Nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã phân lập được 2 chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thể sử dụng để sản xuất chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh cho cá tra.
Cá tra là loài được nuôi phổ biến, chủ lực và có giá trị kinh tế cao hiện nay ở ĐBSCL. Tuy nhiên, việc sản xuất và cung ứng con giống cá tra, cũng như tình hình nuôi cá tra thịt để phục vụ chế biến và xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề do chất lượng con giống suy giảm, tình hình dịch bệnh hoành hành và các biện pháp quản lý chưa có hiệu quả.
Hầu hết các vùng nuôi đều xuất hiện bệnh phổ biến trên cá tra, đặc biệt là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, với tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Để điều trị bệnh này, thì hiện nay, kháng sinh vẫn là biện pháp được sử dụng nhiều nhất cho đến nay, gây lo ngại về dư lượng kháng sinh trong môi trường nuôi thủy sản cho người nuôi và người dùng. Sử dụng vắc-xin là phương pháp lý tưởng để ngăn ngừa việc lây nhiễm bệnh thủy sản trong quá trình nuôi, đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, tuy nhiên phương pháp này còn ít được sử dụng, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Những năm gần đây, nhóm vi sinh vật có hoạt tính probiotic đang được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát các tác nhân gây bệnh, giảm việc sử dụng kháng sinh, đang được quan tâm, đầu tư nghiên cứu cũng như đưa vào sử dụng rộng rãi. Ức chế được quá trình sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn, để làm giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh có trong nước nuôi là một phương pháp có thể sử dụng để phòng bệnh cho cá tra ngay từ đầu. Vì vậy, việc chọn lựa được những chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng mạnh, nhằm tạo ra chế phẩm sinh học có khả năng ức chế đồng thời với cả 2 loại vi khuẩn gây nguy hiểm nhất cho cá tra hiện nay là E. ictaluri và A. hydrophia là hướng đi cần thiết.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Phân lập các chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra ở ĐBSCL".
Theo đó, từ 96 mẫu (bùn, nước ao, cá) được nhóm tác giả thu thập ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ; sau đó phân lập và lựa chọn được 184 khuẩn lạc có hoạt tính đối kháng với cả E. ictaluri và A. hydrophila. Nghiên cứu đã định danh được hai chủng B. amyloliquefaciens BPT-894 và B. subtilis BMHH-421 được sử dụng trong các thử nghiệm trên cá tra.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, cả hai chủng đều an toàn cho cá tra, tỷ lệ sống của cá khi nuôi trong môi trường bổ sung B. amyloliquefaciens BPT - 894 và B. subtilis BMHH -421 (trong 72 giờ) đạt 100%. Cả 2 chủng này đều có hiệu quả bảo vệ cá tra kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết khi bổ sung vào môi trường nuôi (giảm tỷ lệ chết của cá khi nhiễm với E. ictaluri và A. hydrophila, tỷ lệ sống đạt 50 - 60%).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, khi cùng nuôi cấy hai chủng trên cùng môi trường TSA theo phương pháp vạch thẳng, vuông góc, thì cả hai chủng đều sinh trưởng và phát triển bình thường, không xảy ra hiện tượng ức chế sự phát triển của nhau. Do đó, có thể phối trộn hai chế phẩm này vào trong chế phẩm sinh học.
Sử dụng bột bắp làm chất mang, nhóm tác giả đã sản xuất thử nghiệm chế phẩm có chứa hai chủng vi khuẩn B. amyloliquefaciens BPT- 894 và B. subtilis BMHH-421, với mật độ 5,5 x 108 CFU/g. Chế phẩm có thể bảo quản và duy trì mật độ trong 6 tháng ở nhiệt độ phòng (mật độ vi khuẩn không thay đổi đáng kể sau 6 tháng bảo quản).
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, góp phần kiểm soát bệnh gan thận mủ và xuất huyết trong ngành nuôi cá tra. Nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm ở quy mô đồng ruộng và hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm ở quy mô công nghiệp.