Đây là một trong số ít các mẫu xe tự hành trên thế giới sở hữu các tính năng tự hành cấp độ 4 trên thang đo 5 cấp độ do Hiệp hội Kỹ sư Xe hơi (SAE) xây dựng. Xe có 40 tính năng thông minh chia ra làm 4 nhóm hệ thống: hệ thống kiểm soát làn, hệ thống an toàn, hệ thống nhận diện, và hệ thống điều khiển thông minh.

Nhà sản xuất cho biết, xe tự hành thông minh Phenikaa được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện mẫu xe prototype đầu tiên chỉ sau 6 tháng. Ảnh: Phenikaa

Tập đoàn Phenikaa vừa chính thức giới thiệu mẫu xe tự hành do đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia của mình nghiên cứu tại hội thảo quốc tế “Công nghệ tự hành và Giao thông thông minh” hôm 26/3.

Có mặt tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đây là một trong những hội thảo đầu tiên ở Việt Nam đặt vấn đề gắn kết xe tự hành với việc xây dựng thành phố thông minh.

“Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, AI, IoT, 5G,… được chú trọng với mục đích lớn nhất là phát triển kinh tế - xã hội và lấy người dân làm trung tâm. Đây cũng là hướng phát triển của Phenikaa khi chọn chủ đề xe tự hành, bởi nó sẽ đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân trong tương lai đô thị thông minh, thân thiện với môi trường…,” ông nói.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phenikaa

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc CTCP Phenikaa-X, cũng là người trực tiếp tham gia chế tạo xe, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng xe tự hành thông minh cấp độ 4 Made-in-Vietnam đầu tiên tại Việt Nam sẽ góp phần định hướng tương lai cho ngành công nghệ tự hành tại Việt Nam, nội địa hóa các sản phẩm công nghệ, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm/giải pháp công nghệ cao theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu một cách hoàn hảo.”

Xe tự hành thông minh Phenikaa có hệ thống chuyển làn tự động, hệ thống nhận diện biển báo và người đi bộ, hệ thống định vị chính xác cao trong không gian sử dụng bản đồ 3D, chức năng phân tích quỹ đạo di chuyển của các xe xung quanh, chức năng tự động xây dựng và thay đổi đường đi tùy theo vị trí của vật cản và các xe di chuyển xung quanh.

Ngoài ra, hệ thống điều hành của xe còn có thể thiết lập lộ trình di chuyển và đặt vận tốc tối đa từ xa, chuyển chức năng lái giữa một cầu và hai cầu, cũng như tự động di chuyển vào khu vực đỗ xe. Đặc biệt, xe tự hoàn toàn không có tay lái nên không cần hệ thống trợ lái, chế độ tự hành được dễ dàng thực hiện khi người dùng có thể tương tác với xe thông qua phần mềm được thiết kế riêng biệt.

Đáng chú ý, đây cũng là một trong số ít các mẫu xe tự hành trên thế giới sở hữu các tính năng tự hành cấp độ 4 trên thang đo 5 cấp độ do Hiệp hội Kỹ sư Xe hơi (SAE) xây dựng. Hiện tại trên thế giới vẫn chưa có xe tự hành nào đạt được cấp độ 5.

Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tương lai, Tập đoàn Phenikaa nên nghiên cứu khả năng hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để hình thành dự án nghiên cứu về cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm đưa xe tự hành tham gia vào hệ thống giao thông.

Thành quả của cả hệ sinh thái ĐMST

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, mẫu xe tự hành đầu tiên này còn là một minh chứng cho thấy thành công của Phenikaa trong việc xây dựng một hệ sinh thái, trong đó có các viện nghiên cứu. Ông gọi đây là một “bước đi chậm rãi nhưng vững chắc.”

“Tôi vẫn còn nhớ thời điểm khi tôi đến tham dự sự kiện thành lập hai viện nghiên cứu của Phenikaa. Và chỉ trong vòng hơn hai năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự kiện, hội thảo, buổi làm việc của nhóm nghiên cứu thuộc hai viện này. Phenikaa đã hình thành nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn kết việc nghiên cứu với đào tạo, nghiên cứu cơ bản với ứng dụng thực tế”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo TS Lê Anh Sơn, mẫu xe tự hành này là sự nỗ lực cải tiến sản xuất và nghiên cứu phát triển của đội ngũ các nhà nghiên cứu, cũng như tận dụng và phát huy điểm mạnh của sự tương hỗ trong hệ sinh thái với ba trụ cột chính là doanh nghiệp – nghiên cứu khoa học – giáo dục và đào tạo.

TS Lê Anh Sơn bên cạnh mẫu xe tự hành thông minh. Ảnh: Phenikaa

Chia sẻ với phóng viên báo Khoa học và Phát triển, TS Lê Anh Sơn cho biết, nhóm nghiên cứu vẫn thường mời các nhóm sinh viên trong trường sang để nghiên cứu về hệ thống xe tự hành. “Chẳng hạn, sinh viên của Khoa Điện – Điện tử sẽ sang hỗ trợ làm các mạch điện liên quan của xe. Các bạn sinh viên ngay từ năm nhất, năm hai đã có thể tiếp cận ngay với những thiết bị công nghệ cao, cực kỳ đắt tiền, mà không phải nơi nào cũng có. Chính vì thế, các bạn rất thích thú và chủ động tìm hiểu chúng”.

Cũng theo ông, Đại học Phenikaa sắp tới sẽ phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Nagoya (Nhật Bản) tổ chức khóa học về xe tự hành cho các sinh viên xuất sắc.

“Chúng tôi hi vọng các sinh viên có thể hỗ trợ nhóm nghiên cứu của mình trong việc hoàn thiện chiếc xe trong thời gian tới”.

Hiện nay, trên thế giới, đã có rất nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi và công nghệ tham gia vào cuộc chạy đua phát triển xe tự hành, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Tesla, Honda, Google…

Tuy nhiên, tất cả các mẫu xe tự hành cấp độ 4 cho đến hiện tại vẫn mới chỉsử dụng thí điểm với số lượng giới hạn, tại một số khu vực nhất định, chứ chưa thể chạy trong thực tế.