Câu chuyện về nguồn gốc thực sự của phát minh này từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi. Trong khi một số người cho rằng nó được tạo ra để tránh làm kẹt máy đánh chữ, những người khác lại khẳng định nó có liên quan đến điện báo.

Một mẫu máy đánh chữ đời đầu của Remington có bàn phím QWERTY. Ảnh: Getty Image
Một mẫu máy đánh chữ đời đầu của Remington có bàn phím QWERTY. Ảnh: GettyImage

Vài năm sau khi iPhone ra mắt, một hệ thống bàn phím mới có tên KALQ bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Với thiết kế bàn phím chia đôi, hệ thống KALQ được tạo ra dành riêng cho việc nhập văn bản bằng hai ngón tay cái trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nó được quảng bá như một lựa chọn thay thế hiệu quả hơn cho bàn phím QWERTY phổ biến, được đặt tên theo sáu chữ cái đầu tiên của hàng phím trên cùng.

KALQ không phải hệ thống đầu tiên thách thức QWERTY, và có lẽ cũng không phải hệ thống cuối cùng. Nhưng ngay cả khi công nghệ đang có những bước đổi mới chưa từng có tiền lệ, bàn phím QWERTY vẫn hầu như không thay đổi. Chúng ta gửi email bằng giao diện bàn phím giống như giao diện tổ tiên chúng ta đã sử dụng để đánh máy các lá thư cách đây 150 năm.

Tại sao giao diện QWERTY lại tồn tại lâu đến vậy? Hóa ra có rất nhiều câu chuyện và thông tin sai lệch xung quanh nguồn gốc của nó, nhưng hầu hết các giả thuyết đều đồng ý rằng nó được phát triển cùng và gắn bó mật thiết với những chiếc máy đánh chữ đầu tiên.

Bàn phím có trước người đánh máy…

Vào những năm 1860, Christopher Latham Sholes, một chính trị gia, thợ in, người làm báo và nhà phát minh nghiệp dư ở Milwaukee, Mỹ, đã dành thời gian rảnh rỗi để phát triển các máy móc giúp công việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn. Trong số đó có một chiếc máy đánh chữ sơ khai mà ông cùng một số đồng nghiệp đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1868.

Bàn phím của nó giống như một cây đàn piano và được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái với khoảng hai chục phím. Họ chắc chắn đã nghĩ đó là cách bố trí hiệu quả nhất khi người dùng sẽ ngay lập tức biết vị trí của từng chữ cái, giảm thời gian tìm kiếm và tăng tốc độ gõ. Vậy tại sao lại phải thay đổi? Đây là lúc nguồn gốc của QWERTY trở nên mơ hồ.

Một giả thuyết phổ biến cho rằng Sholes phải thiết kế lại bàn phím để khắc phục lỗi cơ học của máy đánh chữ đời đầu, vốn khác một chút so với các mẫu máy thường thấy trong các cửa hàng đồ cũ ngày nay. Thanh gõ kết nối các phím với bản in chữ nằm bên dưới tờ giấy. Nếu người dùng gõ nhanh một chuỗi chữ cái có thanh gõ gần nhau, máy sẽ bị kẹt.

Vì vậy, đã có phỏng đoán rằng Sholes đã thiết kế lại bố cục bàn phím để tách các cặp chữ thường xuyên xuất hiện như “th” hoặc “he” ra xa nhau. Tuy nhiên, phím “e” và “r” lại vẫn nằm ngay cạnh nhau, mặc dù “er” là cặp chữ cái phổ biến thứ tư trong tiếng Anh. Một trong những nguyên mẫu đầu tiên của Sholes đã giải quyết vấn đề này khi phím “r” được hoán đổi với phím chấm câu, nhưng thiết kế đó đã bị loại bỏ. Nếu không, chúng ta có thể đã có bàn phím “QWE.TY” thay vì QWERTY.

Vào đầu những năm 1870, Sholes và các đồng nghiệp đã ký một thỏa thuận sản xuất với Remington, một công ty có kinh nghiệm chế tạo máy móc chính xác. Năm 1874, Remington bắt đầu bán máy đánh chữ với giá 125 USD (tương đương hơn 3.000 USD ngày nay). Đến năm 1891, Remington tuyên bố đã có hơn 100.000 máy đánh chữ QWERTY được sử dụng trên khắp nước Mỹ. Hai năm sau đó, các nhà sản xuất máy đánh chữ lớn nhất, bao gồm Remington, hợp nhất thành Công ty Liên hiệp Máy đánh chữ và chính thức chọn QWERTY làm tiêu chuẩn mặc định.

