Các biện pháp quản lý tổng hợp như vệ sinh vườn, tưới nước hợp lý, bẫy ruồi, bao trái, nhân nuôi ong ký sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn,… có khả năng quản lý hiện tượng ruồi đục trái đạt hiệu quả 90%.
Tiền Giang có diện tích cây ăn trái lớn nhất đổng bằng sông Cửu Long, trong đó vú sữa Lò rèn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Trong số các bệnh hại phổ biến trên vườn vú sữa, ruồi đục trái gây hại cao nhất với tỷ lệ hại từ 25-32%. Bệnh thường gia tăng ở giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 3, và giảm dần từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học thường được nông dân thường sử dụng để phòng trừ các đối tượng côn trùng gây hại là chính, nhiều loại có hoạt chất độ độc cao, không an toàn cho người sử dụng.
Trước tình trạng đó, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã triển khai đề tài “Quản lý tổng hợp hiệu quả ruồi đục trái trên cây vú sữa tại tỉnh Tiền Giang”, Viện Cây ăn quả miền Nam là đơn vị thực hiện.
Tại các vườn vú sữa thí điểm, nhóm thực hiện đưa ra các biện pháp quản lý tổng hợp như vệ sinh vườn, tưới nước hợp lý, bẫy ruồi, bao trái, nhân nuôi ong ký sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn,…
Mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục trái trên vườn vú sữa. Ảnh: NNC
Cụ thể, đề tài xác định được loại bao trái phù hợp nhất là túi bao vải không dệt có cửa, cho tỷ lệ nhiễm ruồi đục trái 0%, trong khi không bao trái nhiễm 43%, còn các loại túi bao khác (vải không dệt, vải caro, vải mùng,…) nhiễm từ 3 – 7%. Thời điểm bao trái phù hợp là sau đậu trái 12 tuần.
Điều tra thiên địch trên các vườn vú sữa, nhóm phát hiện chín đối tượng là thiên địch của ruồi đục trái. Trong đó kiến lửa, kiến đầu to, nấm tím, và ong ký sinh là các đối tượng xuất hiện phổ biến. Nhóm cũng xác định được loài nấm ký sinh Peacilomyces lilacinus có hiệu quả trong kiểm soát nhộng ruồi đục trái, với tỷ lệ hóa nhộng thấp 44%, hiệu lực ký sinh thành trùng là 79,12%.
Bên cạnh đó, nhóm đã nghiên cứu thiết kế được lồng nuôi ong ký sinh chuyên dụng trên ruồi đục trái với kích thước cao 100cm, rộng 60 cm và dài 80 cm.
Bao trái vú sữa. Ảnh: NNC
Để phòng trừ ruồi đục trái, nhóm nghiên cứu còn xác định hiệu quả của các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hóa học ít độc, đó là hoạt chất thuốc Emamectin benzoate + Matrine và Abamectin + Petrolium oil + Special additives, cho tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, lần lượt là 2,78% và 2,67%. Nhóm khuyến cáo nên phun thuốc 5 lần/vụ để ruồi đục trái có tỷ lệ nhiễm thấp dưới 5%.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hai mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục trái gây hại trên vú sữa với diện tích 1,04 ha tại huyện Châu Thành, nơi trồng vú sữa nhiều nhất ở Tiền Giang, trong đó mô hình giống vú sữa Lò rèn rộng 0,5 ha và mô hình giống vú sữa Nâu bách thảo rộng 0,54 ha.
Nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình có khả năng quản lý hiện tượng ruồi đục trái hiệu quả 90%. Tỷ lệ trái đạt loại 1, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên 80%. Về hiệu quả kinh tế, tăng hơn so với mô hình sản xuất truyền thống từ 16 – 20%. Bên cạnh đó, quy trình có thể ứng dụng trên nhiều loại cây ăn trái khác.
Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)