Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc Tế TPHCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy phát hiện sâu răng sớm, áp dụng công nghệ ánh sáng cận hồng ngoại (NIR). Máy giúp tiết kiệm thời gian so với cách truyền thống và an toàn hơn so với phương pháp chụp X-quang.
Bệnh lý sâu răng phát triển rất phức tạp và ở giai đoạn sơ khai, bệnh dường như không có một dấu hiệu nào cả. Chúng ta không thể nhìn bằng mắt thường để thấy những thương tổn chớm xuất hiện ở men răng, cho nên phát hiện bệnh sâu răng ở giai đoạn chớm là rất khó. Thông thường, chỉ khi bệnh sâu răng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu như đau nhức, ê buốt, mùi hôi miệng, hay nặng hơn như tình trạng chảy máu chân răng… thì mới biết răng bị tổn thương và tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, ở giai đoạn này thì răng sâu đã nặng, nên điều trị rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Máy phát hiện sâu răng sớm của Trường Đại học Quốc tế TPHCM được thiết kế nhỏ gọn, dạng cầm tay, gồm màn hình LCD, bộ vi xử lý Raspberry, camera hồng ngoại, bộ nguồn, mạch LED. Nhờ kỹ thuật không xâm lấn và chụp ảnh thời gian thực của công nghệ NIR, máy do nhóm nghiên cứu cung cấp một giải pháp hiệu quả cao trong việc phát hiện sâu răng ở giai đoạn sớm. Đồng thời, tiết kiệm thời gian so với cách truyền thống (bằng mắt thường, đèn soi đơn giản) và an toàn hơn so với phương pháp chụp X-quang (hạn chế được ảnh hưởng của chất phóng xạ khi phải chụp X-quang nhiều lần) .
Theo đó, răng của bệnh nhân được chụp bằng ánh sáng NIR từ 2 đèn LED có bước sóng 780nm. Sau đó, chuyển hình ảnh bộ xử lý Raspberry Pi, để xử lý và lọc hình ảnh. Hình ảnh sau khi được xử lý được hiển thị lên màn hình LCD (5 inches, có độ phân giải 800x480 Px). Các bác sĩ có thể lưu trữ lại hình ảnh trên máy tính để theo dõi tình hình phát triển của sâu răng và quá trình điều trị.
Với kích thước nhỏ gọn, thiết bị rất thuận tiện để sử dụng, mang theo và giúp bác sĩ có thể chia sẻ quá trình chẩn đoán với bệnh nhân. Máy cho hình ảnh chính xác, rõ nét, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, do được nghiên cứu và sản xuất trong nước nên máy có giá thành rẻ hơn khoảng 20 triệu đồng/cái so với các thiết bị tương đương nhập ngoại (có giá khoảng 3.000USD).
Kiều Anh