Xu hướng nhập cư trên toàn cầu khiến ngày càng nhiều đứa trẻ lớn lên trong môi trường giao tiếp với hai ngôn ngữ hoặc nhiều hơn. Trẻ em có khả năng tuyệt vời trong việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc, và không có giới hạn cụ thể về số lượng ngôn ngữ chúng có thể tiếp thu từ sớm, miễn là chúng được tiếp xúc thường xuyên và có ý nghĩa.
Môi trường đa ngôn ngữMột nghiên cứu thực nghiệm mới công bố trên tạp chí
Cognitive Development vào tháng 2/2025 cho thấy nguồn gốc của khả năng đa ngôn ngữ có thể bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh: Tại Ghana, hầu hết trẻ sơ sinh (từ 3-12 tháng) lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ, tiếp xúc từ hai đến sáu ngôn ngữ, và tương tác thường xuyên với những người nói các ngôn ngữ đó. Kết quả là, tất cả trẻ sơ sinh trong mẫu nghiên cứu đều ít nhất là song ngữ hoặc đa ngữ.
Bối cảnh sống ảnh hưởng khá nhiều đến năng lực học tập này. Các gia đình Ghana thường sống trong các khu tập thể, khu dân cư khép kín, nơi nhiều tương tác hằng ngày diễn ra trong sân chung. Tại đây, gia đình, hàng xóm và người thân đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Những em bé này nghe nhiều ngôn ngữ, cả trực tiếp (từ cha mẹ, người chăm sóc khi tương tác với chúng) lẫn gián tiếp (nghe qua các cuộc trò chuyện nền xung quanh, hoặc qua TV, radio, phim ảnh, hoạt hình).
Phát hiện quan trọng của nghiên cứu này là sự khác biệt giữa đầu vào ngôn ngữ trực tiếp và gián tiếp. Trong khi tiếng Anh – ngôn ngữ chính thức của Ghana – chủ yếu được tiếp thu qua các kênh gián tiếp như truyền hình và giao tiếp chính thức, thì trẻ em lại tiếp nhận hầu hết các ngôn ngữ địa phương, chẳng hạn như tiếng Akan, tiếng Ga và tiếng Ewe, thông qua tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc chúng. Điều đó dẫn đến việc tỷ lệ đầu vào trực tiếp trong các ngôn ngữ địa phương cao hơn tiếng Anh.
Boll Avetisyan, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận xét: “Mặc dù người ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp xúc trực tiếp đối với quá trình tiếp thu ngôn ngữ, nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy rằng đầu vào gián tiếp – đặc biệt là thông qua truyền thông và giao tiếp chính thức – cũng đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em, nhất là trong bối cảnh đô thị.”
Chất lượng, số lượng và nhu cầu giao tiếpTrong một đánh giá được công bố trên tạp chí
Child Development Perspective vào tháng 10/2017, Erika Hoff, nhà tâm lý học và chuyên gia phát triển ngôn ngữ tại Đại học Florida Atlantic, Mỹ, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng bởi số lượng ngôn ngữ đầu vào, chất lượng ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ.
Điều này thách thức quan điểm phổ biến, cả trong và ngoài giới khoa học, rằng trẻ nhỏ giống như “miếng bọt biển” có thể nhanh chóng hấp thụ các ngôn ngữ mà chúng nghe được và trở thành người nói thành thạo một hoặc nhiều ngôn ngữ nếu được tiếp xúc từ sớm. Nói chung, thời điểm tiếp xúc sớm với ngôn ngữ không phải là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển song ngữ thành công.
Để học được các ngôn ngữ mới, điều quan trọng là đứa trẻ cần được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ thông qua các tương tác có ý nghĩa với những người nói ngôn ngữ đó. Mặc dù không có con số cụ thể về lượng tiếp xúc cần thiết, nhưng điều quan trọng là sự tiếp xúc phải thường xuyên - chẳng hạn như trò chuyện hằng ngày với cha mẹ hoặc thăm hỏi, gọi điện cho ông bà sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tương tự, nếu ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai mà trẻ học ở trường thì có thể tăng cường các cơ hội để trẻ dùng ngôn ngữ đó ngoài trường học nhiều hơn như trong các nhóm chơi, đội nhóm thể thao, hoặc các hoạt động cộng đồng khác. Việc duy trì kết nối thường xuyên với cộng đồng những người coi trọng từng ngôn ngữ, đặc biệt là sau khi trẻ bắt đầu đi học, sẽ giúp trẻ có động lực tiếp tục phát triển cả hai ngôn ngữ.
Các nhà nghiên cứu thường coi một đứa trẻ là song ngữ nếu chúng tiếp xúc với mỗi ngôn ngữ ít nhất 10–25% thời gian. Tuy nhiên, một kết luận rõ ràng từ các nghiên cứu về trẻ song ngữ là chúng ta không nên mong đợi trẻ có khả năng như hai người đơn ngữ trong một. Erika Hoff nói, “Trẻ song ngữ, cũng như người lớn song ngữ, sẽ phát triển khả năng sử dụng mỗi ngôn ngữ tùy theo mức độ cần thiết đối với nhu cầu của bản thân và môi trường xung quanh”.
Bà lập luận rằng phụ huynh nhập cư nên giao tiếp với con bằng ngôn ngữ họ thành thạo nhất, thay vì ép buộc mình dùng tiếng Anh nếu trình độ của họ còn hạn chế. Trẻ cần được tiếp xúc với mỗi ngôn ngữ từ người nói thành thạo để phát triển song ngữ tốt nhất.
