Mỗi năm, hàng trăm nghìn học sinh Việt Nam đối mặt với một quyết định quan trọng: có nên tiếp tục con đường đại học hay không, và nếu có, thì nên chọn trường nào, ngành gì? Đây không chỉ là một lựa chọn mang tính cá nhân mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ gia đình, xã hội và hệ thống giáo dục.

Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi trên tạp chí Higher Education (Q1 danh mục Scopus) đã hé lộ những yếu tố then chốt tác động đến quyết định này. Kết quả nghiên cứu giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về hướng đi của thế hệ trẻ.

Các nghiên cứu về quyết định theo đuổi đại học của học sinh phổ thông đã chỉ ra nhiều yếu tố tác động đến quá trình này. Hossler và các cộng sự (2020) tổng hợp năm nhóm yếu tố chính, bao gồm điều kiện kinh tế - xã hội, thành tích học tập, ảnh hưởng văn hóa - xã hội, khả năng tiếp cận giáo dục, và động lực cá nhân. Trong khi đó, nghiên cứu của Cabrera và La Nasa (2001) nhấn mạnh vai trò quan trọng của nền tảng gia đình, đặc biệt là trình độ học vấn và thu nhập của cha mẹ, trong việc định hình lựa chọn giáo dục của con cái.

Ở châu Á, hệ thống giáo dục chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, như tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, cho thấy gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định học tập của học sinh (Iacopini & Hayden, 2017; Zhou & Kim, 2006). Ngoài ra, nghiên cứu của Nguyen (2024) nhấn mạnh vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT như một yếu tố quyết định con đường học vấn của học sinh Việt Nam.

Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định thi đại học của học sinh THPT. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Quỳ Châu, thị trấn Quỳ Trâu, tỉnh Nghệ An, trên đường đến trường. Nguồn: dbndnghean.vn
Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định thi đại học của học sinh THPT. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Quỳ Châu, thị trấn Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, trên đường đến trường. Nguồn: dbndnghean.vn

Nghiên cứu của chúng tôi tại Global Education Research Lab (lab nghiên cứu giáo dục quốc tế được sáng lập bởi TS. Chi Nguyễn, Đại học Arizona, Mỹ) được thực hiện với hơn 3.800 học sinh lớp 12 trên toàn quốc, kết hợp giữa phương pháp khảo sát định lượng và phỏng vấn chuyên sâu với 40 học sinh. Chúng tôi sử dụng khung lý thuyết ra quyết định học đại học của Iloh (2019) để phân tích ba yếu tố chính ảnh hưởng đến lựa chọn học tập của học sinh: Thông tin (học sinh tiếp cận thông tin về đại học từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, nhưng mức độ và chất lượng thông tin có sự khác biệt lớn giữa các nhóm); Thời gian (thời điểm ra quyết định học đại học thường chịu tác động của các yếu tố như nghề nghiệp của cha mẹ, thu nhập gia đình, và truyền thống giáo dục); và Cơ hội (vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội, và sự hỗ trợ từ nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận giáo dục đại học).

Áp lực từ xã hội và gia đình

Không giống như ở nhiều nước phương Tây, nơi học sinh thường tự chủ cao trong quyết định học tập, tại Việt Nam, lựa chọn đại học thường gắn liền với mong muốn của gia đình. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng, không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn định hướng ngành học dựa trên kỳ vọng về sự ổn định nghề nghiệp. Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi được phỏng vấn, nhiều học sinh thừa nhận rằng họ chọn ngành theo mong muốn của cha mẹ hơn là dựa vào sở thích cá nhân.

Văn hóa Á Đông, đặc biệt là tư tưởng Khổng giáo, đề cao sự hiếu thảo và coi giáo dục là con đường chính để đạt được thành công. Điều này khiến nhiều học sinh cảm thấy áp lực khi phải đáp ứng kỳ vọng của gia đình, ngay cả khi họ không thực sự yêu thích lĩnh vực được chọn.

Hệ thống giáo dục và kỳ thi đại học: Rào cản hay cơ hội?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học ở Việt Nam không chỉ là một cột mốc quan trọng mà còn là một cuộc cạnh tranh căng thẳng. Với hệ thống thi cử nặng tính hàn lâm, nhiều học sinh cảm thấy bị đẩy vào một cuộc đua thành tích. Trong phỏng vấn, một số em bày tỏ nỗi sợ không thể vượt qua kỳ thi, trong khi những yếu tố như sở thích cá nhân hay phát triển toàn diện không được ưu tiên trong quá trình chuẩn bị học và thi.

Hơn nữa, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn là một vấn đề đáng lo ngại. Học sinh ở thành phố có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, lớp luyện thi và định hướng nghề nghiệp hơn so với các bạn ở nông thôn, nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những học sinh sống ở khu vực đô thị có khả năng đăng ký vào đại học cao hơn gấp khoảng năm lần so với học sinh nông thôn.

