Xem xét chỉ số phát triển con người (HDI) ở cấp độ hộ gia đình, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng nhiệt độ đã ảnh hưởng đáng kể đến các hộ gia đình Việt Nam trong giai đoạn 2012-2018.
Kể từ năm 1950 khi thế giới bước vào thời kỳ Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0.06oC mỗi thập kỉ. Và đến những năm 1980, tốc độ tăng nhiệt độ đã tăng gấp ba lần với tốc độ 0.2oC.Giờ đây, so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ bề mặt Trái đất đã tăng 1.5oC. Nếu con số này lên đến 2oC, các nhà khoa học cảnh báo sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái trên hành tinh này.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng cao có tác động tiêu cực tới cuộc sống của con người. Chẳng hạn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng, số người trên 65 tuổi tử vong trên thế giới do sốc nhiệt đã tăng gần gấp đôi khi so sánh giữa giai đoạn 2000-2004 với 2017-2021. Nhiệt độ cũng có thể ảnh hưởng tới thu nhập, một nghiên cứu tại Mỹ dự đoán rằng, giữa hai quốc gia có nhiệt độ mùa hè chênh lệch khoảng 1.6oC, nước nào nóng hơn sẽ có GDP đầu người ít hơn 11%. Tuy nhiên, hạn chế của những nghiên cứu trên đó là nó mới chỉ xem xét tác động của nhiệt độ cao tới một khía cạnh của đời sống, trên một cộng đồng, tại một thời điểm nhất định.
Sốc nhiệt làm giảm HDI như thế nào?
Tốc độ tăng nhiệt độ của Việt Nam cũng tương đương với toàn cầu. Vậy hiện tượng này ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của con người, một cách toàn diện, tại Việt Nam?
Khi đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Monash, Úc, TS. Phan Hoàng Điệp (hiện đang là nghiên cứu viên về thành phố thông minh và bền vững - Trường Đại học RMIT Việt Nam), những mẩu tin về hạn mặn, hạn hán, tỉ lệ bỏ học cao của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến anh suy nghĩ, liệu chúng có phải là phản ứng dây chuyền từ hiện tượng sốc nhiệt?
Nghiên cứu của anh về tác động của tăng nhiệt độ tới chỉ số phát triển con người (Human Development Index- HDI) ở cấp độ hộ gia đình đăng trên tạp chí Ecological Economics đã lí giải phần nào vấn đề này.
HDI được coi là chỉ số đánh giá con người và năng lực của người dân mỗi quốc gia. Khi nói đến sự phát triển của một đất nước, HDI quan trọng không kém gì GDP. Chỉ số này gồm ba thành phần được cấu thành bởi ba chỉ số thành phần: tuổi thọ trung bình khi sinh (đại diện cho sức khỏe), số năm đi học trung bình của người trưởng thành và số năm đi học dự kiến của trẻ em (đại diện cho giáo dục), và thu nhập quốc dân bình quân đầu người (đại diện cho mức sống).
Tuy nhiên, nghiên cứu của TS. Phan Hoàng Điệp xem xét HDI ở cấp độ hộ gia đình. Đây cũng là một trong hai “thành tựu” lớn nhất của nghiên cứu.
“HDI của Việt Nam là 0,71 thì nhìn vào đó, ta cũng chỉ biết HDI trung bình của Việt Nam đang có chỉ số như thế thôi, còn làm sao so sánh được mức phát triển của người dân tộc thiểu số so với người Kinh, người sống nông thôn với người sống thành thị hoặc các nhóm khác với nhau. Nhưng chỉ số HDI ở cấp độ hộ gia đình thì cho phép dễ dàng so sánh phát triển con người của các nhóm khác nhau trong một quốc gia”. TS. Phan Hoàng Điệp giải thích.
