Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu về robot dịch vụ trong y tế. Hàng loạt robot do các kỹ sư, nghiên cứu viên, giảng viên người Việt chế tạo đã lần lượt được đưa vào thử nghiệm ở một số trường học, cơ sở y tế, khu cách ly và được chào đón nồng nhiệt.
Cái bắt tay giữa nhà công nghệ với y bác sĩ
Khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng hồi đầu năm nay, nhiều robot đã nhanh chóng được đưa vào hỗ trợ chống dịch, dù ban đầu không được tạo ra cho mục đích y tế.
Chúng có thể làm nhiều tác vụ không quá phức tạp như vận chuyển thuốc và đồ dùng đến phòng bệnh, phun thuốc khử trùng, làm sạch bề mặt; làm trung gian liên lạc thông qua giọng nói và màn hình để bác sĩ chẩn đoán mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; chỉ dẫn, nhắc nhở người bệnh đến khám; và thậm chí sàng lọc, theo dõi bệnh nhân từ xa.
Điều đó không chỉ diễn ra trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Những robot dịch vụ đầu tiên như Vbot, Ohmni, BeetleBot, NaRoVid1, Scrobot... do các kỹ sư, nghiên cứu viên, giảng viên người Việt chế tạo đã lần lượt được đưa vào thử nghiệm ở một số trường học, cơ sở y tế và khu cách ly và được chào đón nồng nhiệt.
“Trước kia, những cái bắt tay giữa các nhà khoa học công nghệ với các y bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực robot chưa bao giờ thật chặt nhưng gần đây, sự gắn kết đó đã thay đổi," PGS.TS. Mai Anh Tuấn, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN), phát biểu tại buổi đối thoại “Robot dịch vụ trong các cơ sở y tế” do
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 15/12. "Đại dịch Covid-19 đã khiến cả cộng
đồng cảm thấy tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đó là cơ hội rất
tốt để chúng ta phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành robot”.
Bản thân PGS. Mai Anh Tuấn đồng thời là trưởng nhóm phát triển robot lau sàn khử khuẩn NaRoVid1 và giải pháp sàng lọc không tiếp xúc eScreening áp dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong đại dich.
Những bài học thử nghiệm đắt giá
Tuy nhiên, sử dụng robot dịch vụ trong các cơ sở y tế tại Việt Nam là điều cực kỳ mới mẻ, do vậy chính các bệnh viện và những người thiết kế chế tạo robot cũng bối rối trong việc tìm hiểu nhau.
Các doanh nghiệp hay nhà sản xuất vốn quan tâm đến việc tiếp cận thị trường và thương mại hóa chưa biết ngành y - những người dùng sản phẩm của họ - nghĩ gì. Do ít nhận được phản hồi nên họ càng bối rối, không rõ sản phẩm của mình có được chấp nhận không hay cần điều chỉnh những gì để vượt những rào cản kỹ thuật. Một câu hỏi nữa, liệu sau đại dịch, nhu cầu y tế có đủ lớn để tạo ra thị trường bền vững và nếu có thì tồn tài những rào cản thâm nhập thị trường nào.
Giữa lúc đó, UNDP đã trở thành nơi kết nối giữa doanh nghiệp và bệnh viện. Từ tháng 7/2020, tổ chức này đã đưa thử nghiệm hai robot vào các cơ sở y tế.
Ohmni là một loại robot có chức năng giao tiếp, chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa. Chúng được thiết kế và chế tạo in 3D từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và thương mại hóa tại các thị trường Mỹ, Nhật và Ấn Độ từ năm ngoái với giá từ 2.200 - 2.700 USD nhưng chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam. Nhà sáng lập Thức Vũ của Ohmni robot nói rằng “nếu thử nghiệm thành công, họ sẽ cân nhắc việc thành lập cơ sở sản xuất ở trong nước”.
