Không không chỉ tận dụng nguồn dược liệu sẵn có, chế phẩm này còn có tiềm năng trở thành một lựa chọn an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da.

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn và hạn chế hóa chất tổng hợp. Việt Nam sở hữu nguồn dược liệu phong phú, trong đó có trầu không, một loại thảo dược chứa các hợp chất có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chống oxy hóa và ức chế enzyme α-glucosidase.

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã ứng dụng trầu không vào sản xuất các chế phẩm như lotion dưỡng da, mặt nạ chiết xuất từ lá trầu không, nước rửa tay, dung dịch vệ sinh,… Trong số các dạng bào chế, gel bôi da được đánh giá cao nhờ khả năng thẩm thấu nhanh, bảo vệ và phục hồi da. Tuy nhiên, hiện tại thị trường Việt Nam chưa có chế phẩm gel bôi da kháng khuẩn từ dịch chiết nước lá trầu không.

Do đó, nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Y dược TPHCM đã xây dựng công thức điều chế gel bôi da từ lá trầu không, nhằm tận dụng nguồn dược liệu sẵn có và đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên trong điều trị bệnh và chăm sóc da.

Lá trầu không tươi loại bánh tẻ, không bị sâu bệnh hay dập úng được rửa sạch với nước, cắt nhỏ (2-3) cm, đun sôi hồi lưu 100oC với 1 lít nước cất (tỉ lệ khối lượng trầu/thể tích nước là 1/5 trong 3 giờ), thu dịch chiết, lọc qua giấy lọc. Dịch lọc được cô bằng máy cô quay thu cao chiết lá trầu không.

Các gel bôi da từ dịch chiết lá trầu không. Ảnh: NNC

Để tạo chế phẩm, nhóm sử dụng các chất tạo gel phổ biến như natri carboxymethylcellulose (Na CMC) và các chất PEG 400 (chất kết dính), chất bảo quản Nipagin M/ethanol 70% (Nipagin M trong dung dịch ethanol 70%), nước cất (dung môi),…

Qua thử nghiệm, nhóm đã tìm ra được công thức đạt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm về cảm quan, độ pH, độ đồng nhất, độ dàn mỏng, độ ổn định, có hàm lượng như sau: trầu không (dạng cao khô) 2%, Na CMC 3 %, PEG 400 3%, Nipagin M/ethanol 70% chất bảo quản 0,15 % và nước cất 100%.


Thử nghiệm khả năng kháng khuẩn của chế phẩm. Ảnh: NNC

Gel có thể chất mềm mịn, màu vàng nhạt đến màu nâu tương ứng với nồng độ cao trầu không trong chế phẩm, có mùi đặc trưng của lá trầu, không biến màu, không tách lớp ở nhiệt độ thường, không chảy lỏng ở 37℃, bắt dính được trên da và có cảm giác mát khi bôi lên da. Màu sắc, mùi của chế phẩm không thay đổi trong quá trình bảo quản.

Thử nghiệm hoạt tính kháng vi sinh vật cho thấy, chế phẩm kháng được năm chủng vi khuẩn MSSA (gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, từ nhiễm trùng da và mô mềm đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm xương tủy xương), MRSA (gây ra các bệnh nhiễm trùng da, viêm mô tế bào, viêm phổi, nhiễm trùng huyết), S.pyogenes (gây đau họng, sốt, sưng amidan, nhiễm trùng da), S.faecalis (nhiễm trùng đường tiết niệu, máu, van tim, vết thương), E.coli (tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, máu, màng não, vết thương, phổi) và P.aeruginosa (nhiễm trùng máu, vết thương, viêm phổi, viêm tai, nang lông,…).

Trong đó, khả năng kháng vi khuẩn MRSA mạnh gấp 1,3 lần, khả năng kháng vi khuẩn S.pyogenescho mạnh gấp 1,1 lần so với chứng dương amikacin; trong khi khả năng kháng các loại vi khuẩn còn lại ở mức trung bình.

Nghiên cứu cho thấy, gel bôi da chứa cao chiết nước lá trầu không không chỉ tận dụng nguồn dược liệu sẵn có mà còn có tiềm năng trở thành một lựa chọn an toàn, hiệu quả cho người tiêu dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí KH&CN Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Nguồn: