Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) là một mô hình mới ứng dụng công nghệ giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế giám sát, điều hành các hoạt động kinh tế-xã hội và tương tác với người dân.

Ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0.

Thành lập vào ngày 26/12/2018, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử của tỉnh, IOC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trung tâm IOC trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, tất cả các hoạt động đầu tư hệ thống cảm biến phục vụ cho dịch vụ đô thị thông minh của các ngành đều kết nối, truyền dữ liệu về Trung tâm IOC, từ đó sử dụng công nghệ để chia sẻ và phân quyền cho các ngành, là cơ sở quan trọng để hình thành kho dữ liệu lớn, áp dụng giải pháp Big Data.

Toàn bộ hình ảnh từ hệ thống camera sẽ được chuyển về Trung tâm IOC để có thể giám sát nhiều vấn đề trong đô thị | Ảnh: IOC
Toàn bộ hình ảnh từ hệ thống camera sẽ được chuyển về Trung tâm để có thể giám sát nhiều vấn đề trong đô thị | Ảnh: IOC

Để đáp ứng yêu cầu, Trung tâm IOC đã ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 bao gồm: IoT kết nối vạn vật trong việc kết nối các sensor, camera giám sát; Hệ thống quản lý dữ liệu video và phân tích hình ảnh cho phép hiển thị Video Wall dưới dạng lưới thông qua việc tích hợp toàn bộ camera của tỉnh; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phân tích từ ngữ và dữ liệu phục vụ giám sát bảo mật, an toàn thông tin, giám sát thông tin báo chí, thông tin truyền thông trên không gian mạng và hỗ trợ tra cứu, trả lời tự động phục vụ người dân; Hệ thống phân tích dữ liệu lớn Big Data để cung cấp các báo cáo, thống kê phục vụ lãnh đạo tỉnh ra các quyết định.

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Tryền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, thông qua thực tiễn, Trung tâm IOC đã xây dựng và triển khai quy trình vận hành thông qua 3 quy trình chính: xử lý có thời gian; xử lý tức thời, và hỗ trợ chỉ huy.

Tất cả các quy trình đều được vận hành trên nền bản đồ số, thông qua đó, các nguồn lực được hiển thị trực quan nhằm hỗ trợ cho công tác điều hành, điều phối, chỉ huy như: Hệ thống camera; cơ quan nhà nước, cơ sở y tế, công an, họng nước cứu hỏa và nhiều nguồn lực khác.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện tại đã lắp đặt 102 camera giám sát, dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng con số này lên 1.000 chiếc và tiến tới xã hội hóa, huy động sự tham gia từ doanh nghiệp và người dân tự động lắp đặt camera để tiến hành giám sát.

Áp dụng công nghệ AI giúp Trung tâm IOC phát hiện và cảnh báo các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông | Ảnh: IOC
Áp dụng công nghệ AI giúp Trung tâm IOC phát hiện và cảnh báo các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông | Ảnh: IOC

Toàn bộ các camera an ninh cùng hệ thống camera giao thông được kết nối với nhau tạo thành hệ thống cảm biến camera.

Trên cơ sở dữ liệu hình ảnh từ hệ thống cảm biến camera, thực hiện xử lý hình ảnh thông minh qua thuật toán nhận diện giúp tìm kiếm các đội tượng nghi vấn, phát hiện và tự động cảnh báo kẹt đường hay các hành vi vi phạm pháp luật như: tụ tập đám đông gây mất trật tự xã hội và xâm nhập khu vực cấm…

Trong trường hợp phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ phát hiện các nguồn lực quanh địa điểm vi phạm như cơ quan nhà nước, công an, bệnh viện... và tự động nhận diện, phân tích ghi nhận toàn bộ dữ liệu vi phạm làm căn cứ cho cơ quan chuyên môn tiến hành xử phạt nguội.

Camera tại Trung tâm IOC hỗ trợ giám sát, theo dõi vị trí, tình hình cháy rừng trong đợt nắng nóng gay gắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những tháng vừa qua | Ảnh: IOC
Camera tại Trung tâm IOC hỗ trợ giám sát, theo dõi vị trí, tình hình cháy rừng trong đợt nắng nóng gay gắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những tháng vừa qua | Ảnh: IOC

Kết hợp với ứng dụng phản ánh hiện trường đa chức năng

Bên cạnh hệ thống các sensor, camera giám sát, thông qua ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động với tên gọi Hue-S, người dân, doanh nghiệp, du khách có thể gửi các phản ánh về những bất cập trong đời sống xã hội trên toàn diện các lĩnh vực. Phản ánh sẽ được Trung tâm IOC xác minh và chuyển về các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý theo quy trình điện tử và tức thời.

Kết quả xử lý của cơ quan chuyên môn sẽ được công bố trên cổng thông tin tương tác duy nhất toàn tỉnh qua địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn.

Trên cơ sở đó, người phản ánh cũng có thể tương tác với kết quả và đánh giá mức độ hài lòng của kết quả xử lý của cơ quan nhà nước một cách công khai.

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng S-Huế dành cho người dân | Ảnh: IOC
Hướng dẫn sử dụng ứng dụng S-Huế dành cho người dân | Ảnh: IOC

Cùng với việc người dân tương tác, gửi phản ánh hiện trường về Trung tâm IOC thì ứng dụng Hue-S cũng gửi những cảnh báo nhanh cho người dân như: địa điểm kẹt đường, hỏa họa, tai nạn, ngập lụt, kế hoạch mất điện, tình hình tội phạm trên địa bàn.

Không chỉ giám sát ở các lĩnh vực trên, hiện nay Trung tâm IOC còn giám sát ở các lĩnh vực khác như thông tin báo chí địa phương, dịch vụ hành chính công, quảng cáo điện tử. Và trong thời gian tới, Trung tâm sẽ được tích hợp thêm để giám sát toàn diện ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông và môi trường... nhằm đẩy nhanh tiến trình giúp Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (eGOV) được tổ chức tại Huế vào ngày 26/7 sắp tới, Trung tâm IOC sẽ được chính thức công bố chiều ngày 25/7 trước đó.

Vừa qua, Dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đoạt giải cho hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Giải thưởng Viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tại Thừa Thiên - Huế do Viettel triển khai và đưa vào vận hành từ 2018. Đây là dự án được Viettel xây dựng theo yêu cầu và đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế và cũng chính là điểm nổi bật của dự án được Telecom Asia Awards 2019 ghi nhận. Đây là giải thưởng thường niên lâu đời nhất khu vực châu Á từ năm 1997 về lĩnh vực viễn thông.