HDI ở cấp độ hộ gia đình còn có thể giúp so sánh giữa các vùng của các quốc gia khác nhau, chẳng hạn giữa các huyện trong cùng một tỉnh, điều này phục vụ nhiều mục đích nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Mặc dù có nhiều cách định nghĩa sốc nhiệt trong các nghiên cứu trên thế giới, nhưng tựu trung hiện tượng này có thể hiểu là mức độ cao bất thường. Trong nghiên cứu của TS. Phan Hoàng Điệp, sốc nhiệt được tính là khi mức nhiệt độ trong một khoảng thời gian vượt quá mức trung bình dài hạn của khu vực đó hơn 2 lần độ lệch chuẩn – tức là mức nhiệt độ cao bất thường so với mức dao động chuẩn được ghi nhận từ dữ liệu lịch sử (dữ liệu từ năm 1980 đến 2011 được sử dụng làm chuẩn).
Nghiên cứu của TS. Phan Hoàng Điệp cho thấy, sốc nhiệt có thể làm giảm HDI của các hộ gia đình (trong giai đoạn 2012-2018) khoảng 2-3.5%. “Có rất nhiều yếu tố khác có thể tác động đến HDI, nhưng chỉ riêng nhiệt độ cao đã khiến HDI giảm 2-3.5% thì tác động này là đáng kể và đáng lưu tâm”- TS. Phan Hoàng Điệp nhận xét.
Cơ chế tác động chính của cú sốc nhiệt tới sự phát triển con người là thông qua nông nghiệp. Theo đó, nhiệt độ tăng cao làm giảm khả năng phát triển và năng suất của một số loại cây trồng, từ đó làm giảm thu nhập của người nông dân. Khi thu nhập giảm đi, các chi tiêu cho sinh hoạt, sức khỏe và giáo dục cũng sẽ giảm đi và ảnh hưởng đến chỉ số HDI nói chung. Người dân ở khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trồng nhiều những loại cây dễ tổn thương bởi nhiệt độ cao như cà phê và lúa nước lý giải tại sao mức giảm HDI ở vùng này lên tới 5,1% và 2,5%.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra hai con đường khác mà sốc nhiệt tác động đến HDI, đó là gián tiếp qua việc tiêu thụ đồ uống có cồn và nghèo năng lượng. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng 2.5 lần độ lệch chuẩn, người dân cũng đồng thời tăng chi cho bia, rượu hơn 5%. Việc uống rượu bia quá mức do nắng nóng cực đoan sẽ tác động đến sức khỏe và từ đó giảm HDI.
Nghèo năng lượng trong nghiên cứu này được tính tỷ lệ chi tiêu cho tiêu thụ điện so với tổng thu nhập của hộ gia đình đang khảo sát. Tỉ lệ này càng lớn, con người càng nghèo năng lượng.
Để lý giải nghèo năng lượng có thể dẫn đến giảm sự phát triển của con người như thế nào, TS. Phan Hoàng Điệp đưa ra minh họa: “Ví dụ với công việc chạy xe công nghệ, trời nắng nóng sẽ khiến người tài xế ít ra đường hoạt động hơn, từ đó giảm thu nhập. Mặc khác, người tài xế đó sẽ tiêu thụ nhiều điện năng để làm mát hơn, chi tiêu cho tiền điện nhiều hơn sẽ làm giảm hạn mức mà tài xế có thể chi cho các hoạt động khác phục vụ sức khỏe và giáo dục của mình.”
Để có được những kết quả trên, việc tính toán HDI ở cấp độ hộ gia đình là một quá trình đầy tỉ mỉ. Khác với HDI ở cấp độ quốc gia có thể tính toán dựa trên các số liệu thống kê thường có sẵn, HDI ở cấp độ hộ gia đình cần những dữ liệu được thu thập chi tiết ở từng hộ dân. Khi xác định cú sốc nhiệt tại khu vực của mỗi hộ gia đình, TS. Phan Hoàng Điệp đã lấy nhiệt độ của mỗi năm để so sánh với trung bình các năm trước đó.
