Bằng cách vẽ lại cơn ác mộng theo cách hài hước, dễ thương hoặc êm đềm hơn, người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD/post-traumatic stress disorder) có thể dần hiểu, chấp nhận và chuyển hóa cảm xúc của mình, từ đó dần chữa khỏi các triệu chứng.
PTSD và ác mộng
Với các triệu chứng được mô tả từ thời Hy Lạp cổ đại và xuất hiện ở khoảng 9% người Mỹ ngày nay, PTSD là một trong những chứng rối loạn tâm thần và hành vi đáng chú ý nhất. Chịu đựng chấn thương tâm lý do tấn công tình dục, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, chiến tranh, thiên tai hoặc các ký ức gây đau khổ khác, những người mắc PTSD thường mắc kẹt trong các cơn ác mộng, cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực liên quan đến sự biến đó suốt nhiều năm. Cố tránh mọi đồ vật hoặc lời nói có khả năng gợi nhắc lại chấn thương, và dễ rơi vào phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight) mỗi khi bị gợi nhắc, họ có thể gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, cũng như suy sụp vì lo âu. Các nghiên cứu cũng cho thấy từ 40 đến 98% người mắc PTSD phải chịu đựng những cơn ác mộng lặp đi lặp lại, trong đó họ sống lại biến cố gây chấn thương, dẫn đến bị mất ngủ hoặc kiệt sức khi thức dậy.
Trong những liệu pháp đang được sử dụng để chữa trị các cơn ác mộng do PTSD, liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT/Imagery Rehearsal Therapy) được xem là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Được xây dựng dựa trên lý thuyết của trường phái trị liệu nhận thức - hành vi (CBT / Cognitive Behavior Therapy), IRT nhìn nhận rằng cơn ác mộng khiến người mắc PTSD nhận thức sai về độ an toàn của môi trường xung quanh, khi tin rằng các mối đe dọa trong quá khứ vẫn đang vây bọc hiện tại. Thay vì đối diện với ký ức gây chấn thương, nạn nhân sẽ dồn nén nó xuống tầng vô thức, để rồi khi đi ngủ, ký ức bị che giấu ấy sẽ dội lại dưới dạng giấc mơ. Để điều chỉnh nhận thức, người được trị liệu bằng IRT sẽ nhớ lại và kể cơn ác mộng của mình với bác sĩ, rồi cùng bác sĩ viết lại cốt truyện của ác mộng sao cho nó có một kết thúc có hậu hơn, phù hợp với môi trường an toàn hiện tại. Tiếp đó, họ tưởng tượng cốt truyện này thành một chuỗi hình ảnh, như một giấc mơ mới để thay thế phiên bản gốc, rồi “diễn tập” nó trong đầu từ 10 đến 20 phút mỗi ngày, cho đến khi nó thay thế cơn ác mộng khi mơ. Trong các ca điều trị thuận lợi bằng IRT, cơn ác mộng sẽ biến mất dần, vì cốt truyện thay thế đã giúp người nằm mơ thỏa mãn.
Dù vậy, không phải mọi ca trị liệu bằng IRT đều thành công. Trong khi IRT vận hành bằng các cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và người mắc PTSD, không ít người cần điều trị gặp khó khăn khi kể lại cơn ác mộng và các trải nghiệm chấn thương của mình bằng lời nói. Hiện tượng này xuất phát từ đặc điểm sinh lý của não bộ: khi những tình huống đe dọa tính mạng kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy ở con người, thùy trán (vùng não phụ trách ngôn ngữ, logic, diễn giải, lập kế hoạch) sẽ giảm hoạt động, khiến ký ức về sự kiện chỉ được lưu giữ dưới dạng hình ảnh, âm thanh và cảm giác thô, vốn được phụ trách bởi những vùng não tiến hóa sớm hơn. Chừng nào nạn nhân chưa sẵn sàng tạo nghĩa cho ký ức bằng ngôn ngữ của mình, ký ức sẽ tiếp tục tái hiện trong mơ dưới dạng hình ảnh, âm thanh và cảm giác1.
Giải pháp trị liệu nghệ thuật
Nếu các bác sĩ sử dụng phương pháp diễn tập hình ảnh (IRT) thường gặp khó khăn khi thân chủ chưa sẵn sàng kể về chấn thương của mình, thì những cơ sở y tế sử dụng phương pháp trị liệu nghệ thuật (art therapy) lại dễ dàng vượt qua trở ngại đó. Thay vì chờ thân chủ kể chuyện, họ hướng dẫn thân chủ biểu đạt suy nghĩ và cảm xúc bằng cách vẽ tranh, nặn tượng, hoặc những hình thức khác để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu thủ công. Trong khi một số trường phái trị liệu nghệ thuật chỉ xem các tác phẩm này như một đối tượng phân tích để thăm dò các tầng sâu trong tâm trí thân chủ, số khác tin rằng sáng tạo nghệ thuật là một phương thức để vượt qua chấn thương. Chẳng hạn, khi vẽ lại khung cảnh trong cơn ác mộng của mình, một người mắc PTSD sẽ có cơ hội quan sát và chấp nhận các cảm xúc của bản thân, đồng thời sửa đổi vài chi tiết trong bức tranh để mang đến cho cơn ác mộng một kết thúc có hậu hay một góc nhìn hài hước.