Ngược lại, BeetleBot là một ý tưởng startup mới được hình thành từ chương trình Hack Covy hồi tháng 4/2020 của các nhà khoa học trẻ tại TPHCM. Sử dụng cảm biến và thuật toán trí tuệ nhân tạo, nhiệm vụ chính của chúng là tự động vận chuyển các loại dụng cụ y tế, thuốc men, xịt khuẩn và chào hỏi bệnh nhân. Robot này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, mặc dù vậy đồng sáng lập Trần Duy Quang cho biết họ đã “bắt đầu có một số hợp đồng đặt hàng từ các đối tác và bệnh viện ở TPHCM”.
Sau nhiều tháng thử nghiệm, cả hai loại robot đều nhận được góp ý của các bác sĩ. Rất nhiều thứ trên thực tế khác xa với giả định khi thiết kế và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của robot. Nhiều tính năng của robot thực tế đã bị giảm do chất lượng đường truyền Internet tại bệnh viện, cách bố trí phòng bệnh, nhu cầu giao tiếp thực sự của người dùng, hay đòi hỏi cân bằng giữa khả năng vận hành của robot với các tiêu chuẩn về an toàn và tính nhân văn của ngành y...
Không chỉ các nhà phát triển robot mà nhóm thực hiện của UNDP cũng học được những bài học quý giá. Họ nhận thấy để một công nghệ mới được chấp nhận thử nghiệm ở bệnh viện là việc không dễ dàng ngay cả với UNDP thì với các startup còn non trẻ, chưa có nhiều mối quan hệ còn khó khăn hơn nhiều. Ngay cả những tập đoàn lớn cũng thừa nhận việc tiếp cận cơ sở y tế và người dùng cuối để nhận phản hồi thiết kế luôn là một thách thức.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển robot, ví dụ nên làm robot theo hướng tinh gọn hay đầy đủ nhất? Các bác sĩ mong muốn robot sẽ được trang bị những tính năng hữu ích hơn - như theo dõi các chỉ số sinh tồn, tư vấn riêng cho bệnh nhân, đưa ra cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc và chẩn đoán, kết nối với cơ sở dữ liệu để hỗ trợ khám chữa bệnh v.v. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại phải cân nhắc giữa năng lực công nghệ, chi phí, giá thành sản phẩm cũng như khả năng sẵn sàng chi trả của người dùng.
Thậm chí, các nhà phát triển robot và tổ chức hỗ trợ phát triển UNDP còn trăn trở suy nghĩ về câu hỏi liệu robot sẽ thay thế hay hỗ trợ con người.
Cần nhiều kết nối hơn
TS. Lê Anh Sơn - Phó Giám đốc, Viện nghiên cứu và Phát triển PRATI thuộc Tập đoàn Phenikaa - thừa nhận, việc phát triển tất cả các công nghệ gắn trên robot để đảm bảo yêu cầu của người dùng là một lĩnh vực rộng lớn, đòi hỏi một đội ngũ đa ngành phối hợp chặt chẽ và một nguồn kinh phí rất lớn. “Nếu có một hệ sinh thái bổ trợ lẫn nhau thì chúng ta có thể thành công và tiến xa hơn trong việc nghiên cứu chế tạo robot”, anh nói.
Tập đoàn Phenikaa - với mô hình căn bản của một hệ sinh thái thu nhỏ, bao gồm doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học - đã đạt được kết quả đáng ngạc nhiên khi trong vòng 4 tháng đã bắt đầu nghiên cứu về robot, ra mắt phiên bản thử nghiệm, hoàn thiện 3-4 loại robot y tế tự hành theo tiêu chuẩn quốc tế và sẵn sàng đem ra sản xuất hàng loạt.
Khi đại diện PRATI cho biết sẵn sàng đối thoại và hợp tác để hình thành mạng lưới cộng tác thì tín hiệu trả lời ngay lập tức xuất hiện: BS. TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock của ĐH Sydney tại Việt Nam, cho biết sẽ trao đổi đề xuất hợp tác nghiên cứu và giới thiệu những bác sĩ về chuyên ngành hô hấp vào mạng lưới.
