Trước áp lực do sự bùng nổ dân số – dẫn tới nhu cầu thực phẩm gia tăng trong khi diện tích đất canh tác bị thu hẹp và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt – ngành nông nghiệp đang tìm kiếm động lực đổi mới nhờ công nghệ.

Thời gian qua, ngày càng nhiều hệ thống cảm biến và thiết bị IoT được sử dụng cho việc theo dõi, thu thập, phân tích dữ liệu (thời tiết, năng suất, thay đổi mùa vụ, …), cũng như để hỗ trợ giúp nâng cao hiệu quả của các giải pháp ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp (agritech) khác. Tất cả đang tạo nên một thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu, ước đạt 29,23 tỷ USD vào năm 2027.

Trong số những nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm bền vững, nuôi trồng thủy sản giành được rất nhiều kỳ vọng. Ngành này đã chứng kiến sản lượng tăng trưởng gấp 3 lần trong hai thập niên qua, song chi phí (thức ăn, năng lượng, nhân công, …) cũng leo thang chóng mặt, ... Điều này dẫn tới nhu cầu khai thác sức mạnh của công nghệ mới, nhất là các thiết bị IoT và học máy (machine learning) nhằm giúp người nuôi cải thiện hiệu suất hoạt động.

UMITRON, một startup chuyên về công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Singapore, gần đây đã ra mắt một hệ thống theo dõi nhu cầu ăn của cá biển nuôi theo thời gian thực (real time) đầu tiên trên thế giới, ứng dụng kỹ thuật trích xuất, phân tích hình ảnh video và học máy. Cùng với đó là một thiết bị cho ăn thông minh khác được quản lý từ xa qua smartphone, giúp người nuôi lên kế hoạch và định lượng cho ăn phù hợp.

UMITRON, startup đang nổi tại Singapore về công nghệ nuôi trồng thủy sản.

UMITRON, startup đang nổi tại Singapore về công nghệ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: UMITRON.

Với những đột phá trong lĩnh vực IoT, big data, viễn thám vệ tinh và AI, … UMITRON rất muốn hỗ trợ người nuôi thủy sản cải thiện hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro môi trường, và từ đó tăng trưởng lợi nhuận.

Giống như nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác, nuôi trồng thủy sản cũng đối mặt với vô số rủi ro thiên tai hay thời tiết khắc nghiệt. Quadlink, một startup tại Đài Loan chuyên về giải pháp IoT đã phát triển một hệ thống giám sát chất lượng nước theo thời gian thực, kếtt nối với đám mây và tự động gửi báo cáo đến ứng dụng trên smartphone cứ 5 phút một lần, giúp người nuôi nắm bắt chính xác tình hình để có quyết định phù hợp, từ đó giảm thiểu rủi ro và chi phí. Ngoài ra, hệ thống còn có thêm chức năng thu thập, phân tích dữ liệu và đưa ra dự báo liên quan đến chu kỳ sinh sản của cá.

Hệ thống theo dõi chất lượng nước theo thời gian thực của Quadlink được triển khai trong thực tế.

Hệ thống theo dõi chất lượng nước theo thời gian thực của Quadlink được triển khai trong thực tế. Ảnh: Quadlink.

Giám đốc Quadlink, ông Cheng-Hsun Tsai tuyên bố giải pháp của công ty chỉ có chi phí bằng một phần mười so với các đối thủ. Điều này đem lại lợi thế cạnh tranh lớn, giúp công ty tiến công vào thị trường Đông Nam Á. Hiện tại, công nghệ của Quadlink đã được triển khai tại một số điểm nuôi trồng thủy sản ở Brunie, Sumatra (Indonesia), Philippines, Myanmar, … bên cạnh triển vọng mở rộng sang Malaysia và Việt Nam.