Nhận thấy nhiều điểm chung trong cách tiếp cận của IRT và trị liệu nghệ thuật, cũng như những nhược điểm riêng của từng bên mà bên kia có thể bù khuyết, tiến sĩ Suzanne Haeyen (ĐH Khoa học Ứng dụng HAN, Hà Lan) đã tìm cách xây dựng một khung lập luận cho phép phối hợp hai phương pháp này. Sau khi rà soát các nghiên cứu mới nhất về IRT và trị liệu nghệ thuật, bà đã cùng cộng sự phỏng vấn sâu bốn nhà trị liệu nghệ thuật và một bác sĩ sử dụng phương pháp IRT, cả năm người đều có hơn 25 năm kinh nghiệm chuyên môn và làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người mắc PTSD bị ác mộng. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology số tháng 1/2021, một liệu pháp nghệ thuật đặt nền tảng trên IRT cần bao gồm ba bước: (1) xây dựng môi trường an toàn, (2) phơi bày chấn thương, và (3) chỉnh sửa ác mộng rồi diễn tập1.
Khi sử dụng phương pháp IRT, nhà trị liệu cần xây dựng một không gian an toàn, nơi thân chủ có thể thoải mái kể về các chấn thương với niềm tin rằng mình sẽ được lắng nghe và giúp đỡ, thay vì bị phán xét, tảng lờ hoặc phủ nhận. Từ góc nhìn của phương pháp trị liệu nghệ thuật, không gian này có thể được xây dựng khi nhà trị liệu hướng dẫn thân chủ điều chỉnh các họa cụ, hình thức tác phẩm và ngôn ngữ biểu đạt mà mình sử dụng để kể lại các giấc mơ. Để tránh làm thân chủ bất an hơn khi nghĩ rằng mình không biết vẽ hoặc không vẽ đẹp, nhà trị liệu cần cung cấp những họa cụ đơn giản và dễ sử dụng (bút chì, bút sáp, màu nước...), nhằm giúp thân chủ có cảm giác rằng mình đang cầm chắc bút như nắm chắc quyền chủ động điều chỉnh giấc mơ. Về hình thức của tác phẩm, thay vì chỉ vẽ một khung tranh, thân chủ được hướng dẫn vẽ một truyện tranh có từ bốn đến bảy khung để kể một câu chuyện có đủ phần mở đầu, nút thắt, cao trào và đoạn kết. Cấu trúc này giúp thân chủ dễ dàng quan sát các nút thắt mà mình đang gặp phải, chiêm nghiệm về chúng, từ đó tìm cách mở nút thắt khi vẽ lại cảnh cuối cùng. Nhà trị liệu cũng nên hướng dẫn thân chủ sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để giải mã và chỉnh sửa giấc mơ, vì biểu tượng là công cụ hữu hiệu để vừa kể lại chấn thương, vừa giữ khoảng cách với nó sao cho mình được an toàn và tiện quan sát.
Trong bước thứ hai – phơi bày chấn thương – thân chủ kể lại nguyên bản của cơn ác mộng. Quá trình trị liệu bằng phương pháp IRT thường gặp khó khăn trong khâu này, khi thân chủ không có khả năng kể lại ác mộng thành lời hoặc rơi vào cơn xúc động mạnh trong lúc kể. Để khắc phục, bác sĩ có thể đề nghị thân chủ mô tả cái kết mà mình muốn có cho cơn ác mộng trước, rồi kể những phần còn lại sau, khi đã được kết thúc có hậu làm cho bình tĩnh hơn. Trong khi đó, phương pháp trị liệu nghệ thuật giúp thân chủ kể chuyện một cách dễ dàng hơn bằng cách chọn chất liệu phù hợp – chẳng hạn, khi dùng màu nước, họ có thể biểu đạt cảm xúc nhanh chóng chỉ bằng màu sắc thay vì bằng hình.
Trong bước cuối cùng, nhà trị liệu sẽ hướng dẫn thân chủ chỉnh sửa cơn ác mộng của mình, hoặc bằng cách thay đổi cốt truyện, hoặc bằng những hình ảnh hài hước hoặc dễ thương. Thay vì câu nệ vào một giải pháp cố định, họ nên hỏi thân chủ xem đâu là chi tiết gây bất an nhất trong giấc mơ, và khuyến khích thân chủ phát triển các giải pháp cá nhân của riêng mình để chỉnh sửa chi tiết đó. Chẳng hạn, “Omar”, một người đàn ông Iraq liên tục mơ thấy mình bị một nhóm lính bao vây và tấn công trong căn phòng kín, đã chỉnh sửa ác mộng bằng cách vẽ mình ngồi trong một căn phòng an toàn và tiện nghi, sau đó vẽ ngôi nhà chứa căn phòng nhìn từ đằng xa.
Sau cùng, thân chủ được đề nghị lưu ảnh chụp tác phẩm của mình trong điện thoại để ngắm thường xuyên, đồng thời treo nó trong phòng ngủ của mình. So với việc nhắm mắt tưởng tượng cái kết mới của giấc mơ trong 20 phút mỗi ngày, đây là một cách thức trực quan, dễ dàng và gây hứng thú hơn nhiều để ghi nhớ.
Nguồn tham khảo:
Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)