Công ty GeneStory, do GS Vũ Hà Văn cùng ba nhà khoa học khác đồng sáng lập, cung cấp dịch vụ giải mã gene có khả năng tiết lộ hơn 200 đặc điểm cá nhân liên quan đến thể chất, dinh dưỡng, lối sống, mức độ đáp ứng thuốc, nguy cơ về bệnh lý...
Xét nghiệm gene mang lại lượng thông tin lớn về tính nhạy cảm của cơ thể đối với bệnh tật và môi trường, mở ra tiềm năng to lớn trong chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bệnh. Phát biểu tại lễ ra mắt công ty GeneStory sáng 22/4 tại Hà Nội, GS Vũ Hà Văn cho rằng, nếu được biết sớm về nguy cơ mắc một căn bệnh nào đó, chẳng hạn tiểu đường, chúng ta có thể thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng để phòng bệnh hoặc ngăn bệnh đến chậm hơn. Bởi vậy, ông nhìn nhận việc xét nghiệm gene để nhận biết toàn diện về các tính trạng của cơ thể là một giải pháp phòng bệnh từ xa hữu ích, "giúp giảm chi phí khám chữa bệnh và những sự chịu đựng về thể xác vì một khi đã mắc bệnh thì vừa đắt lại vừa đau”.
Kết quả giải mã gene từ GeneStory có thể giúp các cá nhân phát hiện sớm nguy cơ đối với hơn 10 căn bệnh hiểm nghèo, mãn tính, di truyền lặn và bệnh hiếm như ung thư, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch, tim mạch, tiểu đường... Bên cạnh đó, kết quả này còn có thể tiết lộ các tính trạng thể chất, dinh dưỡng, lối sống như tiềm năng phát triển chiều cao và sức mạnh cơ bắp; mức độ nhạy cảm với cơn đau; khả năng tiêu hóa - hấp thụ sữa động vật, trà, cafe; khuynh hướng tính cách và hành vi... Đặc biệt, GeneStory tuyên bố là nơi duy nhất trên thị trường Việt Nam khám phá các biến thể di truyền ảnh hưởng đến phản ứng với thuốc, cho phép xác định những người có nguy cơ cao mắc phản ứng có hại với thuốc trong điều trị tim mạch, kháng viêm, thấp khớp, tâm thần, ung thư…
GeneStory được
kế thừa nguồn dữ liệu từ dự án giải mã toàn bộ hệ gene của 1.000 người Việt do Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData tiến hành. Đây là dự án xây dựng cơ sở dữ liệu gene người Việt quy mô nhất đến nay.
Kết hợp dữ liệu có sẵn từ dự án 1.000 hệ gene người Việt, GeneStory xây dựng hệ gene tham chiếu của người Việt gần như hoàn chỉnh đầu tiên, chứa các biến thể gene đặc trưng của người Việt và đáng tin cậy hơn cho các phân tích hệ gene trong quần thể người Việt so với sử dụng hệ gene tham chiếu của người châu Âu hay người Mỹ - TS Võ Sỹ Nam, Giám đốc Khoa học - Đồng sáng lập GeneStory, cho biết.
Theo GS Vũ Hà Văn, VinBigData đã mất ba năm rưỡi và khá nhiều triệu "đô" để có được nguồn dữ liệu đó. "Giờ nó đã đi đến một cái service nhất định mà chúng tôi nghĩ là có thể đem ra phục vụ xã hội," GS Văn nói.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng công nghệ giải mã gene sẽ thúc đẩy vai trò của y học dự phòng từ dự đoán, tầm soát đến điều trị sớm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bớt gánh nặng y tế cho mỗi gia đình Việt Nam.
Được biết, GeneStory có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng và quy tụ hơn 50 nhà khoa học thuộc lĩnh vực tin y sinh, y tế đến từ nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu trên thế giới.
Sản phẩm của GeneStory gồm nhiều gói giải mã gene khác nhau dành cho người dùng thuộc nhiều lứa tuổi - trẻ sơ sinh, trẻ ở độ tuổi đến trường, người trưởng thành, người lớn tuổi - theo phương pháp đơn giản là lấy DNA từ mẫu nước bọt hoặc mẫu máu.
Chia sẻ tại sự kiện, GS.TS Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, Cố vấn khoa học của GeneStory, cho biết, ở các nước tiên tiến, xét nghiệm gen ngày càng được ứng dụng phổ biến trong y học để sàng lọc gene gây bệnh; tiên lượng bệnh; dự đoán mức độ đáp ứng thuốc; hay để chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ, phục vụ việc thụ tinh nhân tạo. "Việt Nam của chúng ta cũng đang tiến hành, nhưng cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa," ông nói.
Hiện nay, ở Việt Nam, xét nghiệm gene nhằm phát hiện các bất thường về gene hoặc mức độ trên gene của thai nhi cho các bệnh lý rối loạn bẩm sinh hoặc dị tật bẩm sinh đã được xây dựng và trở thành quy trình sàng lọc chuẩn cho phụ nữ mang thai. Nhiều bệnh viện lớn ở Việt Nam đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm gene để chẩn đoán các bệnh lý di truyền; và trước GeneStory, cũng đã xuất hiện một số công ty chuyên về xét nghiệm gene như Gene Solutions, Genetica, GenLab...