Mô hình này mở ra hướng đi bền vững cho nghề nuôi nhuyễn thể trước những thách thức về môi trường và nguồn lợi tự nhiên.

Bến Tre hiện phát triển khoảng hơn 4.200 ha nuôi nghêu, và khoảng 930 ha nuôi sò huyết và hàu.

Tuy nhiên, nghề nuôi nhuyễn thể tại Bến Tre vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thời gian nuôi kéo dài từ 30 - 36 tháng, tiềm ẩn rủi ro cao do biến đổi khí hậu, dẫn đến phát sinh dịch bệnh và gây thiệt hại hàng loạt. Bên cạnh đó, diện tích bãi nuôi ngày càng thu hẹp dần, mật độ nuôi tăng, kích thước thu hoạch nhỏ, cạnh tranh nguồn thức ăn tự nhiên,… khiến cho nguồn lợi nhuyễn thể tại tỉnh thiếu bền vững.

Hơn nữa, hàu, nghêu Bến Tre chưa đạt giá trị dinh dưỡng như mong muốn của người tiêu dùng. Chỉ số độ béo của hàu, nghêu chưa được nghiên cứu để nâng cao. Kỹ thuật nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, do đó bất kỳ biến động nào của môi trường đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến nghêu, hàu nuôi.

Trước tình hình đó, Sở KH&CN Bến Tre đã triển khai đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm quy trình nuôi vỗ béo nghêu và hàu và sản xuất thu giống hàu trong ao nuôi vỗ tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài do Viện Hải dương học chủ trì thực hiện.

Nuôi nghêu vỗ béo. Ảnh: NNC

Để nuôi vỗ béo nghêu, ao đất được lót bạt và phủ lớp cát-bùn, trong đó cát chiếm trên 60%, độ dày lớp phủ cát từ 20 - 25 cm. Nghêu nguyên liệu có khối lượng 13-15g/con, thử nghiệm nuôi ở ba mật độ 100 con/m2, 200 con/m2, và 300 con/m2.

Định kỳ hằng ngày, thay toàn bộ nước trong ao, cấp 2/3 nước theo lịch thủy triều và luân phiên cấp bổ sung thức ăn là hỗn hợp tảo tự nhiên hoặc là một trong ba loài tảo Nanochloropsis oculata, Skeletonema costatum, Chaetoceros calcitrans, khoảng 12,5 - 15 lít tảo nuôi sinh khối/ao 200m2/ngày. Đây là nhóm tảo chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt nuôi vỗ các loài nhuyễn thể như nghêu, hàu, sò huyết trong ao.

Kết quả thử nghiệm trong khoảng thời gian từ 15- 20 ngày nuôi vỗ cho thấy, chỉ số độ béo lúc thu hoạch của nghêu ở ba mật độ nuôi đạt từ 11,25-12,32% (0,11 – 0,12%/ngày), thuộc dạng rất béo. Trong khi độ béo của nghêu nuôi ở bãi tự nhiên chỉ đạt 0,03% ngày. Ở mật độ 100 con/m2, nghêu đạt khối lượng trung bình 68 con/kg. Trong khi đó, nghêu nuôi ở bãi tự nhiên đạt khối lượng trung bình 81,7 con/kg. Năng suất thu hoạch ở mật độ nuôi 300 con/m2 cao nhất, đạt 3,5 – 3,8kg/m2. Theo nhóm thực hiện, mô hình nuôi vỗ béo trong ao giúp rút ngắn thời gian nuôi so với nghêu không nuôi vỗ béo từ 26-60 ngày.

Đối với mô hình vỗ béo hàu, ao nuôi có hệ thống phao dây, bè treo cho hàu bám. Hàu nuôi vỗ chưa thành thục khối lượng 90-120g/con. Thời gian nuôi vỗ trong mùa khô từ tháng Ba đến tháng Sáu. Đối với hàu nuôi vỗ đã tham gia sinh sản, thời gian nuôi vỗ nên chọn cuối mùa mưa hoặc đầu khô. Định kỳ hằng ngày thay nước 1/3 ao và bổ sung thức ăn là hỗn hợp tảo tự nhiên, hoặc tảo nuôi sinh khối trong túi ni-lông của một trong ba loài tảo Nanochloropsis oculata, Skeletonema costatum, Chaetoceros calcitrans, khoảng 12,5 - 15 lít tảo nuôi sinh khối/ao 200m2/ngày.

Nuôi hàu thương phẩm. Ảnh: NNC

Kết quả cho thấy, hàu phát nhanh ở cả ba mật độ nuôi (10, 15, 20 con/m2), trong khoảng thời gian từ 10 ngày nuôi vỗ. Chỉ số độ béo tăng 2,47-2,73%/ngày, trong khi hàu nuôi tự nhiên chỉ số này là 0,75/ngày. Hàu có kích ban đầu từ 8-10 con/kg và lúc thu hoạch hàu đạt kích thước từ 5-6 con/kg, chỉ số độ béo cao dao động trong khoảng 9,35-9,85%, thuộc dạng hàu rất béo. Nuôi hàu ở mật 20 con/m2 có năng suất thu hoạch cao nhất, tương ứng 3,2-3,3kg/m2. Mô hình nuôi vỗ béo hàu trong ao, có thể rút ngắn được thời gian, so với hàu không nuôi vỗ béo ngoài bãi tự nhiên từ 22-26 ngày.

Nhóm thực hiện đề tài cũng đã xây dựng mô hình nuôi tảo sinh khối làm thức ăn cho nghêu, hàu. Vi tảo Nanochloronopsis oculata được xác định là thức ăn vỗ béo khả thi, cho tăng trưởng độ béo và duy trì tỷ lệ sống của nghêu, hàu trong hệ thống nuôi nhốt. Theo nhóm nghiên cứu, đây là mô hình nuôi dễ áp dụng, có thể triển khai ứng dụng trong thực tế để sản xuất thức ăn giàu dinh dương từ tảo biển phục vụ nuôi nghêu bền vững tại các cơ sơ nuôi nghêu, hàu của Bến Tre. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài cũng đã xây dựng mô hình sản xuất giống và ương hàu trong ao, giúp chủ động được nguồn giống, ít bị lệ thuộc vào tự nhiên.

Các quy trình về nuôi vỗ béo hàu, nghêu, nuôi tảo sinh khối, sản xuất giống và ương hàu, nuôi hàu thương phẩm ngoài tự nhiên đã được nhóm thực hiện xây dựng và tập huấn cho các hộ dân tỉnh Bến Tre và có thể triển khai và nhân rộng cho các địa phương khác.