Theo PGS tâm lý Jeremy I. Borjon tại Đại học Houston, những âm thanh đầu đời có liên quan trực tiếp đến nhịp tim của trẻ. Phát hiện này đem lại những hiểu biết mới về quá trình phát triển ngôn ngữ và nhận biết sớm các dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ hay giao tiếp ở trẻ.

Với trẻ sơ sinh, việc tạo ra những âm thanh rõ ràng không chỉ dựa trên quá trình nhận thức, mà còn là một kỹ năng về vận động. Để tạo ra âm thanh, trẻ cần học cách phối hợp nhiều nhóm cơ trên cơ thể. Sự phối hợp này liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi nhịp tim.

Borjon đã kiểm tra để biết liệu những biến động trong nhịp tim có trùng khớp với những lần trẻ 24 tháng tuổi phát ra âm thanh và tập nói hay không. Ông phát hiện rằng những thay đổi trong nhịp tim xảy ra đồng thời với thời điểm trẻ phát âm, và liên quan đến quãng thời gian phát ra âm thanh cũng như khả năng phát ra những âm thanh mà người nghe bình thường (không phải chuyên gia về ngữ âm) nhận thấy là từ vựng.

“Nhịp tim dao động tự nhiên ở tất cả các loài động vật có vú, tăng dần rồi giảm dần theo một mô hình lặp lại đều đặn. Ở trẻ sơ sinh, khi nhịp tim dao động đến đỉnh hoặc đáy có khả năng trùng với khi trẻ phát ra âm thanh," ông cho biết. "Những âm thanh được phát ra tại đỉnh nhịp tim có xu hướng kéo dài hơn. Trong khi đó, những âm thanh được tạo ra ngay trước khi nhịp tim dao động xuống đáy có nhiều khả năng được người nghe bình thường nhận thấy giống một từ hơn”.

Nhịp tim của trẻ có sự thay đổi trong lúc trẻ tập nói. Ảnh: shutter stock

Borjon và nhóm nghiên cứu đã đo tổng cộng 2.708 âm thanh mà 34 trẻ từ 18 đến 27 tháng tuổi phát ra khi chơi với người chăm sóc. Trong độ tuổi này, trẻ thường chưa nói được các từ hoàn chỉnh, và chỉ một phần nhỏ trong số các âm thanh đó (10,3%) có thể được người nghe bình thường nhận ra là từ vựng. Nhóm đã xem xét sự thay đổi nhịp tim tương ứng với tất cả âm thanh trẻ tạo ra, dù là tiếng cười hay tiếng bi bô... “Mỗi âm thanh mà trẻ phát ra đều giúp não bộ và cơ thể của chúng học cách phối hợp với nhau, cuối cùng dẫn đến khả năng nói,” Borjon nói.

Khi trẻ lớn lên, hệ thần kinh tự chủ (hay hệ thần kinh thực vật) - một bộ phận của hệ thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống, điều khiển các chức năng như nhịp tim và hô hấp - sẽ phát triển. Những năm đầu đời đánh dấu thay đổi lớn trong cách hoạt động của tim và phổi, và những thay đổi này sẽ tiếp tục suốt cả cuộc đời.

"Mối quan hệ giữa những âm thanh giống với từ được phát ra khi nhịp tim chậm lại có thể hàm ý rằng sự phát triển của ngôn ngữ ở trẻ một phần phụ thuộc vào việc trẻ trải qua những hoạt động được điều khiển bởi hệ thần kinh tự chủ và có thể dự đoán được trong suốt quá trình lớn lên," Borjon nói. "Tìm hiểu mối liên hệ giữa hệ thần kinh tự chủ và việc tập phát âm ở trẻ sơ sinh trong quá trình lớn lên là một hướng nghiên cứu quan trọng trong tương lai để nắm bắt cách ngôn ngữ hình thành, cũng như các yếu tố, nguy cơ của sự phát triển ngôn ngữ bất thường."


Nguồn: