Trong "Cõi sống của những con ma đói", bác sĩ Gabor Maté đã chỉ ra những ngộ nhận thường thấy về chất gây nghiện, quá trình nghiện cũng như con nghiện, từ đó đưa ra cái nhìn toàn diện và nhân văn hơn về vấn đề này.
Gabor Maté là chuyên gia danh tiếng trong các lĩnh vực nghiên cứu về chứng nghiện, tình trạng căng thẳng và sự phát triển của trẻ em. Sau 20 năm hành nghề bác sĩ gia đình và chăm sóc giảm nhẹ, ông đã dũng cảm đến với Phố Đông - một trong những khu vực lâu đời nhất của Vancouver, nổi tiếng với một loạt những vấn đề xã hội phức tạp như tình trạng vô gia cư, nghèo đói, tội phạm, sử dụng ma túy... - để phục vụ y tế cộng đồng tại đây trong suốt tám năm. Chính bằng những trải nghiệm hành nghề kết hợp với phỏng vấn vô số bệnh nhân tại đây, và kiến thức chuyên ngành sinh học, hóa học và tâm lý học, tất cả đã đúc kết nên một cuốn sách đầy đủ và toàn diện về các chứng nghiện.
Trong cuốn sách 'Cõi sống của những con ma đói: Hiểu sâu về chứng nghiện', bác sĩ Maté không chỉ đề cập đến việc nghiện các chất kích thích như cocaine, heroine... mà đó còn là nghiện ăn uống, mua sắm, cờ bạc, tình dục, Internet... hoặc thậm chí là những hành vi được xã hội ít nhiều “thừa nhận” như nghiện công việc...
Điểm quan trọng nhất của cuốn sách là tác giả khẳng định phần lớn các chứng nghiện có nguồn gốc từ những tổn thương và nỗi ám ảnh sâu xa bắt nguồn từ trong quá khứ của bệnh nhân. Ông phản bác những luận điểm cho rằng có tồn tại một “gen nghiện” di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rằng người nghiện không thể cai được. Điều ông khẳng định đã được chứng minh bằng các thống kê, khi nhiều nghiên cứu chỉ ra hầu hết những người lạm dụng ma túy hiệu lực cao đều xuất thân từ các gia đình có lịch sử bạo hành. Họ hoặc bị bỏ rơi, bị ngược đãi nghiêm trọng từ khi còn nhỏ, hoặc bị xâm hại tình dục ở tuổi ấu thơ. Trên thực tế, các lời chứng của bệnh nhân liên tục đề cập những nỗi đau như bị hãm hiếp, đánh đập, nhục mạ, chối bỏ, bỏ rơi… Họ cũng chứng kiến lối sống tự hủy hoại, mối quan hệ bạo lực hoặc chứng nghiện tự sát của cha mẹ mình.
Maté dành phần lớn dung lượng (khoảng một phần ba cuốn sách) để ghi lại chân thực những nỗi ám ảnh mà bệnh nhân của mình phải chịu đựng. Những ghi chép đó làm lộ ra tình trạng vô tâm của gia đình hiện đại và ít nhiều cả tình trạng phân biệt giai cấp, chủng tộc, giới tính của xã hội... Ông nhận thấy luôn có một nỗi đau nằm ở trung tâm của mọi hành vi nghiện, và tác động của căng thẳng hoặc nghịch cảnh khi còn nhỏ sẽ trực tiếp hình thành nên tâm lí và sinh học thần kinh của chứng nghiện trong não bộ. Vì vậy không thể thu hẹp chứng nghiện của con người dưới phương diện hóa học thần kinh (do hóa chất gây ra) hoặc gen di truyền, mà thay vào đó, phải luôn tính đến địa vị xã hội - chính trị - kinh tế, tiểu sử cá nhân và gia đình, và quan trọng nhất là những trải nghiệm đầu đời.
