Sáng 8/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 cho hai nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Đó là: PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TPHCM.
PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung là người góp phần đặt nền móng cho công nghệ in phun tại Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu chế tạo mực in phun nano và phát triển các cảm biến tiên tiến như cảm biến sinh học, cảm biến môi trường.
Ưu điểm nổi bật của công nghệ in phun là không cần dùng mặt nạ “mask”, vốn rất đắt tiền, một máy tính sẽ điều khiển in từng chấm một dựa trên hình ảnh đã thiết kế. Quy trình đơn giản hơn, sử dụng rất ít nguyên vật liệu, hóa chất (chỉ vào khoảng 10-20% so với phương pháp quang khắc) nên giá thành chế tạo linh kiện có thể giảm đáng kể.
Không dừng lại ở nghiên cứu cơ bản, PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung còn chú trọng vào tính ứng dụng của khoa học. Chị đã được cấp ba bằng độc quyền sáng chế, hai bằng độc quyền giải pháp hữu ích và năm bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Tân được biết đến như một nhà khoa học “giải cứu” nông sản bền vững bằng công nghệ xanh. Cùng với các đồng nghiệp Áo, chị đã nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA).
Trong công nghệ JEVA, quá trình làm bay hơi nước trái cây ở nhiệt độ vừa phải (dưới 45°C) và áp suất xung quanh đã cắt giảm 80% năng lượng cần thiết và bảo quản hầu hết các loại vitamin so với phương pháp truyền thống là nấu hoặc đun sôi nước trái cây để tạo ra sự bay hơi, tốn nhiều năng lượng và phá hủy các vitamine. PGS.TS Nguyễn Minh Tân giải thích rằng quy trình này cũng không tạo chất thải vì cả chất cô đặc và chất ngưng tụ đều là sản phẩm tốt. Trong thời kỳ dịch COVID-19, công nghệ JEVA đã chứng minh tính hiệu quả khi giúp nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản duy trì sản xuất và tối ưu hóa chất lượng sản phẩm.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học Nga Sophia Kovalevskaia (1850-1891) và do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan Thường trực, tham mưu cho Ủy ban giải thưởng.
Tin đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)
Linh Nga