Trong vài năm trở lại đây, công nghệ 4.0 bắt đầu tạo nên sự thay đổi đáng kinh ngạc trong lĩnh vực môi trường bằng cách trao quyền tiếp cận dữ liệu theo thời gian thực cho người dùng.
Nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp khởi nghiệp đang dấn thân trong lĩnh vực giao thoa mới mẻ giữa công nghệ 4.0 và môi trường.
Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất như IoT, dữ liệu lớn, viễn thám, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, họ đang “lượng hóa” nhiều yếu tố môi trường như không khí, nước uống, năng lượng điện, cho đến những cánh rừng theo thời gian thực, chi tiết tới từng ngày, giờ và địa điểm cụ thể.
Điều này đã tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc mà vài ba năm trước không ai nghĩ rằng có thể thực hiện. Giờ đây, thay vì tuần tra thực địa hàng trăm hecta rừng mỗi năm để phát hiện những nơi bị chặt phá hay xói lở, các cán bộ kiểm lâm đã có thể nhận hình ảnh vệ tinh phân tích tình trạng rừng 3 lần mỗi tháng. Chủ rừng và cán bộ chỉ cần đến kiểm tra những địa điểm nghi ngờ có cảnh báo.
Thay vì kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây” hoặc dùng chính giác quan trên cơ thể để phán đoán liệu bầu không khí đang hít thở có trong lành hay không, giờ đây bất kì ai cũng có thể chạm vào màn hình điện thoại để xem chỉ số chất lượng không khí ở các điểm đo xung quanh nơi mình sống hoặc muốn đến.
Hoặc thay vì chờ đến cuối tháng để biết chính xác tổng hóa đơn điện tiêu thụ mà đôi khi chúng ta vẫn giật mình không hiểu tại sao tăng đột biến, người dùng đã có thể theo dõi ‘hầu bao’ phải chi tăng theo từng giây cho mỗi thiết bị riêng rẽ và nhanh chóng khắc phục những lãng phí không đáng có của mình.
Dù khác nhau trong từng lĩnh vực hay nền tảng công nghệ sử dụng, thì điểm chung mà những ứng dụng này đưa đến cho người dùng là các dữ liệu rõ ràng mà trước đây ngành môi trường không có hoặc chỉ một số ít cơ quan quản lý nắm được.
Tại tọa đàm “
Câu chuyện môi trường trong thời 4.0” do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live & Learn và Báo Khoa học và Phát triển/Tạp chí Tia Sáng tổ chức vào ngày 27/03, các diễn giả đã chia sẻ nhiều bước tiến quan trọng của công nghệ 4.0 khi ứng dụng vào môi trường.
Từ đắt đỏ đến miễn phí
TS. Hoàng Việt Anh, chuyên gia phụ trách phát triển giải pháp tại công ty công nghệ và kỹ thuật Green Field,chia sẻ 3 mảng công nghệ mà công ty đang triển khai, bao gồm: Công nghệ viễn thám (phần mềm tự động xem xét việc mất rừng 10 ngày/lần bằng ảnh vệ tinh để cảnh báo mất rừng cho chính quyền và chủ rừng); Giải pháp mobile để điều tra, đánh giá, giám sát các hoạt động hiện trường (ứng dụng điều tra hiện trạng rừng đang có trên 3.000 người dùng tại 16 tỉnh; ứng dụng để người dân trong vùng thủy điện định kỳ cung cấp thông tin về những biến động về xả nước, mùa vụ, đời sống, phục vụ cho một dự án nghiên cứu về đánh giá tác động của thủy điện lên đời sống), công nghệ IOT (hệ thống trạm đo chất lượng nước nuôi thủy sản tôm rừng ở Cà Mau)
Theo ông, nhiều công nghệ kể trên mặc dù đã ra đời từ 20-30 năm trước nhưng vẫn nằm trong các viện nghiên cứu, là tài nguyên hạn chế chỉ một số ít được tiếp cận do chi phí đắt đỏ. Nhưng từ 10 năm nay, chúng đã dần được thương mại hóa, thậm chí đưa ra miễn phí dưới nền tảng dễ tiếp cận.
