Các nhà nghiên cứu đang tập hợp và tiến hành các cuộc phản đối việc các quan chức dưới quyền Tổng thống Trump cắt giảm tài trợ và sa thải một số lượng lớn những nhà khoa học trong các cơ quan liên bang.

Một đám đông các nhà khoa học tụ tập ở New York vào ngày 19/2 nhằm phản đối việc cắt giảm kinh phí nghiên cứu của chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: Getty images
Một đám đông các nhà khoa học tụ tập ở New York vào ngày 19/2 nhằm phản đối việc cắt giảm kinh phí nghiên cứu của chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: Getty images

Annika Barber cảm thấy mình như một kẻ mạo danh khi bước lên một xe buýt vào rạng sáng ngày 24/2/2025, chuẩn bị cho một hành trình dài từ New Jersey đến Washington DC. Barber đã nghiên cứu về khoa học thần kinh trong nhiều năm trước khi lập một phòng thí nghiệm tại ĐH Rutgers ở Piscataway, New Jersey. Cô không được huấn luyện để trở thành một nhà hoạt động về chính sách nhưng giờ cô phải chuẩn bị cho một phát biểu trong một cuộc xuống đường phản đối việc cắt giảm kinh phí nghiên cứu của Chính phủ Mỹ. Khi tới Washington, cô đã chọn một tấm biển trắng do những nhà tổ chức cuộc tuần hành cung cấp để tự viết điều mình muốn nói lên đó.

Việc lặp đi lặp lại những mối đe dọa về cắt giảm ngân sách nghiên cứu và sa thải một số lượng lớn những nhà khoa học làm việc tại các cơ quan liên bang đã thúc đẩy nhiều nhà khoa học trở thành những nhà hoạt động, phát biểu tại các cuộc tuần hành, kêu gọi các nhà lập pháp và hình thành các nhóm vận động chính sách mới.

Vai trò mới


Không lâu sau lễ nhậm chức thứ hai của Tổng thống Donald Trump vào ngày 20/1/2025, chính quyền mới đã nỗ lực đóng băng khoản tiền trả cho các khoản tài trợ của liên bang; loan báo rằng có thể phải phê duyệt lại và có tiềm năng là hủy bỏ bất kỳ khoản tài trợ nào liên quan đến chương trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI); và thông báo những lệnh cắt giảm sâu chi phí quản lý, hay còn gọi là chi phí gián tiếp, vẫn trả cho các tổ chức có nhà khoa học nhận được dự án do Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ tài trợ.

“Tất cả những tin xấu và sự hỗn loạn do chính sách mới gây ra khiến khó mà biết được hành động tốt nhất nên thực hiện là gì”, Melissa Varga, nhà quản lý chính về khoa học thần kinh tại Liên minh các nhà khoa học quan tâm chính sách mới ở Washington DC, nói. “Mọi người chỉ yên lặng”. Nỗi sợ hãi về khả năng bị trừng phạt do lên tiếng cũng là một phần nguyên nhân, bà cho biết thêm.

Trước tình cảnh như vậy, hoạt động của các nhà khoa học diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Vào ngày 3/3/2025, Liên minh các nhà khoa học quan tâm và 48 tổ chức khoa học khác đã cùng ký vào một lá thư chung gửi Quốc hội, kêu gọi các nhà lập pháp bảo vệ nghiên cứu mà tiền thuế đóng góp tài trợ. “Hành động của chính quyền đã trở thành nguyên nhân gây tổn hại đáng kể lên khoa học Mỹ và làm rủi ro sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng chúng ta”, họ nói.

Các nhà nghiên cứu lĩnh vực khoa học hành tinh đang đối thoại về việc tạo ra một tổ chức nghề nghiệp mới để tăng cường tiếng nói trong các vấn đề chính sách. Paul Byrne, một nhà khoa học thần kinh tại ĐH Washington ở St. Louis, Missouri, nói ông đã nghĩ về một hội như vậy trong nhiều năm ‘nhưng những cuộc tấn công vào khoa học Mỹ đã thúc đẩy việc này”, ông nói. “Cộng đồng khoa học hành tinh càng được tổ chức tốt thì chúng tôi càng có thể đứng vững một cách hiệu quả hơn và thúc đẩy chống lại những hành động đó”. Byrne và những người khác sẽ dẫn dắt một cuộc thảo luận tại một hội nghị khoa học hành tinh sẽ điễn ra vào thời gian tới, trao đổi về việc liệu có cần lập ra một hội không.

