Phụ nữ phải gánh vác nhiều vai trò cùng lúc, từ việc nhà đến công việc có thu nhập, nghĩa là khuôn mẫu giới đang thay đổi theo hướng ngày càng áp lực hơn với phụ nữ - theo nghiên cứu quốc gia mới nhất về bình đẳng giới.

Ngày 11/3, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về bình đẳng giới” nhằm chia sẻ các kết quả nổi bật từ đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững”.

Sau hai năm chuẩn bị và ba năm triển khai nghiên cứu, Đề tài do Bộ KH&CN tài trợ, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) là chủ nhiệm, đã cơ bản hoàn thành.

PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm Đề tài, trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo. Ảnh: Trà My
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm Đề tài, trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo. Ảnh: Trà My

Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực: i) Chính trị, lãnh đạo quản lý; ii) Giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; iii) Kinh tế, lao động - việc làm; iv) Chăm sóc sức khỏe; v) Gia đình; vi) Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; vii) Ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường để cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc đánh giá kết quả thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới và phát triển bền vững cũng như chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đề tài đã hoàn thành khảo sát bằng bảng hỏi với 9.094 người dân tại 61 đơn vị/địa phương của sáu vùng kinh tế, xã hội của cả nước từ tháng 7/2023 - 7/2024. Kết quả phân tích sơ bộ từ các hội thảo chuyên sâu từng lĩnh vực của bình đẳng giới cho thấy cả xu hướng bảo lưu những khuôn mẫu quan điểm, hành vi về giới mang tính truyền thống, và có những khuôn mẫu giới nảy sinh, nhất là khi nhìn theo các nhóm nhân khẩu - xã hội.

Dữ liệu từ nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại của bất bình đẳng giới và khuôn mẫu giới trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị hay bình đẳng giới trong chính trị chưa đạt chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ và còn hạn chế về chất lượng tham gia. Phụ nữ chưa ngang bằng với nam giới về quyền sở hữu và kiểm soát đất đai và các dạng tài sản khác, quyền thừa kế, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ mới phù hợp và các dịch vụ tài chính.

Trong lĩnh vực lao động, bất bình đẳng giới liên quan đến vị thế việc làm, chất lượng việc làm, tiền lương, thu nhập. Thực tế này được nhiều nhà khoa học lý giải xuất phát một phần từ chính bất bình đẳng trong giáo dục, khi số lượng học sinh nam luôn nhỉnh hơn so với học sinh nữ ở các bậc mầm non và trung học. Bên cạnh đó, cả nam giới và nữ giới đều có xu hướng chọn ngành học và nghề nghiệp theo các khuôn mẫu giới như nam thì có thế mạnh về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM); trong khi nữ phù hợp với những công việc liên quan tới chăm sóc, dịch vụ.

Trong lĩnh vực gia đình, đang có nghịch lý giữa kỳ vọng và thực tế về vai trò của phụ nữ và nam giới. Dù cả hai giới đều mong muốn chia sẻ trách nhiệm gia đình, phụ nữ vẫn chịu áp lực lớn hơn trong việc thực hiện. Nam giới thể hiện sự ủng hộ bình đẳng giới trên lý thuyết nhưng ít tham gia vào thực tế, dẫn đến tình trạng phụ nữ phải gánh vác nhiều vai trò cùng lúc, từ việc nhà đến công việc có thu nhập, nghĩa là khuôn mẫu giới đang thay đổi theo hướng ngày càng áp lực hơn với phụ nữ. "Phụ nữ hiện nay phải gánh vác tiêu chuẩn kép trong một xã hội chưa có hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ hoàn thiện," TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nhận xét.