Mặt khác, hệ thống giáo dục tại Việt Nam vẫn còn nặng tính lý thuyết, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng vẫn khó tìm được việc làm phù hợp, gây ra sự hoài nghi về giá trị thực sự của tấm bằng đại học.

Động lực cá nhân và tương lai nghề nghiệp


Ngoài những ảnh hưởng từ gia đình và xã hội, yếu tố cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng. 94% sinh viên được khảo sát chọn đại học không chỉ vì bằng cấp, mà còn vì họ tin rằng đây là cách tốt nhất để mở ra cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận học sinh quyết định không học đại học - khoảng 6,1% trong tổng số hơn 3.800 học sinh tham gia khảo sát, thay vào đó là theo đuổi con đường học nghề hoặc đi làm sớm để hỗ trợ gia đình.

Một điểm đáng chú ý khác là nhận thức về thị trường lao động. Học sinh ngày nay không chỉ lựa chọn ngành học theo sở thích mà còn cân nhắc tiềm năng phát triển nghề nghiệp. Các ngành như công nghệ thông tin, kinh tế, và y khoa được ưa chuộng hơn cả vì cơ hội việc làm cao. Điều này phản ánh sự thay đổi trong tư duy của giới trẻ: học đại học không còn chỉ vì danh tiếng hay bằng cấp, mà là một khoản đầu tư cho tương lai.

Cần thay đổi gì?

Từ những phát hiện trên, có một số đề xuất quan trọng cần được xem xét. Trước hết, hướng nghiệp cần được đẩy mạnh ngay từ bậc THPT để học sinh hiểu rõ các lựa chọn của mình thay vì chọn ngành theo cảm tính hay áp lực gia đình. Việc giảm áp lực thi cử cũng là một bước cần thiết. Tuyển sinh đại học không nên chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT mà cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực qua nhiều tiêu chí khác nhau, như hồ sơ học tập, phỏng vấn, bài luận cá nhân, đánh giá năng lực toàn diện.

Bên cạnh đó, khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn vẫn là một rào cản lớn. Học sinh ở thành phố có lợi thế hơn về thông tin, cơ hội thực tập và học bổng, trong khi học sinh nông thôn thiếu các nguồn lực này. Chính sách hỗ trợ, từ tư vấn hướng nghiệp đến học bổng và đào tạo từ xa cần được đẩy mạnh để đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.

Quan trọng hơn, xã hội cần thay đổi tư duy về giáo dục đại học. Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Trong khi nhiều sinh viên chật vật tìm việc sau khi ra trường, không ít người theo đuổi giáo dục nghề nghiệp lại có thu nhập ổn định và cơ hội phát triển tốt hơn. Cần đầu tư mạnh hơn vào giáo dục nghề nghiệp và thay đổi nhận thức để học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp hơn với năng lực và điều kiện của mình.

Cuối cùng, giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động. Hiện nay, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế vẫn rất lớn, khiến nhiều sinh viên thiếu kỹ năng làm việc. Các trường đại học cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy thực tiễn hơn, giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt trước khi bước vào thị trường lao động.

Quyết định học đại học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi học sinh. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là bài toán chung của hệ thống giáo dục và xã hội. Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế hệ trẻ tự tin bước vào tương lai, cần phải có sự thay đổi toàn diện từ giáo dục, chính sách đến nhận thức của cả phụ huynh lẫn học sinh. Hành trình học tập của mỗi người không giống nhau, và điều quan trọng nhất là họ có đủ thông tin và điều kiện để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho bản thân.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tư duy giáo dục mở, trong đó học sinh có thể linh hoạt chọn lựa giữa đại học, cao đẳng, học nghề hay các hình thức đào tạo khác phù hợp với khả năng và định hướng cá nhân. Một hệ thống giáo dục linh hoạt, đa dạng sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.


Tài liệu tham khảo

Cabrera, A. F., & La Nasa, S. M. (2001). Three critical tasks facing America’s disadvantaged. Research in Higher Education, 2(2), 200.

Hossler, D., Schmit, J., & Vesper, N. (2020). Going to college: How social, economic, and educational factors influence the decisions students make. JHU Press.

Iacopini, L., & Hayden, M. (2017). The role of parents in university choice: Evidence from Vietnam. The Asia-Pacific Education Researcher, 26, 147–154.

Iloh, C. (2019). An alternative to college “choice” models and frameworks: The Iloh model of college-going decisions and trajectories. College and University, 94(4), 2–9.

Nguyen, C. (2024). Going or not going to college? Explaining the college expectations gap between rural and nonrural Vietnamese high school students. Comparative Education Review, 68(1), 63–84. https://doi.org/10.1086/728388

Trinh, T. M., Le, T. T. K., Le, K. A., Nguyen, C., & Tran, T. N. (2024). Shaping choices: factors influencing Vietnamese high school students’ transition to higher education. Higher Education.

Zhou, M., & Kim, S. (2006). Community forces, social capital, and educational achievement: The case of supplementary education in the Chinese and Korean immigrant communities. Harvard Educational Review, 76(1), 1–29

Bài đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)