cảm (sinh viên), khó tiếp cận (PNBD, MSM), nhưng lại có ý nghĩa - giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra chiến lược sử dụng vaccine phòng nhiễm HPV”, PGS.TS. Nguyễn Vân Trang nhận định.

Gánh nặng bệnh tật

Song song với việc phân tích đặc điểm dịch tễ học, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình đánh giá gánh nặng bệnh tật do HPV gây ra. Thông qua trích xuất dữ liệu của bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu Trung ương ở Hà Nội (Bệnh viện K), họ ước tính tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng bởi ung thư liên quan đến HPV, độ tuổi bị ảnh hưởng cũng như kết quả và chi phí điều trị của các trường hợp. Nhờ đó mà nhóm nghiên cứu còn có thể định lượng được những lợi ích kinh tế nếu có thể ngăn ngừa được các trường hợp bị ung thư cổ tử cung và tử vong vì căn bệnh này.

Để tìm hiểu chi phí và chất lượng sống của bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến nhiễm HPV, các nhà khoa học đã khảo sát tình hình bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện K ở Hà Nội; Bệnh viện Da liễu TP.HCM và Bệnh viện Da liễu Trung ương; Bệnh Viện Hùng Vương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Theo đó, “gánh nặng bệnh tật các bệnh liên quan đến HPV là đáng kể, với 50.000 ca ung thư liên quan được ghi nhận”, nhóm nghiên cứu nhận định. Gánh nặng ung thư cổ tử cung tại TP.HCM lớn hơn nhiều so với Hà Nội, đặc biệt ở phụ nữ sinh trong giai đoạn 1920-1955.

Với những dữ liệu thu thập được, một trong những sản phẩm cụ thể khác của dự án là đã phát triển thành công kit Realtime PCR phát hiện và định type 14 type HPV nguy cơ cao phù hợp với người Việt. Đây là kết quả của việc phân tích đặc điểm dịch tễ học phân tử của các chủng (type) HPV lưu hành ở Việt Nam. Vì sao phải phát triển một loại kit riêng mà không sử dụng các kit có sẵn của nước ngoài - vốn có chất lượng tốt? Cần lưu ý rằng phân bố kiểu gene HPV giữa các khu vực địa lý rất khác nhau, thậm chí ngay cả Đông Á và Đông Nam Á đã có nhiều điểm khác biệt lớn. Tại khu vực Đông Nam Á, các kiểu gene phổ biến nhất là HPV 16, 18, 58, 56 và 52, trong khi đó HPV 52, 16, 58, 18 và 66 phổ biến ở Đông Á.

Bộ kit do nhóm của PGS.TS Nguyễn Vân Trang phát triển có độ đặc hiệu đạt 100%, độ nhạy ít nhất 90%, giới hạn phát hiện 5 copies/phản ứng đối với HPV16 và HPV18 - hai thủ phạm đằng sau 70% các ca ung thư cổ tử cung trên thế giới, 10-50 copies/phản ứng cho type khác, chỉ số tương đồng với kit thương mại như Sacase là 0.94. Bộ kit có khả năng tương thích với các hệ máy khác nhau. Bộ sinh phẩm chẩn đoán trong tương lai sẽ là trợ thủ đắc lực cho các nghiên cứu về dịch tễ HPV trên nhiều đối tượng, từ đó có thể đưa ra những khuyến nghị sâu hơn trong việc lựa chọn loại vaccine và nhu cầu tiêm vaccine theo giới tính.

Quả thật, các phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, sớm, trong đó có tiêm phòng vaccine, đóng vai trò rất quan trọng. Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết mọi người vẫn chưa hiểu rõ về các kiểu lây truyền và tỷ lệ lây truyền HPV trong các nhóm quần thể khác nhau cũng như nhận thức về sự cần thiết của các chương trình y tế công cộng để ngăn ngừa HPV ở Việt Nam. Nghiên cứu của nhóm không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết của cộng đồng về các bệnh liên quan đến HPV, phương pháp phòng chống mà còn cung cấp bằng chứng và đánh giá cho một số chiến lược sử dụng vaccine HPV trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Vân Trang tiết lộ dự án đã “mở ra thêm nhiều hướng nghiên cứu mới mà nhóm đang thực hiện như đánh giá các chiến lược vaccine khác nhau, cũng như nghiên cứu quy trình sản xuất vaccine trong nước để chủ động về nguồn vaccine - trong bối cảnh thiếu vaccine HPV trên toàn cầu”. Đây sẽ là một bước quan trọng để đưa vaccine HPV giá thành hợp lý trở nên phổ biến tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa khi mới đây Chính phủ đã đồng ý triển khai vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2026.