Bằng công nghệ H-BIM (quy trình chi tiết quản lý thông tin, vật liệu, kết cấu hình học, lịch sử của di sản), Nhà hát TP HCM hơn 120 tuổi được quét laser và số hóa dữ liệu 1.000 chi tiết, dựng mô hình 3D để dễ quản lý, phục chế khi có hư hỏng.

Nhà hát TPHCM được xây dựng từ năm 1898, đưa vào sử dụng năm 1900. Đây là công trình có thiết kế thịnh hành cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất được đưa từ Pháp sang Việt Nam. Nhà hát là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài nước, là điểm tham quan của du khách nước ngoài khi tới thành phố.

Trải qua hơn trăm năm hoạt động, dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng nhiều bộ phận vẫn đang xuống cấp theo thời gian. Ngay sau biến cố hỏa hoạn của Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà hát Thành phố đã triển khai dự án số hóa Nhà hát TPHCM, do Công ty Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng Kỹ thuật Biển (Portcoast) thực hiện.

Nhà hát TPHCM có hơn 120 năm
Nhà hát TPHCM được xây dựng hơn 120 năm Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc đơn vị tư vấn Portcoast, cho biết, Portcoast đã áp dụng công nghệ H-BIM để thực hiện việc số hóa Nhà hát Thành phố. Quy trình này giúp tái tạo di sản trong trường hợp bị hư hỏng, biến mất hoặc quản lý di sản trong giai đoạn vận hành/bảo trì. Các bước để thực hiện H-BIM là thu thập tất cả tài liệu liên quan tới nhà hát, từ tổng quan bên ngoài tới tầng hầm bên trong, sân khấu, sàn diễn, khán phòng, mái vòm, các chi tiết kiến trúc, phù điêu, ghế ngồi cho tới kết cấu công trình. Sau đó, xử lý dữ liệu bằng các phần mềm chuyên dụng như Autodesk Revit, Context Capture.

c
Từng chi tiết của Nhà hát được quét laser và số hóa Ảnh:Portcoast

Trước tiên, các kỹ sư sử dụng máy quét tia laser (laser scan), quét hơn 35 vị trí xung quanh Nhà hát như khu vực sân khấu, mái vòm, tầng hầm, toàn bộ phần mái, tường bên ngoài... Kết thúc công đoạn quét tia laser, nhóm kỹ sư số hóa và phân loại trên 50 cấu kiện, kết cấu của Nhà hát như cột, mái, hệ xà gồ, thanh đỡ... và hơn 1.000 chi tiết là các hoa văn, phù điêu, tượng, đèn... ở mọi ngóc ngách từ tầng hầm đến mái. Việc ghi nhận toàn bộ hiện trạng Nhà hát giúp các kỹ sư thu thập thông tin dữ liệu chính xác nhất các kết cấu, chi tiết, hoa văn dù là nhỏ nhất với độ sai số từ 1 - 3 mm so với kích thước thật. Các chi tiết được số hóa đều ghi các thông số về độ dài, rộng, dày, vật liệu xây dựng, ý nghĩa lịch sử... Với những chi tiết quá nhỏ, các kỹ sư phải đặt nhiều trạm quét để xác định chính xác hình thù vật thể.

Sau khi hoàn tất quá trình xử lý và tối ưu hóa dữ liệu, thông qua phần mềm Autodesk Revit, các thông tin hình học của các chi tiết từ đơn giản đến phức tạp được dựng lại theo đúng hiện trạng công trình. Các thông tin phi hình học như màu sắc, vật liệu, hoa văn, nguồn gốc lịch sử,... cũng được lưu trữ và đồng bộ trên mô hình thông tin công trình (BIM).

Mô hình tổng thể Nhà hát sau khi được số hóa
Mô hình tổng thể Nhà hát sau khi được số hóa Ảnh:Portcoast

Theo ông Dũng, mô hình này cho phép quản lý lịch sử hơn 120 năm của Nhà hát và cả về sau này. Khi cần thay thế bộ phận và chi tiết nào, Nhà hát chỉ cần dựa vào dữ liệu đã được số hóa, phục chế bằng cách in 3D mẫu, sau đó chế tác, đúc lại với độ chính xác, vật liệu gần như tương tự. Việc số hóa các công trình cổ để có những bản vẽ hiện trạng giúp việc quản lý, phục hồi những di tích, di sản khi có hư hỏng được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Hiện nay, TPHCM có hơn 150 biệt thự cổ và nhiều di tích nổi tiếng khác. Trong đó có những tòa nhà được xây dựng cách đây khoảng 100 năm, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa cần lưu giữ, bảo tồn như trụ sở UBND, Bưu điện, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Mỹ thuật,... Sau khi số hóa Nhà hát, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM sẽ xem xét áp dụng công nghệ này đối với các di tích nổi tiếng khác của Thành phố.