Liệu pháp ánh sáng có thể giúp cải thiện tâm trạng, chữa lành vết thương và tăng cường hệ miễn dịch. Giờ đây, các nhà khoa học đang tìm hiểu xem ánh sáng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson hay không.

Cuộc thử nghiệm đầu tiên dự kiến khởi động vào mùa thu năm nay ở Pháp. Các bệnh nhân sẽ được cấy một sợi cáp quang vào não. Cáp quang này truyền xung ánh sáng cận hồng ngoại (NIR) trực tiếp đến liềm đen (substantia nigra), một vùng sâu trong não bị thoái hóa ở bệnh nhân Parkinson. Nhóm nghiên cứu thực hiện thử nghiệm, do bác sĩ giải phẫu thần kinh Alim Louis Benabid thuộc Viện Clinatec đứng đầu, kỳ vọng ánh sáng sẽ bảo vệ các tế bào ở khu vực não đó của bệnh nhân.

Đây chỉ là một trong số những nghiên cứu đang được thực hiện nhằm khám phá trị liệu ánh sáng cho bệnh nhân Parkinson.

Parkinson là một loại rối loạn thoái hóa thần kinh, ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong khu vực liềm đen. Các triệu chứng thường phát triển chậm trong nhiều năm và khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như run, cứng chân tay, các vấn đề về vận động và thăng bằng. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân bệnh Parkinson và chưa có phương pháp điều trị. Mặc dù bản thân Parkinson không gây tử vong, nhưng gây ra các biến chứng nghiêm trọng về mất khả năng nhận thức, trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, đau đớn, v.v...

Trước đây, các thử nghiệm nhỏ ở những người mắc bệnh Parkinson và mô hình động vật đã cho thấy một số lợi ích của liệu pháp ánh sáng, nhưng một số nhà nghiên cứu về bệnh Parkinson vẫn còn nghi ngờ. Chưa có ai chứng minh được chính xác ánh sáng có thể bảo vệ các tế bào thần kinh như thế nào - hoặc tại sao nó lại có bất kỳ tác động nào đối với các tế bào nằm sâu trong não vốn không bao giờ tiếp xúc với ánh sáng.

Những người hoài nghi nói rằng phần lớn kết quả tích cực đạt được trước đây có thể chỉ là hiệu ứng giả dược. Vì các kết quả không cho thấy dấu hiệu sinh học nào tương quan với các triệu chứng của bệnh Parkinson, mà chỉ phụ thuộc vào việc quan sát hành vi của bệnh nhân, theo nhà sinh học thần kinh David Sulzer, Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, biên tập viên của tạp chí npj Parkinson’s Disease, cho biết. “Không dễ loại trừ hiệu ứng giả dược”.

Nhưng những người ủng hộ chỉ ra một liệu pháp điều trị Parkinson có tên là kích thích não sâu (DBS), truyền điện ở tần số cụ thể vào các vùng não bị ảnh hưởng. Được phát minh bởi Benabid hơn 30 năm trước, DBS đã trở thành một phương pháp tiêu chuẩn để điều trị chứng run và các triệu chứng vận động nghiêm trọng khác ở bệnh nhân Parkinson, mặc dù phương thức hoạt động của nó cũng không hoàn toàn rõ ràng.

Thử nghiệm trên động vật

Mười năm trước, John Mitrofanis, nhà giải phẫu thần kinh ở Đại học Sydney, nảy ra ý tưởng thử dùng ánh sáng điều trị bệnh Parkinson, sau khi một đồng nghiệp nói với ông rằng ánh sáng NIR có thể bảo vệ tế bào võng mạc chống lại độc tố.

Trong một nghiên cứu năm 2012, Mitrofanis và các đồng nghiệp cho thấy trên mô hình mô phỏng bệnh Parkinson ở chuột, ánh sáng NIR chiếu vào đầu chuột đã bảo vệ các tế bào sản xuất dopamine trong vùng liềm đen khỏi chất độc thần kinh.

