Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã sưu tập và xây dựng quy trình nhân giống lan Ngọc Điểm bản địa tại Khánh Hòa và Đắk Lắk, giúp bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời cung cấp cây giống chất lượng, giảm phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.

Lan Ngọc Điểm (Rhynchostylis gigantea L.) là một trong những loài phong lan bản địa quý của Việt Nam, thường nở vào mùa xuân, chùm hoa mọc rủ, lâu tàn, hương thơm quyến rũ, lan tỏa.

Tại các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai,…, một số loài lan rừng đặc hữu quý hiếm như Bạch Môi, Giã Hạc, Thủy Tiên Hường, Gấm, Ngọc Điểm, Hài Hồng,… đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng, và nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

Nguyên nhân bao gồm tình trạng người dân khai thác cạn kiệt lan rừng, nạn chặt phá cây gỗ, khiến môi trường sinh thái trong khu vực bị tác động nặng nề, hủy diệt đa dạng sinh học của các loài lan, trong đó có lan Ngọc Điểm.

Nhằm bảo tồn, nhân giống và phát triển lan Ngọc Điểm, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã triển khai nhiệm vụ KH&CN “Sưu tập, đánh giá và phát triển nguồn gen loài lan Ngọc Điểm bản địa tại Khánh Hòa và Đắk Lắk”.

Một số loài lan Ngọc Điểm được sưu tập. Ảnh: NNC

Nhóm thực hiện đề tài đã sưu tập được 105 cá thể lan Ngọc Điểm, bao gồm 30 cá thể lai được tạo ra tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM; 75 cá thể bản địa và sưu tập từ nước ngoài (15 cá thể Buôn Đôn, 15 cá thể Hòn Hèo, 17 cá thể Thái Lan, 10 cá thể Lào và 18 cá thể Campuchia). Các mẫu giống được đánh giá dựa trên đặc điểm hình thái, như màu sắc, kích thước hoa, lá và cấu trúc thân. Kết quả phân tích DNA cho thấy sự đa dạng di truyền giữa các dòng lan Ngọc Điểm. Từ đó, nhóm nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen, giúp phục vụ công tác chọn lọc và lai tạo giống.

Bên cạnh công tác sưu tập, nhóm nghiên cứu còn phát triển quy trình nhân giống in vitro (nuôi cấy mô) nhằm tạo nguồn cây giống ổn định, thay thế phương pháp nhân giống truyền thống từ tự nhiên.

Nhân giống invitro lan Ngọc Điểm. Ảnh: NNC

Sau khi nhân giống thành công trong phòng thí nghiệm, cây lan Ngọc Điểm cần được thuần hóa để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát ảnh hưởng của giá thể trồng (chỉ xơ dừa, rêu rừng, vỏ thông, than củi vụn) và chế độ tưới nước đến tỷ lệ sống của cây. Kết quả cho thấy, hỗn hợp rêu rừng kết hợp với than củi vụn giúp cây sinh trưởng tốt nhất, với tỷ lệ sống cao và rễ phát triển mạnh. Ngoài ra, chế độ tưới nước 2 lần/ngày và bổ sung phân bón NPK 21-21-21 (tỷ lệ N, P,K cân bằng, thích hợp cho hoa lan, cây cảnh), kết hợp phân bón sinh học trùn quế giúp cải thiện sự phát triển của cây giai đoạn hậu cấy mô.

Theo nhóm nghiên cứu, một cây lan Ngọc Điểm trưởng thành có giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Với diện tích 1.000 m2 có thể trồng được 10.000 chậu. Chỉ với 50% số cây bán được cũng đem về lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí. Cây lan được nhân giống có chất lượng ổn định, phù hợp với thị trường. Nhóm nhiên cứu cho biết có thể chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu sản xuất và phát triển cây lan Ngọc Điểm nhằm giảm nhập khẩu cây giống, tiết kiệm chi phí đầu tư và hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, kết quả của đề tài góp phần bảo tồn nguồn gen loài lan Ngọc Điểm bản địa quý hiếm, tiến tới chuyển giao cho các khu bảo tồn quốc gia để lưu giữ ở điều kiện ngoại cảnh phù hợp với yêu cầu sinh thái của loài lan này.