Một giả thuyết khác cho rằng chính chiến lược kinh doanh của Remington trước khi hợp nhất đã khiến QWERTY trở nên phổ biến. Ngoài việc sản xuất máy đánh chữ, công ty còn cung cấp các khóa đào tạo đánh máy có thu phí. Từ đó, các công ty muốn thuê nhân viên đánh máy được đào tạo bài bản cũng buộc phải mua máy đánh chữ của Remington.

…Hay người đánh máy quyết định thiết kế bàn phím?

Trong một bài báo công bố năm 2011, hai nhà nghiên cứu Koichi Yasuoka và Motoko Yasuoka tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, đưa ra một giả thuyết hoàn toàn ngược lại về nguồn gốc của hệ thống QWERTY, cho rằng nó không sinh ra từ cơ chế hoạt động của máy đánh chữ mà phát triển chủ yếu để phục vụ một nhóm người dùng ban đầu: những nhân viên điện báo cần gõ lại nhanh các tin nhắn.

Những người này gặp khó khăn khi dịch mã Morse trên bàn phím sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Ví dụ, mã Morse của Mỹ biểu thị Z là “... .” và thường bị nhầm lẫn với ký tự SE, được sử dụng thường xuyên hơn Z. Những nhân viên điện báo ở Mỹ đôi khi chưa thể xác định được ký tự đó là Z hay SE, đặc biệt nếu đó là những chữ cái đầu tiên của một từ, trước khi họ nhận được các chữ cái tiếp theo. Do đó, S phải được đặt gần cả Z và E trên bàn phím để nhân viên điện báo có thể gõ chúng nhanh chóng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong nhiều năm, bàn phím máy đánh chữ đã phát triển dựa vào góp ý từ các nhân viên điện báo. Họ cũng trích dẫn lịch sử mã Morse để phản biện lại giả thuyết cho rằng Sholes muốn ngăn máy của mình bị kẹt bằng cách sắp xếp lại các phím để làm chậm tốc độ của người đánh máy. Tốc độ của người nhận mã Morse phải bằng tốc độ của người gửi. Nếu Sholes thực sự sắp xếp bàn phím để làm chậm người nhận thì họ sẽ không thể bắt kịp người gửi Morse. “Chúng tôi không tin rằng Sholes có ý định vô lý như vậy trong quá trình phát triển máy đánh chữ”, nghiên cứu viết.

Sự thống trị của QWERTY


Sholes không hoàn toàn tin rằng QWERTY là hệ thống tốt nhất. Mặc dù đã bán thiết kế của mình cho Remington, ông vẫn tiếp tục phát minh các bố cục bàn phím khác mà ông cho là hiệu quả hơn. Thiết kế bàn phím XPMCH của ông được cấp bằng sáng chế vào năm 1889, một năm trước khi ông qua đời.

Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất của QWERTY là bàn phím Dvorak do August Dvorak thiết kế vào những năm 1930. Bố cục này giúp người dùng gõ nhiều từ hơn bằng hàng phím ở giữa mà các ngón tay thường đặt vào mà không cần di chuyển ngón tay quá nhiều.

Một số nghiên cứu cho thấy người dùng Dvorak đánh máy nhanh và chính xác hơn (mặc dù phần lớn những nghiên cứu này được tài trợ bởi chính Dvorak), nhưng những nghiên cứu khác cho thấy hệ thống này không hiệu quả hơn. Nhưng dường như đã quá muộn để bất kỳ hệ thống nào có thể cạnh tranh với QWERTY vào những năm 1930. Trong khi Dvorak vẫn có một lượng người dùng nhất định, nó chưa bao giờ có thể “chiếm ngôi” của QWERTY.

Khi bàn phím máy tính xuất hiện, không còn lý do cơ học nào để duy trì hệ thống QWERTY khi máy tính không bị kẹt phím. Nhưng hàng triệu người đã học đánh máy với bố cục này, khiến nó trở thành tiêu chuẩn không thể thay thế ở các quốc gia dùng bảng chữ cái Latin. Đây là một ví dụ điển hình về “sự phụ thuộc lối mòn” - khi những thiết kế mới rất khó thoát ly một thiết kế cũ đã quá ăn sâu vào văn hóa.

Nguồn: smithsonianmag.com

Bài đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)