Hoff cũng nhấn mạnh rằng rằng trẻ em cần sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể tiếp thu ngôn ngữ đó. Trong môi trường song ngữ, trẻ có thể lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp, và khi một ngôn ngữ được coi trọng hơn ngôn ngữ kia, trẻ thường chọn ngôn ngữ được coi trọng hơn. Do đó, sự phát triển song ngữ sẽ là tốt nhất khi cả hai ngôn ngữ đều được coi trọng trong môi trường xã hội của trẻ, đồng thời trẻ có nhiều cơ hội để sử dụng cả hai.
Lợi ích phi ngôn ngữ
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc học song ngữ là trẻ có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ. Điều này giúp ích cho du lịch, công việc, giao tiếp với họ hàng, giữ gìn văn hóa gia đình và kết bạn với nhiều người.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ngôn ngữ rõ ràng, các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu liệu song ngữ có mang lại những tác động phi ngôn ngữ khác hay không. Chẳng hạn, song ngữ có làm cho trẻ thông minh hơn không? Hoặc ngược lại, trẻ song ngữ có dễ gặp khó khăn, chậm phát triển hoặc rối loạn ngôn ngữ hơn so với trẻ đơn ngữ không?
Một số nghiên cứu cho thấy trẻ song ngữ có lợi thế trong việc hiểu người khác. Điều này không quá ngạc nhiên, vì chúng thường xuyên phải tương tác với những người có vốn ngôn ngữ và nền tảng khác nhau. Ví dụ, trẻ mẫu giáo song ngữ có khả năng tốt hơn trong việc nắm bắt suy nghĩ, mong muốn và ý định của người khác so với trẻ đơn ngữ. Ngoài ra, trẻ song ngữ cũng nhạy bén hơn với các yếu tố giao tiếp như tông giọng, theo một nghiên cứu trên tạp chí
Bilingualism: Language and Cognition của Đại học Cambridge năm 2011.
Người song ngữ cũng có một số lợi thế về nhận thức. Họ thường làm tốt hơn một chút so với người đơn ngữ trong các nhiệm vụ cần chuyển đổi giữa các hoạt động hoặc kiềm chế phản xạ quen thuộc. Những lợi ích này chủ yếu được nghiên cứu ở người lớn và trẻ em song ngữ, nhưng một số bằng chứng cho thấy ngay cả trẻ sơ sinh và trẻ tập đi cũng có lợi thế tương tự. Các nhà nghiên cứu chưa xác định chính xác lý do dẫn đến những lợi thế này, nhưng có một số giả thuyết là vì người song ngữ phải chuyển đổi giữa các ngôn ngữ và kiểm soát việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp, dẫn đến rèn luyện não bộ.
Tuy nhiên, song ngữ không phải là yếu tố duy nhất mang lại lợi ích nhận thức. Những người được đào tạo âm nhạc từ sớm cũng có lợi thế tương tự, cho thấy nhiều loại trải nghiệm phong phú đều có thể thúc đẩy sự phát triển nhận thức. Lợi ích của song ngữ đôi khi bị thổi phồng trên báo chí. Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ xác nhận những lợi ích này trong môi trường thí nghiệm, nên chưa rõ chúng có ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày hay không. Vì thế, song ngữ không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển trí tuệ thành công.
Bởi vì đầu vào của trẻ song ngữ được chia thành hai ngôn ngữ - một là ngôn ngữ chính của nơi chúng sinh sống, hai là ngôn ngữ truyền thống của gia đình—nên trung bình, lượng từ vựng mỗi ngôn ngữ mà chúng tiếp thu có thể ít hơn so với trẻ chỉ học một ngôn ngữ duy nhất. Quá trình phát triển của từng ngôn ngữ ở trẻ song ngữ có thể chậm hơn, vì việc học của chúng được chia ra cho cả hai ngôn ngữ. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường và các phụ huynh không nên quá lo lắng.
Nhiều thực nghiệm cho thấy trẻ song ngữ không có nguy cơ cao hơn trẻ đơn ngữ trong việc gặp khó khăn về ngôn ngữ, chậm học hay mắc rối loạn ngôn ngữ. Hiện tượng mà ta hay quan sát được trên trẻ song ngữ khi chúng trộn lẫn các từ ngữ từ hai ngôn ngữ trong cùng một câu (gọi là trộn ngữ - code mixing) là một phần bình thường trong quá trình phát triển song ngữ, và trẻ có những lý do chính đáng để làm điều đó. Chúng có thể bắt chước người lớn, hoặc vì không có đủ từ vựng dùng trong ngôn ngữ này nên quyết định dùng từ trong ngôn ngữ khác để diễn đạt.
Trộn ngữ không phải dấu hiệu của sự rối loạn, mà cho thấy sự linh hoạt của trẻ song ngữ. Các nghiên cứu tiết lộ rằng trẻ em song ngữ từ 20 tháng tuổi có thể hiểu các câu trộn ngữ và cho thấy các mô hình xử lý tương tự như người lớn song ngữ. Từ 2 tuổi trở đi, trẻ đã có thể điều chỉnh ngôn ngữ theo người đối thoại. Ngoài ra, việc trộn ngữ của trẻ tuân theo các quy tắc ngữ pháp nhất định, tương tự như ở người lớn.
Theo Phys, Medical Xpress và PubMed
Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)