Mặc dù việc triển khai các giải pháp công nghệ kể trên đều còn rào cản - như điều kiện thực địa khắc nghiệt rừng sông, sông biển có thể ăn mòn thiết bị, hoặc ảnh vệ tinh quang học miễn phí thường có độ phân giải không gian trung bình và chịu ảnh hưởng của tình trạng nhiều mây – nhưng phần lớn khách hàng và chính quyền địa phương đều tỏ ra hào hứng với cách tiếp cận mới này.
Chúng đã giúp việc quản lý tài nguyên trở nên dễ dàng hơn. Thậm chí có địa phương sẵn sàng bỏ tiền xây các hạ tầng công nghệ nếu dự án thí điểm đạt kết quả tốt.
Green Field đã thực hiện các dự án hợp tác với World Bank, ADB, JICA, USAID, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều tỉnh/thành, doanh nghiệp địa phương khác.
Trên kinh nghiệm đó, TS. Việt Anh khuyến nghị, để sử dụng các công nghệ 4.0 hiệu quả hơn, nhà nước nên sử dụng hạ tầng điện toán đám mây thay thế dần hạ tầng server truyền thống và nhanh chóng triển khai hiệu quả hơn những cơ chế chia sẻ dữ liệu.
Tương tự, các doanh nghiệp trong ngành cũng nên chú trọng số hóa các dữ liệu từ trước đến nay của mình, làm nền tảng cho việc quản lý bằng công cụ số mới.
Nói về hướng đi cho công ty, ông chia sẻ vẫn đang tìm kiếm một lĩnh vực chuyên sâu để tập trung công nghệ và nguồn lực vào đó. Họ cũng đang phân vân trong việc nên thiết kế sản phẩm công nghệ môi trường theo dạng - may đo (cá nhân hóa với từng khách hàng), may sẵn (áp dụng được với tất cả khách hàng), hoặc khách hàng tự may (cung cấp nền tảng cơ bản cho phép khách hàng tự cấu hình, tinh chỉnh).
Đáp ứng mục đích đa dạng
Bắt đầu bằng câu chuyện phải trả tiền điện theo khung giờ khi đi học bên Pháp của mình, ông Nguyễn Hoàng Minh, đồng sáng lập công ty cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng IOTeamVN, liên hệ đến vấn đề “hóa đơn điện tăng vùn vụt mỗi khi vào hè” của một số người dân.
Theo ông, đo chính xác số điện chính là cách để người dùng có ý thức điều chỉnh hành vi lãng phí. Do vậy, IOTeamVN đã phát triển máy đo năng lượng tiêu thụ theo thời gian thực (3 giây/lần) cùng các giải pháp quản lý và điều khiến hệ thống điện thông minh (tự động bật tắt thiết bị, hẹn giờ, ra lệnh bằng giọng nói, cảnh báo…) có thể giúp tiết kiệm từ 10-30% năng lượng.
Các thiết bị này sử dụng công nghệ IOT và điện toán đám mây và đều do đội ngũ của Công ty thiết kế, lắp ráp cũng như bảo mật dữ liệu, để đảm bảo nắm chắc “công nghệ lõi” với chi phí thấp hơn sản phẩm ngoại nhập.
Theo ông Minh, sản phẩm của IOTeamVN “không phải để cạnh tranh hay giám sát thiết bị của EVN” mà phục vụ sứ mệnh khác. Trong khi EVN đưa ra thông tin tổng tiêu thụ điện vào cuối kì hoặc 3-6 tiếng/lần, thì máy đo của IOTeam chỉ ra mức độ tiêu thụ cho từng đường điện của các thiết bị trong nhà (chiếu sáng, sưởi ấm, điều hòa…).
Là một startup mới nên IOTeamVN hiện mới có một lượng khách hàng cá nhân và dự án nhất định. Công ty đang trực tiếp phân phối sản phẩm nhưng đặt mục tiêu sắp tới sẽ có các đại lý phân phối để những giải pháp quản lý, tiết kiệm điện của mình đến với nhiều người hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh khác về tọa đàm:
Tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi online về những thách thức khi đem công nghệ mới vào lĩnh vực môi trường.