Quá phấn khích, Mitrofanis gọi cho Benabid và nói "chúng ta phải phát triển một thiết bị chiếu sáng có thể đến gần vùng não này hơn". Họ cho rằng ánh sáng chiếu từ bên ngoài hộp sọ sẽ không xuyên qua đủ sâu để tác động đến não của những động vật lớn hơn chuột.

Năm 2017, họ thử nghiệm bằng cách tiêm một chất độc thần kinh được biết gây ra các triệu chứng Parkinson vào 20 con khỉ cái, trong đó, họ đưa NIR đến vùng não giữa của 9 con khỉ thông qua một thiết bị cấy ghép. Con khỉ đầu tiên được điều trị bằng NIR có thể đi lại và vận động như bình thường. Nhìn chung, những con khỉ được điều trị bằng NIR phát triển ít triệu chứng Parkinson hơn so với nhóm không được điều trị. Nhóm khỉ được điều trị NIR cũng ngăn được nhiều hơn từ 20% đến 60% số tế bào não bị chất độc thần kinh tấn công so với nhóm không được điều trị.

Chiếu sáng bên ngoài và bên trong

Mitrofanis còn hợp tác với Catherine Hamilton, bác sĩ trị liệu đã nghỉ hưu ở Tasmania. Trong một thử nghiệm trên sáu bệnh nhân Parkinson được công bố vào năm ngoái, Hamilton, Mitrofanis và những người khác đã báo cáo rằng, đội mũ bảo hiểm có đèn LED cải thiện nét mặt, xử lý thính giác, khả năng tham gia trò chuyện, chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân Parkinson, mặc dù nó không tác động nhiều đến các triệu chứng vận động.

Alan Minson, một bệnh nhân Parkinson, cho biết các triệu chứng đã cải thiện sau khi bắt đầu sử dụng “mũ bảo hiểm chiếu sáng” vào tháng 7/2019.

Ann Liebert, nhà nghiên cứu ở Đại học Sydney, đang lên kế hoạch thử nghiệm một loại mũ phức tạp hơn trên 120 bệnh nhân.

Trong một nỗ lực tương tự, Dawn Bowers, nhà nghiên cứu ở Đại học Y khoa Florida, sẽ chọn ngẫu nhiên 24 bệnh nhân để điều trị bằng ánh sáng NIR hoặc bằng ánh sáng giả (giống như nhóm được cho giả dược trong nghiên cứu thuốc) nhằm theo dõi các lợi ích về hành vi và vận động của liệu pháp này.

Bowers cũng sẽ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy ánh sáng thúc đẩy các ty thể sản xuất năng lượng của tế bào não. Các thí nghiệm trong ống nghiệm đã chỉ ra, ánh sáng có thể kích hoạt enzyme cytochrome C oxidase, có trên màng ty thể, để tăng cường sản xuất năng lượng cho tế bào, theo đó làm tăng lưu lượng máu và kích thích tế bào tạo ra một số protein bảo vệ thần kinh. “Nhưng tôi không tin rằng một thiết bị bên ngoài có thể thâm nhập đủ sâu (vào não) để tạo ra những cải tiến đáng kể," Bowers nói. Bà kỳ vọng nhiều hơn vào phương pháp cấy ghép của Benabid.

Trong nghiên cứu cấy cáp quang vào não bệnh nhân của Benabid, 14 bệnh nhân Parkinson sẽ được theo dõi trong 4 năm. 7 người trong số họ sẽ được điều trị định kỳ bằng xung ánh sáng 670 nanomet truyền đến não qua một dây cáp điốt laze mỏng cấy ghép trong não. Bảy bệnh nhân khác sẽ không được phẫu thuật cấy ghép. Mục tiêu chính của thử nghiệm là chứng minh việc cấy ghép là an toàn, nhưng các nhà nghiên cứu cũng sẽ đánh giá sự tiến triển của bệnh. “Nó phải tạo ra sự khác biệt lớn,” Benabid nói. "Không có lý do gì để phẫu thuật sâu như vậy nếu bệnh chỉ cải thiện nhẹ."

Nguồn: