ProNexus vừa ra mắt một trong những ứng dụng cố vấn tài chính đầu tiên của Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề mà nhiều người Việt Nam còn đang bối rối: đưa ra các quyết định tài chính cá nhân quan trọng mà không biết hỏi chuyên gia nào.
Những người sáng lập
ProNexus bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình từ tháng 6/2020, khi tình hình tài chính của nhiều gia đình gặp khó khăn do hậu quả tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra.
Việc phải tự xử lý các vấn đề tài chính - chẳng hạn như tạo các danh mục đầu tư, lập gia đình, ly hôn, phá sản, nhận một khoản thừa kế lớn, mua những tài sản lớn như bất động sản, tạo khoản tiết kiệm cho con cái, vay trả nợ, chuẩn bị nghỉ hưu,…- có thể khiến nhiều người cảm thấy khó khăn,
Một cố vấn tài chính có thể giúp đỡ hoàn thành tất cả những công việc trên, hỗ trợ khách hàng đi đúng hướng với mục tiêu của mình, tránh những quyết định cảm tính và giảm thiểu thời gian.
Nút thắt nằm ở chỗ, “Khách hàng có nhu cầu hiện nay vẫn chưa mạnh dạn kết nối với các đơn vị tư vấn do vấn đề về lòng tin, hiệu quả và chi phí. Ở chiều ngược lại, rất nhiều cố vấn chuyên nghiệp lại chưa mở rộng được thị trường tiềm năng này", ông Phạm Ngọc Bách - CFO của ứng dụng ProNexus, chia sẻ.
Đó là lý do ProNexus tạo ra một nền tảng để kết nối trực tiếp các chuyên gia tài chính được chứng nhận với những khách hàng có nhu cầu.
Tạo dựng lòng tin dựa trên các chuẩn mực nghề nghiệp
Để tìm được một người cố vấn đồng hành đường dài, phù hợp với mỗi cá nhân không hề dễ dàng. Không giống như giáo dục, y tế hay kỹ thuật, sân chơi cho các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính này vẫn chưa thực sự phổ biến và chuyên nghiệp.
Dưới sự tư vấn của các chuyên gia tài chính, ProNexus hướng tới tạo dựng một nền tảng dựa trên các chuẩn mực nghề nghiệp, buộc các cố vấn tài chính khi đăng ký hồ sơ trên ứng dụng đều bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn ủy thác nghiêm ngặt, và cam kết chỉ hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng.
Toàn bộ quy trình - từ đặt lịch hẹn, thanh toán, trò chuyện, khiếu nại, đánh giá chất lượng - đều được thực hiện xuyên suốt trên nền tảng. Theo các nhà phát triển, điều này sẽ giúp đảm bảo sự an toàn và minh bạch cho cả người dùng và các cố vấn.
Các cố vấn tài chính có thể tham gia nền tảng với hai vai trò khác nhau. Thứ nhất là “Chuyên gia hoạch định tài chính tổng thể” được chứng nhận. Họ là những người giúp các gia đình giải quyết các bài toán về quản lý ngân sách, phân bổ dòng tiền, tiết kiệm, bảo hiểm, hưu trí, vay nợ,... và các vấn đề liên quan.
Thứ hai là “Cố vấn đầu tư”, những người có kinh nghiệm, thực sự tin cậy, thành công và đã được chứng minh về năng lực. Những người này sẽ đánh giá nguồn lực và khẩu vị đầu tư của khách hàng, lập kế hoạch đầu tư tổng thể, thiết kế danh mục, tư vấn và quản lý rủi ro. Sau đó, họ sẽ cùng khách hàng đi vào chi tiết từng loại hình đầu tư hợp pháp trên thị trường, bao gồm: chứng khoán, bất động sản, vàng, hàng hoá, doanh nghiệp …
Tại thị trường Việt Nam, những cố vấn tài chính tin cậy và làm việc chuyên nghiệp như vậy thường có những yêu cầu tối thiểu về chi phí và mức đầu tư ban đầu. Thuê cố vấn tài chính thường được coi là quyết định tốn kém của người giàu có, nhưng startup này đang tìm cách “bình dân hóa” chúng bằng công nghệ kết nối, khiến bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng được tiếp cận với những dịch vụ như vậy, kể cả nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
ProNexus cho biết hiện tại, việc đăng ký tham gia của khách hàng và nhà cố vấn hoàn toàn miễn phí. Khách hàng chỉ phải trả tiền khi đăng ký các buổi cố vấn với chuyên gia mà mình lựa chọn với mức phí từ vài trăm nghìn/buổi trở lên. Phần lớn chi phí này sẽ đến tay chuyên gia cố vấn, nền tảng chỉ nhận về một tỷ lệ % mỗi khi có giao dịch thành công.
Bên cạnh việc kết nối các dịch vụ cố vấn thu phí, ProNexus còn cung cấp bộ 6 công cụ tài chính miễn phí để hỗ trợ người dùng quản lý tài chính của mình tốt hơn, bao gồm: Bảng cân đối tài sản, theo dõi ngân sách và chi tiêu, lập kế hoạch tiết kiệm, hưu trí, vay nợ và đầu tư.
Ứng dụng cũng sẽ cập nhật tin tức tài chính và cung cấp bài viết hữu ích trên nền tảng để nâng cao kiến thức về tài chính cho cộng đồng.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) năm 2020 về “
Fintech và nền tảng hiểu biết tài chính ở Việt Nam”, mức độ hiểu biết tài chính của người dân Việt Nam đang ở mức 4.4/7 điểm và có xu hướng tương quan với sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ Fintech như cho vay, chuyển khoản, tiền điện tử, bảo hiểm và cố vấn tài chính.