Maté không nói suông - bằng cách trích dẫn các nghiên cứu đi trước, ông cho thấy các trung tâm cảm xúc trong não trẻ sơ sinh, nhất là vùng vỏ não trán ổ mắt, vô cùng quan trọng, đòi hỏi những thông tin, cảm xúc lành mạnh từ người chăm sóc. Nếu như em bé không cảm nhận được điều này thì khi lớn lên, việc dễ bị tổn thương là không tránh khỏi. Đồng thời, nếu không khí gia đình không được “hòa điệu” – tức không đủ sự kết nối và yêu thương dành cho nhau – thì đứa trẻ khi lớn lên cũng có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của chứng nghiện. Maté còn tự mổ xẻ chứng nghiện âm nhạc của bản thân: bởi sự bỏ bê của cha mẹ, cậu bé Maté đã tìm đến âm nhạc để được lấp đầy, dẫn đến việc sau này ông mắc phải chứng cuồng CD thu âm những bản nhạc cổ điển - ông đã từng nấn ná tại cửa hàng bán đĩa dù cho một cuộc phẫu thuật đang đợi ông... Ông kết luận, chứng nghiện chính là “thế thân thảm hại của tình yêu”, bởi vì thèm khát một sự quan tâm mà giờ họ đã trở thành những con “ma đói”.
Từ đó, ông đặt câu hỏi, liệu có đúng không khi ta coi thường, xa lánh, lên án những người mà việc sử dụng các chất kích thích hoặc không ngừng thỏa mãn nhu cầu của bản thân là để giúp họ lấy lại sự bình tĩnh và để được cảm thấy an toàn? Ông giải thích, sở dĩ khó cai các chứng nghiện là bởi bằng mọi giá, người nghiện muốn tránh đối diện với tâm trí của mình. Các chất kích thích mang đến cho người nghiện hàng rào bảo vệ khỏi nỗi đau, đồng thời cho phép họ tham dự vào thế giới một cách hứng khởi và có ý nghĩa qua việc cải thiện năng lực tương tác xã hội, trái ngược hoàn toàn với nỗi cô đơn không thể chịu nổi lúc tỉnh táo…
Giữa những dòng viết đau thương, cuốn sách cũng có nhiều giây phút xúc động khi Maté khắc họa cái ánh sáng hiếm hoi ở những con “ma đói” trong những khoảnh khắc tỉnh táo nhất của họ. Những lúc đó, họ có đầy đủ nhân phẩm như những người bình thường - có lòng dũng cảm, khả năng đồng cảm, và tinh thần đấu tranh ngoan cường để sinh tồn. Hơn thế, họ còn có thể là những tài năng sáng tác thơ, nhạc, hoặc có những suy tư mang tính triết học... Qua đó, Maté kêu gọi góc nhìn thấu hiểu và cảm thông cho những người có một khởi đầu khốc liệt. Với Maté, các bệnh nhân nghiện luôn cần không gian để có thể tồn tại mà không bị phán xét, xua đuổi, quấy rối, bởi khi được chăm sóc đầy đủ, thì những cá thể bị coi là “ma đói” này cũng người như bao nhiêu người khác.
Theo Maté, cuộc chiến chống ma túy ở nhiều quốc gia thất bại vì nhắm đến mục tiêu triệt hạ việc phân phối, buôn bán các chất kích thích – vốn là cái “ngọn”, thay vì đầu tư chữa trị cái “gốc” – là những ám ảnh kéo dài từ thời thơ ấu. Chống lại chứng nghiện theo cách này, như Maté khẳng định, dù có bỏ bao công sức tiền của thì cũng cầm chắc thất bại. Do đó, ông đề xuất những biện pháp cải thiện, từ thay đổi cách nhìn và hiểu biết của cộng đồng về nguồn gốc của cơn nghiện cho đến đề xuất phi hình sự hóa việc dùng các hóa chất gây nghiện. Maté lập luận, cũng như ung thư, không thể kì vọng chữa khỏi hoàn toàn, phác đồ đối với chứng nghiện phải hướng đến việc “giảm tác hại”.
Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)