Đứng xem chương trình Saigon Code Tour (SCT) – một nỗ lực của các nhà tuyển dụng nhân tài để “tấn công” vào kho tàng tài năng công nghệ thông tin đang còn trải nghiệm sự tự do bên ngoài doanh nghiệp, mới hiểu vì sao “giá” của lập trình viên tại Việt Nam đang… tăng chóng mặt…

Chương trình Saigon Code Tour (SCT)
Chương trình Saigon Code Tour (SCT)

Từ “code dạo”

Sáng thứ bảy, ở tầng cao nhất của một khách sạn bên sông Hàn, Đà Nẵng, mấy mươi người trẻ, nam có, nữ có, gặp nhau trong một… quán bar, và tham dự cuộc thi với tiêu chí: “code dạo”. À, đó là Saigon Code Tour, năm nay tấn công ra tới miền Trung để săn nhân tài. VNG – đơn vị chủ xướng chương trình này, tạo ra một môi trường thi lập trình khác hẳn với những cuộc thi lập trình khác, từ cách tổ chức đến cách tìm người tham dự.

Những người code dạo – được định nghĩa là lực lượng nhân sự ngành công nghệ thông tin đủ tự tin để không muốn phụ thuộc vào bất cứ doanh nghiệp nào. Họ nhận dự án thông qua các mối quan hệ có sẵn, hoặc từ những platform giao việc khác nhau trên thế giới, thương lượng giá cả, lập nhóm, và tận hưởng sự tự do của việc “code dạo”. Họ ngồi lỳ ở quán cà phê, cắm mặt thâu đêm ở co-working space vào lúc cao điểm hay ung dung nhàn hạ ngồi code bên bờ biển.

Cuộc chơi SCT nhắm tới việc “khai thác” nhóm tài năng này. Nên dù vẫn mang tính học thuật, nhưng vẫn giữ cho mình đúng chất “code dạo.” Cuộc thi đưa các code ra khỏi văn phòng và khám phá các điểm mới lạ và tính kết nối thông qua những hoạt động thú vị. Không còn khô khan, lặng lẽ, mà mang nhiều cảm hứng khi ngồi code trong một quán bar, dù là buổi sáng…. Không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, trong năm đầu tiên, SCT đã thu hút hơn 200 bạn trẻ. Các thí sinh đến từ khắp các trường đại học, trung học phổ thông và cả các lập trình viên từ 1 đến 2 năm kinh nghiệm.

Đến cuộc chiến nhân lực IT

Thiếu hụt nhận sự luôn là một bài toán nan giải cho thị trường IT. “Vietnam tech talent” được tính bằng con số 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Nhưng “công nhân bậc cao” thì nhiều “kỹ sư công nghệ thông tin” thì thiếu vẫn hoàn thiếu. Mặc dù, xu hướng lương thưởng và phúc lợi đang được tăng mạnh trong ngành. Theo “Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân sự IT Việt Nam” Quý 4 2018 được thực hiện bởi TopDev – nền tảng tuyển dụng IT, dự đoán rằng trong năm 2019 - 2020, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 70.000 đến 90.000 nhân sự IT.

Cứ ngồi nói chuyện với “dân trong nghề”, sẽ nghe những lời tán thán: “Cái gì mà sinh viên mới ra trường lương đã 15 triệu? Rồi ba năm sau đã lên tới hai ngàn đô? Vậy mà cứ suốt ngày bị cướp người…”. Các công ty lớn giành người. Các công ty nhỏ ra sức giữ người. Và các công ty quốc tế còn… dã man hơn khi xông vô “mua” toàn bộ một đội ngũ IT đã thành thục việc hợp tác với nhau.

Vậy nên, với sự mất cân bằng giữa cung và cầu, “cuộc chiến” thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành công nghệ thông tin ngày càng trở nên gay gắt hơn. Nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương cao hơn thị trường, cùng với rất nhiều phúc lợi để chiến thắng trong cuộc chiến này. Một nhân sự IT mới ra trường có thể có được mức lương hơn 500 USD. Thậm chí, mức lương cho các lập trình viên trong các ngành “hot” như Cloud Computing, Big Data hay AI có thể dao động từ 1400 USD – 1700 USD.

Lại nhớ nhóm những “digital nomads” – những kẻ du mục thời kỹ thuật số, đi vòng quanh thế giới, vừa đi vừa làm việc. Họ đến Đà Nẵng đông lắm, và làm sôi động hơn nhiều cái cộng đồng code dạo vốn rất lặng lẽ nơi đây. Giờ, cuộc chiến nhân tài đã tấn công sự tự do của họ, bắt đầu một câu chuyện hay…

Năm 2019, dưới sự hợp tác với Google Develop Group MienTrung, sự kiện đã được đưa ra khỏi Sài Gòn và đến với thành phố Đà Nẵng. Các code tại miền Trung được tham gia các hoạt động kết nối giữa các vòng thi. Vòng 1 là nhảy flashmob giữa giờ nhằm đo độ tập trung của các thí sinh và vòng 2 là các trò chơi vận động như ném bóng rổ, leo núi mô hình,... khá tốn sức các thí sinh trước cuộc thi. Đề bài cho mỗi vòng cũng mang các chủ đề mới và gần gũi với thực tế cuộc sống. Chủ đề vòng 1 về phim. Vòng 2 là xây dựng sự sống ngoài Trái đất và vòng 3 là chủ đề về game.

Trải qua vòng 3, sự kiện đã tìm ra nhà vô địch “code dạo” của SCT tại Đà Nẵng. Đó là Lê Phước Định, 20 tuổi, sinh viên trường Southern Methodist University (Mỹ). Chuẩn bị bước vào năm học thứ 2, chàng sinh viên khoa Khoa học Ứng dụng máy tính đăng kí tham gia chương trình SCT tại Đà Nẵng khi về Việt Nam nghỉ hè. “Đây là lần đầu tiên em trải nghiệm một cuộc thi kiểu này”, Định chia sẻ.

Bên cạnh đó, chương trình cũng tìm ra hai quán quân là Trần Lê Nguyên Vũ, 25 tuổi và bạn Đoàn Phú Đức, 20 tuổi, sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Cả ba sẽ cùng tham dự vòng chung kết tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25-7, được diễn ra trên du thuyền Saigon Princess Cruise.