Việt Nam hiện là một trong những nhà sản xuất gạo và cá da trơn hàng đầu thế giới, nhưng tỷ lệ thất thoát từ hai chuỗi cung ứng này đang ở mức cao, từ 21-32%.

Chế biến là một trong những công đoạn gây thất thoát, lãng phí nhất trong chuỗi sản xuất cá da trơn của Việt Nam | Ảnh minh họa
Chế biến là một trong những công đoạn gây thất thoát, lãng phí nhất trong chuỗi sản xuất cá da trơn của Việt Nam | Ảnh minh họa

Thiệt hại kinh tế khổng lồ

Tại Việt Nam, 1/4 lượng thực phẩm sản xuất ra bị thất thoát hoặc lãng phí, tương đương với 4% GDP cả nước. Để sản xuất ra lượng thực phẩm này tốn đến 10% tổng diện tích đất đai đồng thời phát ra 6% tổng lượng khí thải. Trong khi đó, 15% dân số vẫn chưa được đảm bảo an ninh lương thực*.

Một báo cáo xuất bản tháng 9/2020 do các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, Đại học Cornell (Mỹ) và Tổ chức WRAP (UK) thực hiện mang tên “Vietnam : Food Smart Country Diagnostic” đã chỉ ra những lợi ích nhiều mặt nếu giảm được thất thoát và lãng phí trong chuỗi sản xuất hai sản phẩm lương thực trọng điểm của quốc gia là gạo và cá da trơn (cá basa, cá tra...) Việt Nam hiện là nhà sản xuất gạo lớn thứ năm thế giới và là nhà sản xuất một nửa lượng cá da trơn của thế giới.
Tỷ lệ thất thoát, lãng phí trong chuỗi sản xuất lúa gạo và cá da trơn của Việt Nam | Nguồn: WorldBank, 2020
Tỷ lệ thất thoát, lãng phí trong chuỗi sản xuất lúa gạo và cá da trơn của Việt Nam | Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2020

Phân tích sự thất thoát, lãng phí trong suốt quá trình từ trang trại tới bàn ăn và ra bãi rác dựa trên số liệu năm 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy chuỗi cung ứng cá da trơn của Việt Nam có tỷ lệ hao hụt lên tới 32% - tương đương 570 triệu USD, trong đó tổn thất lớn nhất xảy ra ở công đoạn chế biến.

Với lúa gạo, thiệt hại dao động khoảng 21%, tương đương với mức tổn thất 2,5 tỷ USD - trong đó tổn thất lớn nhất xảy ra ở công đoạn vận chuyển, bốc dỡ và lưu trữ (THS).

Tổng tỷ lệ tổn thất được tính bằng cách nhân tỷ lệ tổn thất tương ứng ở mỗi giai đoạn với khối lượng thực phẩm còn lại sau giai đoạn trước đó. Con số lãng phí khổng lồ này là gánh nặng với nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần thu hẹp và phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Tác động khi giảm 50% lượng thất thoát, lãng phí

Các nhà nghiên cứu đã xem xét nếu cắt giảm 50% lượng thực phẩm thất thoát, lãng phí ở mỗi công đoạn thì sẽ đem tại những tác động nào cho các bên tham gia.

Tính toán dựa trên mô hình khung toàn cầu cho thấy việc cắt giảm 50% thực phẩm lãng phí ở mỗi công đoạn trong chuỗi giá trị của lúa gạo và cá da trơn sẽ có tác động tổng thể là tích cực hoặc hầu như trung tính đối với tất cả các ưu tiên chính sách về phúc lợi nông dân, an ninh lương thực, thương mại, căng thẳng tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính và thực phẩm thải bỏ.

Tác động tới chuỗi sản xuất cá da trơn khi cắt giảm 50% lượng hao hụt, lãng phí ở mỗi công đoạn | Nguồn: WorldBank, 2020
Tác động tới chuỗi sản xuất cá da trơn khi cắt giảm 50% lượng hao hụt, lãng phí ở mỗi công đoạn | Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2020

Thông qua phân tích đặc điểm sản xuất nông nghiệp và vận hành thị trường của Việt Nam, các nhà nghiên cứu khuyến nghị chính phủ nên thực hiện việc cắt bỏ thất thoát, lãng phí thực phẩm ở mức độ 50%, đi kèm với các chiến thuật hỗ trợ cho những bên liên quan.

Những chiến thuật này bao gồm: phát triển hệ thống bảo hiểm, tài chính và cảnh báo sớm cho nông dân để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu; cho phép truy cập thông tin thị trường theo thời gian thực; thành lập hợp tác xã, trung tâm bán buôn để nâng cao hiệu quả và an toàn thực phẩm; làm lạnh thành phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị; thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn về an toàn thực phẩm, cũng như giảm thiểu dịch bệnh; và cải thiện quản lý chất thải thực phẩm đô thị.

Nhóm tác giả khẳng định Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi sang hướng sản xuất "More from less" - tức sử dụng cùng một đơn vị tài nguyên thiên nhiên (đất đai, nước,...) và lao động nhưng sản xuất được các mặt hàng thực phẩm có giá trị cao hơn, hay nói cách khác là "tăng hiệu quả sản xuất".


* Các số liệu, biểu đồ được lấy từ báo cáo đầy đủ "Vietnam : Food Smart Country Diagnostic" của Ngân hàng Thế giới (2020).