Nhiều người trong số họ bị cám dỗ bởi những phương thức kiếm tiền dễ hơn, hay bị quật ngã bởi những thay đổi liên tục của thị trường. Trên con đường “cô độc” ấy, kiên trì và bền bỉ trở thành tố chất quan trọng để khởi nghiệp thành công.
Thị trường đầy cám dỗ
Lâu nay, khi bàn về hành trình khởi nghiệp, các nhà sáng lập thường nhắc đến các khó khăn như không có đầy đủ kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu nhân lực… nhưng ít ai nói về những cám dỗ.
Trong buổi trình bày báo cáo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Do Ventures và Trung tâm đổi mới sáng tạo NIC diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, anh Trần Hữu Đức - Giám đốc điều hành của VIISA Venture cho biết giai đoạn vừa qua, nhiều nhà sáng lập không kìm được trước sức hấp dẫn của xu hướng metaverse và blockchain vì gọi vốn quá nhanh. “Họ bỏ startup đang làm để quay sang xu hướng này, gọi vốn rất nhanh và nhiều dự án đã thất bại” - ông Đức nói.
Câu chuyện này có vẻ không lạ với các nhà đầu tư. Cách đây ít lâu, chị Hoàng Thị Kim Dung - chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures cũng chia sẻ tình huống tương tự. “Tôi chỉ biết thở phào thầm nghĩ là, thật may lúc đó chúng tôi đã sáng suốt quyết định không đầu tư vào startup đó” - chị Dung chia sẻ trong bài viết của mình.
Việc bị hấp dẫn bởi thị trường không phải chuyện quá lạ. Hãy thử tưởng tượng, khi startup đang gặp khó khăn, nên nếu nhìn thấy cơ hội kiếm tiền nhanh hơn, họ dễ bị thu hút. Hay đơn giản để thuyết phục người dùng, thay vì thay đổi thói quen từ từ, startup “lách” bằng cách “đốt tiền lấy tăng trưởng”.
Chị Hoàng Thị Kim Dung đã gọi đó là những thành công bị bóp méo trong một hệ sinh thái khởi nghiệp có quá nhiều cám dỗ: “Mọi người muốn làm giàu nhanh chóng mà không tạo ra nhiều của cải thực sự cho xã hội, muốn đi tắt tìm đường đi nhiều “fund” (quỹ đầu tư -PV) hơn, bóng bảy hơn, nên có nhiều người không đủ bền bỉ đi đến cuối hành trình startup ban đầu của họ”.
Trong khi đó, với anh Lê Anh Tiến - nhà sáng lập của BotBanHang, một thị trường luôn biến động và xuất hiện những cơ hội mới là điều cám dỗ nhất. Với tầm nhìn xây dựng giải pháp bán bán hàng tự động đa kênh trên mạng xã hội, ở thời điểm ra đời, nhà sáng lập của BotbanHang đã phải đấu tranh giữa hai xu hướng: chatbot hội thoại hay chatbot bán hàng.
“Chúng tôi nhận được đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp lớn để xây dựng chatbot có thể trả lời mọi câu hỏi nhưng quyết định từ chối. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra chatbot giúp việc bán hàng dễ dàng trên mạng xã hội. Khách hàng đưa ra yêu cầu, hệ thống sẽ đưa tới sản phẩm phù hợp và chốt đơn hàng mà không cần có nhân viên chăm sóc khách hàng nào” - anh Lê Anh Tiến chia sẻ.
Có đôi khi, BotBanHang cũng gặp phải làn sóng “thị trường ảo” tấn công. “Rất nhiều khách hàng đưa ra yêu cầu xây dựng tính năng na ná nhau. Lúc này mình phải rất tỉnh táo để phân tích, đâu là thị trường bền vững hay không bền vững để đầu tư nhân lực vào. Có những xu hướng xuất hiện một vài tháng rồi biến mất, nếu đầu tư sẽ mất nhiều thời gian, tài chính, để rồi lại bỏ không” – anh Tiến giải thích.
Bởi vậy 5 năm qua, BotBanHang vẫn kiên trì với mục tiêu tạo ra một công cụ hỗ trợ bán hàng chứ không phải một sản phẩm nào khác.
Với những người không thể vững tâm bền chí như Lê Anh Tiến, chị Hoàng Thị Kim Dung gọi đó những người gặp hội chứng đối tượng hào nhoáng (shiny-object syndrome).
“Đây là hội chứng xảy ra khi một việc gì đó không lập tức mang lại kết quả, họ sẽ nhảy sang thứ tiếp theo mà thu hút sự chú ý của họ lúc đó. Họ liên tục chuyển trọng tâm và ưu tiên của mình mỗi khi gặp khó khăn, do đó, họ không thể đạt được thành tựu dài hạn, lớn lao trong sự nghiệp startup của mình” - Chị Hoàng Thị Kim Dung giải thích.
