Các nhà nghiên cứu châu Âu lên tiếng phản đối việc hạn chế tài trợ và kiểm duyệt dự án của NIH, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc có tiếp tục cho Mỹ tiếp cận đối ứng đến các quỹ nghiên cứu của mình hay không.

Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành nhằm vào các chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) đã tác động đến giới khoa học Mỹ. Theo đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã hủy bỏ các dự án từng được phê duyệt trước đó nếu chứa những thuật ngữ bị cấm, chẳng hạn như nghiên cứu về sức khỏe của cộng đồng LGBTQ+

Việc loại bỏ các dự án liên quan đến DEI cũng kéo theo tình trạng đóng băng một số khoản tài trợ từ NIH, bất chấp lệnh của tòa án, làm đình trệ nguồn kinh phí nghiên cứu. Đồng thời, gần 1.200 nhân viên của NIH đã bị sa thải trong một đợt cắt giảm chi phí, đẩy cơ quan này vào nguy cơ tê liệt hành chính nghiêm trọng hơn.

Tình trạng bất ổn tại NIH không chỉ tác động đối với các nhà khoa học Mỹ mà còn đối với các nhà nghiên cứu châu Âu và quốc tế nhận tài trợ từ cơ quan này. Năm 2024, NIH đã cấp vốn cho 121 dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu châu Âu, với tổng giá trị hơn 62 triệu USD.

Từ lâu NIH đã tài trợ cho các nhà nghiên cứu bên ngoài nước Mỹ, và năm 2008, EU đã có động thái đối ứng khi cho phép các nhà khoa học Mỹ nhận tài trợ từ các cụm nghiên cứu y tế trong Chương trình Horizon Europe trị giá 93 tỷ Euro.

Mục tiêu của thỏa thuận này là thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương, giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương pháp điều trị y tế mới. Trong khuôn khổ chương trình Horizon Europe, các nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận được 26,4 triệu Euro tài trợ từ EU cho các dự án y tế. Tuy nhiên, dù có tham vọng lớn, thỏa thuận đối ứng này vẫn thường bị chỉ trích vì thủ tục hành chính rườm rà khi phải dung hòa hai hệ thống tài trợ rất khác biệt giữa Mỹ và EU.

Một số chuyên gia lo ngại rằng sự gián đoạn tại NIH có thể làm đổ vỡ quyền tiếp cận đối ứng. “Không có gì lạ hay bất ngờ nếu một quốc gia hạn chế quyền tiếp cận và điều đó kéo theo những hệ quả nhất định,” Cole Donovan, cựu quan chức tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Mỹ, nhận định.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để các nhà nghiên cứu châu Âu biết liệu nguồn tài trợ từ NIH của họ có bị cắt giảm hay không. Ngay cả các nhà khoa học Mỹ cũng chỉ mới bắt đầu tìm hiểu tác động của những thay đổi này.

Stefan Pfister, trưởng một phân viện tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, thừa nhận họ không thể đoán trước được tình hình. Năm ngoái, ông đã nhận được khoản tài trợ hơn 500.000 USD từ NIH để nghiên cứu phương pháp chữa trị mới cho các khối u ở trẻ em. Một nhà nghiên cứu tại Thụy Sĩ cho biết họ luôn sống trong lo lắng về việc gia hạn tài trợ. Tại Anh, một nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên vì lo ngại lên tiếng có thể khiến công việc bị ảnh hưởng, chia sẻ rằng ngay cả các khoản tài trợ đã được phê duyệt cũng có thể bị hủy, do đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn.

Nhiều nhà nghiên cứu châu Âu cho biết, tình trạng hỗn loạn tại NIH đã khiến việc nộp đơn xin tài trợ từ cơ quan này trở nên ít thu hút hơn hẳn. “Liệu có ý nghĩa gì khi nộp đơn nếu chúng tôi không biết NIH có thực sự tài trợ cho bất cứ thứ gì không?” nhà nghiên cứu tại Anh nói.

Những hạn chế đối với các vấn đề nghiên cứu như bất bình đẳng giới sẽ đặc biệt gây khó khăn cho lĩnh vực y tế. “Nếu không thể nghiên cứu những hiện tượng sinh học như vậy, chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả,” Donovan nhận định.

Bên cạnh tình trạng đóng băng tài trợ, hủy bỏ dự án và sa thải nhân sự, NIH - với ngân sách hằng năm 48 tỷ USD - có thể đối mặt với các đợt cắt giảm sâu vào cuối năm nay khi ông Trump đàm phán ngân sách với Quốc hội. Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017, ông từng cố gắng cắt giảm ngân sách khoa học, nhưng Quốc hội đã đảo ngược quyết định này. Tuy nhiên, hiện tại Tổng thống Donald Trump có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với Đảng Cộng hòa.

Russell Vought, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, và là một trong những người thúc đẩy các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ tại các cơ quan liên bang, đã đề xuất cắt giảm 21,5% ngân sách NIH. Ông chỉ trích NIH vì “hỗ trợ các thủ thuật chuyển giới gây tranh cãi về đạo đức và y tế đối với trẻ vị thành niên và người trưởng thành”.

Kể từ đầu năm 2025, chính quyền mới của Tổng thống Trump đã cắt giảm đáng kể ngân sách dành cho chi phí vận hành chung đi kèm với mỗi khoản tài trợ của NIH. Tuy nhiên, những thay đổi này không ảnh hưởng đến những người nhận tài trợ bên ngoài nước Mỹ, vì từ trước đến nay họ vốn chỉ nhận được mức hỗ trợ chi phí thấp, khoảng 8%.

“Ngay cả khi các khoản tài trợ hiện tại có thể không bị ảnh hưởng, nguồn tài trợ trong tương lai chắc chắn sẽ bị cắt giảm, cả với các dự án trong nước lẫn quốc tế - và có lẽ các khoản tài trợ cho nghiên cứu nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn,” Richard từ Trung tâm Y khoa Đại học Erasmus nhận định.

“Rõ ràng chính quyền mới đang tìm cách điều chỉnh hoạt động của NIH ở mức độ rất cơ bản,” Donovan nói. “Từ chi phí quản lý, các loại hoạt động mà họ tài trợ, đến mức độ ưu tiên dành cho một số chủ đề nghiên cứu.” Donovan từng làm việc tại Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nhưng đã mất vị trí trong đợt sa thải nhân sự gần đây.

Các đơn vị tài trợ khoa học khác, chẳng hạn Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thậm chí có thể đối mặt với đợt cắt giảm lớn hơn. Theo Ars Technica, một đề xuất cắt giảm tới hai phần ba ngân sách của quỹ này đang được thảo luận với lý do cần “xóa bỏ xu hướng thiên tả trong cơ quan này và các quyết định tài trợ của họ.”

Nguồn: Science Business

Bài đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)