Mỗi nhà khoa học đều đã ký vào bức thư, bao gồm thông cáo biểu lộ sự phản kháng với sự kiểm soát về khoa học, cắt giảm phí quản lý và cắt giảm đầu tư cho khoa học vũ trụ, nghiên cứu y sinh. Và các hội khoa học đã phát hướng dẫn các nhà khoa học mong muốn kêu gọi những người đứng đầu các hội này quan tâm đến vận động chính sách.

Hành động


Với nhiều nhà khoa học, sự kiện lớn sẽ đến vào ngày 7/3/2025, một cuộc tuần hành mang tên ‘Đứng lên vì khoa học’, dự kiến sẽ diễn ra trên khắp 32 thành phố. Tâm điểm của sự kiện là ở Washington DC, với phần lớn là học viên sau đại học, dẫn đầu bằng một nhóm năm nhà khoa học. “Thật là được truyền cảm hứng khi thấy rất nhiều người cùng hành động”, Emma Courtney, một học viên sau đại học ngành sinh học tại Cold Spring Harbor Laboratory, New York, nói.

Một trong những mục tiêu khác là cuộc tuần hành ở mỗi thành phố sẽ thu hút các tòa soạn, báo chí phản ánh về tác động của khoa học lên cộng đồng, theo Sam Goldstein, nhà nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ tại ĐH Florida ở Gainesville và là đồng tổ chức cuộc tuần hành ở Washington. Goldstein nói khi được một tờ báo ở Maryland phỏng vấn, cô đã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong của vùng, sau đó chuẩn bị những ví dụ chứng minh nghiên cứu y sinh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở đây như thế nào.

Tập hợp được những nhà khoa học cùng chí hướng trong một cuộc tuần hành lớn có thể tạo tác động lớn nhưng việc báo chí phản ánh các cuộc phản đối cũng có thể gây bất lợi, Anne Toomey, một nhà khoa học môi trường ở ĐH Pace ở New York City, nhận xét. Có thể là rất nhiều sự kiện có thể làm mọi thứ chia rẽ sâu hơn nếu như báo chí địa phương tập trung vào bất cứ dấu hiệu giận dữ nào nhắm vào Tổng thống Trump và khiến những người ủng hộ Đảng Cộng hòa xa lánh khoa học.

Toomey cũng lo ngại là một số nhà khoa học đã tấn công các thành viên Quốc hội bằng những lời kêu gọi về những vấn đề khác nhau. Thay vào đó, bà chỉ mong thấy các nhà khoa học đoàn kết, tập trung vào những mục tiêu chính trị cụ thể và phát triển mối quan hệ với những thành viên của Quốc hội. “Nếu bạn thực sự muốn hiệu quả trong việc thay đổi, hãy làm những gì mà những người vận động chính sách vẫn làm”, cô nói. Một số hội khoa học sẽ sẵn sàng tư vấn về vận động Quốc hội, bà nói, và các nhà khoa học có thể ủng hộ các nỗ lực đó.

Những bước nhỏ

Một tổ chức ở Washington DC mang tên 314 Action hy vọng sẽ giúp các nhà khoa học làm được nhiều hơn. Kể từ năm 2017, họ đã quyên được hơn 65 triệu USD để giúp bầu ra những thành viên của Đảng Dân chủ có nền tảng khoa học và các lĩnh vực liên quan. Vào ngày 28/2/2025, 314 Action đã loan báo một mục tiêu mới là có được 100 bác sĩ được chọn vào cơ quan công quyền vào năm 2030. Dẫu trọng tâm là bác sĩ nhưng tổ chức này mong đợi các chuyên gia sức khỏe công cộng và các nhà nghiên cứu khác tham gia vào nỗ lực này. Theo Raiyan Syed, Giám đốc Truyền thông Quốc gia của 314 Action. Không ai có thể dự đoán được điều gì sẽ đến. Nhưng nếu như có một số người sẵn sàng cởi áo phòng thí nghiệm ra trong một buổi chiều và đứng lên vì khoa học thì đó là một bước đi tích cực rồi.

Nguồn: Nature

Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)