Đối với việc thử nghiệm và cải tiến sản phẩm, BS. Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp làm việc với các robot trong đợt Covid-19, cho rằng nếu trong nhóm nghiên cứu robot có người chuyên trách về lĩnh vực y tế, am hiểu kết nối giữa hai bên thì quá trình phản hồi và cải tiến robot sẽ diễn ra nhanh hơn.
Anh cũng gợi ý rằng viện nghiên cứu nên đặt một đơn vị nghiên cứu nhỏ trong bệnh viện để hằng ngày nắm bắt thông tin về nhu cầu của bệnh viện, thay vì thỉnh thoảng đến trao đổi bởi các y bác sĩ vô cùng bận rộn và người thiết kế robot phải thường xuyên quan sát mới nhận ra những đặc thù riêng của ngành để đưa vào sản phẩm. Sự gắn kết chặt chẽ như vậy cũng có thể khiến bệnh viện dễ dàng chấp nhận các thử nghiệm mới hơn.
Theo đánh giá của TS. Lê Anh Sơn, mặc dù thị trường robot nói chung của
Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới nhưng các công ty trong nước chủ yếu
làm thương mại hóa mà không đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Việc phát triển robot đang nhận được một động lực mới, khi một vài tháng nữa, Chính phủ sẽ thông qua danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có robot và xe tự hành - theo ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ (Bộ KH&CN). “Khi đó, các nhà phát triển robot y tế sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt không từ Bộ KH&CN, Bộ Y tế mà còn nhiều bộ ban ngành khác”, ông nói.
Trong khi đó, TS. Chử Đức Hoàng, Phòng Tài trợ Đề tài - Hoạt động thuộc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và chuyên gia của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), cho biết hai quỹ này đang tài trợ khoảng 10 dự án trong nước về robot có khả năng phục vụ ngành y tế và có thể sẽ có thêm tài trợ cho các dự án tương tự trong tương lai.
BS. Trần Văn Bắc – Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Cần robot trợ lý cho bác sĩ
Tôi tin rằng Robot kết hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) để trở thành trợ lý cho bác sĩ có thể là hướng phát triển robot nhanh chóng và hữu dụng hơn so với việc tập trung vào hoàn thiện vận hành hay thao tác quá tinh vi của robot. Thực sự, các bác sĩ rất cần trợ lý, trong khi việc đào tạo được một nhân viên y tế làm trợ thủ rất khó khăn và đang thiếu thốn. Y học là ngành đặc thù, không thể tuyển hay mở trường lớp ồ ạt.
Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế trên bệnh nhân của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 so với châu Âu. Trong khi đó, nhu cầu chăn sóc y tế sẽ ngày càng tăng do già hóa dân số và những đòi hỏi về chất lượng sẽ ngày càng cao hơn. Tôi ủng hộ việc phát triển robot để hỗ trợ y tế. Nếu có một trợ lý robot thân thiện, làm việc hiệu quả, cần mẫn và ăn ý thì sẽ làm tương tác giữa bác sĩ và robot tăng lên, từ đó cũng khiến tính nhân văn của robot tăng lên.
Một bác sĩ hay giáo sư khi kê đơn liều lượng thuốc cho phù hợp vẫn phải mở cuốn y đan ra để kiểm tra liều lượng cho phép, đó là một nguyên tắc thực hành y học. Dù là một giáo sư bạc đầu, đã kê đơn 1.000 lần nhưng nếu chỉ sai một lần thôi cũng đã nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân rồi. Bởi vậy, tôi cho rằng công việc tư duy có thể dành cho bác sĩ, còn những công việc cần độ chính xác tuyệt đối [như nhớ danh mục hay liều lượng thuốc], robot có thể hỗ trợ. Nếu phát triển theo hướng này, Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn. |