Nghị định sắp được ban hành sẽ làm rõ những tiêu chí và quy trình cụ thể để công nhận các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Đây là bước cần thiết để các startup và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chính thức được hưởng những ưu đãi mà Chính phủ quy định từ 5 năm nay.

Ảnh: CESTI
Ảnh: CESTI

Từ năm 2018, Việt Nam đã có những ưu đãi hấp dẫn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo - bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ("miễn 4 giảm 9" - miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo) cho startup; miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ chi phí phát triển sản phẩm mới; giảm tiền thuê đất; cho vay ưu đãi v.v

Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được hưởng những lợi ích này, bao gồm cả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp (SIHUB) của Sở KH&CN TP.HCM - những nơi đang hoạt động tích cực nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Lý do là bởi vì không ai công nhận những tổ chức, cá nhân này, dẫn đến thực tế khi những tổ chức, cá nhân này gõ cửa cơ quan thuế hay ngân hàng để được hưởng ưu đãi, họ chỉ nhận lại những cái lắc đầu bối rối: “Chúng tôi không chắc bạn là đối tượng được hưởng ưu đãi. Bạn có giấy tờ gì chứng minh không?”

Câu trả lời là “không”.

Nhưng mọi thứ sắp thay đổi khi nghị định về định danh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dự kiến được ban hành vào tháng 3/2025.

Dự thảo, do Bộ KH&CN chịu trách nhiệm xây dựng, đang trong quá trình hoàn thiện, và đã trải qua ít nhất ba buổi hội thảo công khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM từ 12-14/2 để lấy ý kiến cộng đồng.

Nghị định mới sẽ làm rõ các nội hàm thuật ngữ và chuẩn hóa những khái niệm đang hiện diện tại gần 100 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đồng thời đưa ra những tiêu chí và quy trình cụ thể để công nhận các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Ý tưởng cơ bản của việc công nhận các đối tượng đã được chuẩn hóa từ ngữ này là đưa ra các tiêu chí về vai trò, hoạt động, sản phẩm, hạ tầng và cam kết thực hiện của các đối tượng để Bộ KH&CN hoặc UBND các tỉnh thành có thể cấp giấy công nhận "ai là ai”.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh tại buổi lấy ý kiến ở Hà Nội ngày 12/2, mặc dù việc công nhận có thể gây thêm thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, nhưng đây là “bước cần thiết” để vận hành các cơ chế trong cộng đồng.

Sẽ có bốn nhóm đối tượng được định danh và công nhận, bao gồm: (i) Các trung tâm đổi mới sáng tạo; (ii) Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (iii) Các cá nhân, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; và (iv) Các cá nhân, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Ví dụ, để được công nhận là cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), sẽ cần đưa ra ba loại giấy tờ chính, gồm:
  • Giấy phép kinh doanh (đối với doanh nghiệp) hoặc giấy tờ tùy thân, cư trú (đối với cá nhân, nhóm cá nhân);
  • Bản mô tả dự án khởi nghiệp sáng tạo/tài sản trí tuệ/công nghệ/mô hình kinh doanh mới v.v nhằm chứng minh các hoạt động đổi mới sáng tạo;
  • Các giấy tờ chứng minh đã được nhận đầu tư/cam kết đầu tư; đã tham gia các chương trình ươm tạo, tăng tốc từ các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp; hoặc đã đạt các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo v.v
Giấy công nhận cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp này có thể được cấp theo yêu cầu, và có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp lần đầu.

Tương tự, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (như vườn ươm, chương trình tăng tốc khởi nghiệp, v.v) và các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp (mentor, coach, v.v) cũng sẽ được cấp giấy công nhận khi đáp ứng những tiêu chí nhất định.

Theo tờ trình của Bộ KH&CN, tính đến hết năm 2023, Việt Nam ước tính có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp (trong đó có 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD), 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đây là những đối tượng sẽ được hưởng lợi chính từ nghị định định danh khởi nghiệp sắp ban hành và các nghị định đã có về ưu đãi liên quan.

Tuy nhiên, nghị định định danh lần này không đề cập đến việc chứng nhận các nhà đầu tư mạo hiểm - vốn là một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái. Có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ở Việt Nam, trong khi số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có các quy định riêng về thuế nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm. Do vậy, các nhà đầu tư cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp khi thoái vốn sẽ bị thu thuế cao cho khoản đầu tư có lời và không được tính theo phương pháp bù trừ cho các đầu tư lỗ. Trong khi đó, do tính chất rủi ro của khởi nghiệp sáng tạo, tỷ lệ thành công của các dự án đầu tư khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 3%-10%.

Trong một nỗ lực thay đổi bối cảnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang vận động Quốc hội và Chính phủ bổ sung các ưu đãi thuế đối với những nhà đầu tư mạo hiểm này, gần nhất là trong các Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo từ tháng 1/2025.

Tin đăng KH&PT số 1332 (số 8/2025)