Bí quyết cho khởi nghiệp
Đi đến cùng mục tiêu, giải quyết được nỗi đau của xã hội với startup không phải chuyện dễ dàng. “Để xây dựng được một doanh nghiệp phát triển bền vững, thành trụ cột xương sống của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỉ tới” như lời nhắn nhủ của chị Hoàng Thị Kim Dung tới các startup lại càng khó hơn. Theo các nhà sáng lập và cả quỹ đầu tư, bí quyết nằm ở hai chữ “bền bỉ”.
Duy trì sự tập trung trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm bắt nguồn từ tầm nhìn và khát vọng giải quyết một bài toán của xã hội. “Muốn khởi nghiệp thành công cần nghĩ lớn, đặt mục tiêu lớn hơn và dám làm, dám đương đầu với thách thức. Khởi nghiệp là hành trình không hề đơn giản, phải kiên trì và kiên trì” - trong một lần chia sẻ với báo chí, anh Nguyễn Thành Trung - nhà sáng lập của Sky Mavis - kỳ lân thứ 4 của Việt Nam đã nói như vậy.
Từ nhiều năm trước khi blockchain còn là công nghệ rất mới ở Việt Nam, Nguyễn Thành Trung và đội ngũ đã muốn xây dựng nền tảng cho game blockchain và thay đổi suy nghĩ của thế giới về game. Trước khi Axie Infinity và mô hình ‘play to earn’ nổi danh toàn cầu, mục tiêu này được xem là “khó nhằn”. “Chúng tôi không quan tâm mọi người nói gì mà đóng cửa vào chuyên tâm làm sản phẩm” – anh Trung bày tỏ. Axie Inifinity chỉ là khởi đầu, điều mà Sky Mavis hướng tới là nền tảng (platform) blockchain ổn định, bền vững cho rất nhiều game.
Trong hành trình sự bền bỉ đó, nhà sáng lập cần phải làm nhiều thứ, trong số đó là việc thấu hiểu cảm giác khách hàng. Nếu như Sky Mavis muốn cứu rỗi người dùng khỏi cảm giác chơi game vô ích, tốn thời gian và tốn tiền thì BuyMed lại muốn giúp các nhà thuốc đảm bảo vận hành bằng việc nhập được nguồn hàng chất lượng tốt, giá thành ổn định chỉ bằng những cú click chuột.
“Chúng tôi cần hiểu khách hàng” - Nguyễn Hữu Minh Hoàng - nhà sáng lập của BuyMed nói với Khoa học và Phát triển.
Để ra mắt từ giữa năm 2019, BuyMed đã khởi động từ giữa năm 2018. Trong khoảng thời gian ấy, những nhà sáng lập phải đi tìm hiểu thói quen từng nhà thuốc, thậm chí hiểu cả sinh hoạt của họ.
Hoàng nói: “Mình hiểu họ tới mức, biết sáng dậy họ làm gì đầu tiên, ăn sáng xong làm gì, đơn thuốc đầu tiên thường bán lúc mấy giờ…” Tất cả những điều đó giúp BuyMed cho ra mắt tính năng đầu tiên trên Thuocsi.vn là đặt hàng nhanh. Nhận thấy người bán hàng có thói quen viết đơn hàng ra một tờ giấy gồm tên thuốc, số lượng rồi chụp lại gửi qua zalo, BuyMed thiết kế một tính năng tương tự nhưng giúp tốc độ nhanh hơn. “Ví như trong ngành người ta không gọi panadol extra mà gọi panadol đỏ. Vậy hệ thống chỉ cần gợi ý để nhà thuốc viết chữ “Đỏ” là hiện ra đầy đủ tên. Việc này còn nhanh hơn ghi ra giấy cho thấy sức mạnh của công nghệ. Khi thấy tiện lợi, khách hàng sẽ trung thành với dịch vụ” - anh Hoàng giải thích.
Giai đoạn đại dịch vừa qua, cả Sky Mavis, BuyMed, BotBanHang… và nhiều startup khác vượt qua khó khăn, thậm chí còn lội ngược dòng khi gọi được thêm vốn với “sức khỏe lành mạnh” nhờ sự tăng trưởng tự nhiên, không phụ thuộc vào quảng cáo, doanh thu đủ để vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Kim Dung khuyên các nhà sáng lập nên sáng suốt để biết khi nào nên dừng lại hành trình “bền bỉ”: “Đó là khi nhà sáng lập startup không còn đủ niềm tin sẽ tìm thấy sản phẩm phù hợp với thị trường (Product market fit), hay không có đủ đam mê và kiên nhẫn với việc đi tìm điều đó cho sản phẩm của mình nữa, thì startup nên dừng lại, chuyển hướng đi khác. Vì với startup, sau tất cả, startup luôn cần sự bền bỉ đi tìm product market fit”.