Nhiều khán giả quan tâm đến các ứng dụng IOT được giới thiệu trong tọa đàm "Câu chuyện môi trường trong thời 4.0" về quản lý rác, tiết kiệm điện năng và theo dõi ảnh hưởng của thủy điện với cộng đồng sống xung quanh.
Bạn Phạm Linh (Urbanist Hà Nội) đặt câu hỏi tại tọa đàm: Những giải pháp nào mà các diễn giả thấy chính phủ hoặc cá nhân đang cố gắng làm để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam?Trả lời câu hỏi,TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh cho biết, bài toán ô nhiễm không khí đã bắt đầu được quan tâm từ năm 1998, với những nhóm nghiên cứu đầu tiên về quan trắc ô nhiễm không khí ở hà nội và TP.HCM, xem xét thành phần các loại bụi để tìm ra nguồn thải v.v.Sau đó, những mạng lưới quan trắc cố định và quan trắc liên tục của nhà nước đã bắt đầu được triển khai dọc đất nước. Hiện số lượng trạm cố định còn ít vì chi phí lắp đặt và vận hành cao.
Các nhà quản lý cũng bắt đầu thay đổi dần tư duy trong việc sử dụng các công nghệ khác nhau để thu thập dữ liệu và quản lý chất lượng không khí. Nếu như trước đây, cổng thông tin quan trắc môi trường không khí chính thức của Hà Nội (moitruongthudo.vn) chỉ có dữ liệu của 10 điểm đo thì từ năm 2020 đã mở rộng ra gần 35 điểm quan trắc khác nhau, trong số đó có 2 trạm chuẩn cố định, còn lại là các trạm cảm biến.
Ngoài ra, việc sử dụng dữ liệu từ vệ tinh để nghiên cứu và khuyến nghị chính sách cũng dần được phổ biến hơn. Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến việc sử dụng các mô hình để tính toán lan truyền, xu hướng, tác động và các kịch bản quản lý ô nhiễm không khí.
Một khán giả gửi câu hỏi online: “Hiện nay rất khó thu thập các nguồn dữ liệu như địa hình, lượng mưa,... của một khu vực chính xác, đầy đủ và tin cậy để áp dụng vào GIS, vì nguồn dữ liệu bị phân tán và không liên tục hoặc tần suất không đủ để đánh giá. Liệu Green Field có thể thiết lập một kho dữ liệu tin cậy và hướng dẫn tiếp cận công cụ GIS để dễ dàng chia sẻ thông tin đến người dùng?”
TS Hoàng Việt Anh cho biết, tập hợp nguồn dữ liệu là việc làm vượt quá quy mô của Công ty, thậm chí là các tổ chức, cơ quan tầm trung. Theo ông, các doanh nghiệp hoặc tổ chức chỉ có thể làm ngành hẹp, còn để có bộ dữ liệu rộng hơn thì phải dựa vào Nhà nước.Hiện nay, Chính phủ đã bắt đầu triển khai các trục thông tin quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin.
Một khán giả hỏi, chỉ số AQI có đánh giá được toàn diện vấn đề chất lượng không khí có thể ảnh hưởng đến con người không?
Bà Phan Thanh Hải cho biết, để ra được lựa chọn hiển thị AQI, các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu chất lượng không khí đã làm nhiều nghiên cứu thị trường và nhận thấy người dùng thường không quan tâm đến các con số “khô khan” về nồng độ bụi hay các chất ô nhiễm, do vậy họ đã lựa chọn một công thức làm đại diện, là chỉ số chất lượng không khí AQI. Nó biểu thị các ngưỡng, màu sắc và khuyến nghị hành động khá dễ dàng nắm bắt. Với các nhà nghiên cứu, họ sẽ đưa ra những chỉ số cụ thể hơn.
Một khán giả là nhà nghiên cứu sinh vật học cho biết sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết về sinh vật chỉ thị hay đời sống đặc trưng của các loài động, thực vật với những nhà nghiên cứu, phát triển sản phẩm về công nghệ môi trường.
Chăm chú ghi chép ý kiến chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Thierry Vergon, Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L'Espace), chào mừng các diễn giả và khán giả đã dành thời gian tham dự tọa đàm kết hợp giữa công nghệ 4.0 và môi trường, đúng trong bối cảnh đầy ý nghĩa là "Giờ Trái đất 2021".