“Chẳng hạn, muốn biết năm 2012 nhiệt độ thay đổi như thế nào, tôi tính trung bình nhiệt độ theo năm từ năm 1980 đến 2011, rồi lấy nhiệt độ của năm 2012 trừ đi, rồi chia cho độ lệch chuẩn. Cách tính là như vậy nhưng làm với từng huyện, mà Việt Nam thì khoảng 500-600 huyện”.
Phức tạp hơn là dữ liệu đại diện cho khía cạnh sức khỏe của HDI. Khi tính HDI tầm quốc gia, người ta có thể dùng tuổi thọ để đại diện cho sức khỏe. Nhưng ở cấp độ hộ gia đình, khi đại đa số các thành viên trong gia đình còn đang sống, chỉ số này không thể dùng được mà phải tìm dữ liệu đại diện khác để thay thế.
“Vậy nên tôi sử dụng chất lượng nguồn nước, chất lượng nhà vệ sinh và cách xử lý rác để thay thế. Dùng nước máy thì sạch hơn nước sông, hồ hay loại nhà vệ sinh hiện đại và rác mà được xử lý tốt thì cũng thể hiện sinh hoạt, sức khỏe của hộ gia đình tốt hơn. Sau đó, tôi lại dùng thêm dữ liệu ánh sáng ban đêm từ vệ tinh để tăng độ chính xác của ước tính .” – TS. Phan Hoàng Điệp chia sẻ.
Mối quan hệ giữa ánh sáng ban đêm và mức độ phát triển, sức khỏe của người dân sống trong khu vực đó cũng đã được chứng minh và sử dụng trong nhiều nghiên cứu trước đây. “Phải học cách chạy phần mềm để phân tích được ảnh từ vệ tinh và xử lý một lượng dữ liệu lớn là khó khăn lớn nhất khi thực hiện nghiên cứu này.” – anh nói thêm.
Với cơ chế tác động trên của sốc nhiệt, TS. Phan Hoàng Điệp đề xuất những giải pháp tập trung vào vấn đề nông nghiệp và nghèo năng lượng. Chẳng hạn, với nông nghiệp có thể khuyến khích những loại cây, giống cây chịu được nhiệt độ cao như ngô, khoai lang, đậu xanh…để tránh giảm năng suất do biến đổi khí hậu. Đồng thời, có thể trợ giá tiền điện để người dân yên tâm sử dụng quạt, thiết bị làm mát vào những ngày nắng nóng, giảm thiểu sự ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao đến sức khỏe.
Hướng nghiên cứu trong tương lai
Điều thú vị của nghiên cứu là mới nhìn thấy sốc nhiệt tác động tới HDI ở khía cạnh sức khỏe và thu nhập, nhưng chưa thấy ảnh hưởng của của nắng nóng cực đoan lên giáo dục. Cũng có thể, nhiệt độ cao không ảnh hưởng đến việc học tập ở Việt Nam. Nhưng cũng có thể nghiên cứu chưa lường được hết tác động của sốc nhiệt.
TS. Phan Hoàng Điệp cẩn trọng: “Có thể cú sốc nhiệt tác động đến giáo dục trong dài hạn nhưng ngắn hạn thì không và phạm vi nghiên cứu này vẫn còn ngắn hạn. Chẳng hạn như trong lâu dài, thu nhập giảm xuống quá thấp có thể dẫn đến việc học sinh bỏ học để kiếm thêm tiền cho gia đình. Để hiểu được điều này thì cần có thêm những bằng chứng thì những nghiên cứu mới.”
TS. Phan Hoàng Điệp cũng chia sẻ rằng, nhiệt độ còn có thể tác động tới HDI qua nhiều cơ chế khác không đề cập trong nghiên cứu và biến đổi khí hậu còn bao gồm vô vàn yếu tố khác ngoài nhiệt độ, cũng có thể làm giảm sự phát triển của con người. Điều này mở ra những đề tài nghiên cứu thú vị khác trong tương lai.
Bài đăng KH&PT số 1333 (số 9/2025)