Startup INKR, có trụ sở chính tại Singapore và văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, vừa công bố thu về 3,1 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A do quỹ đầu tư Monk's Hill Ventures dẫn đầu.

Các nhà sáng lập của INKR | Nguồn: e27
Các nhà sáng lập của INKR (từ trái qua): Khoa Nguyễn, Hiếu Trần và Ken Lương| Nguồn: INKR

Khoản tài trợ này sẽ được dùng để tăng danh mục nội dung của INKR, mở rộng việc phát triển sản phẩm, tiếp thị để phát triển cơ sở người dùng, và thu hút nhân tài.

INKR do Khoa Nguyễn, Hiếu Trần và Ken Lương sáng lập với mong muốn xây dựng một nơi mà người sáng tạo có thể đưa truyện tranh của họ đến với bất kỳ độc giả nào trên thế giới. Công ty đặt trụ sở chính tại Singapore và văn phòng tại TP Hồ Chí Minh. Kể từ khi ra mắt vào tháng 10/2020, lượng người dùng của INKR tăng trung bình mỗi tháng 200% - công ty cho biết.

"Không phải ai cũng có thể thưởng thức truyện tranh một cách dễ dàng và chính thống do chi phí bản địa hóa quá cao và quy trình cấp phép phức tạp đối với những người sáng tạo nội dung và nhà xuất bản. Vì vậy, chúng tôi muốn thay đổi điều đó," CEO Ken Lương nói.

Trọng tâm của nền tảng INKR là các công nghệ bản địa hóa nhờ sử dụng AI, giúp giảm thời gian chuẩn bị truyện cho các thị trường khác nhau từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ.

"Bản địa hóa truyện tranh không chỉ là dịch thuật. Đây là một quá trình tốn thời gian với nhiều bước liên quan đến nhiều người như xử lý tệp, phiên âm, dịch thuật, sắp chữ, hiệu ứng âm thanh, kiểm soát chất lượng, v.v.," Ken Lương chia sẻ.

Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng phải tính đến sự khác biệt giữa các phong cách truyện tranh trên toàn thế giới, bao gồm truyện tranh Nhật Bản (manga), truyện tranh Trung Quốc (manhua), truyện tranh Hàn Quốc (manhwa), truyện tranh Mỹ (comics, graphic novel). Ví dụ: truyện comics có thể được trình bày theo cách lật từng trang hoặc cuộn dọc từ trên xuống; một số truyện tranh phải đọc từ trái sang phải, trong khi số khác phải đọc từ phải sang trái.

Ken Lương cho biết, công cụ AI của công ty với tên gọi INKR Comics Vision có thể nhận ra các định dạng và yếu tố khác nhau trên một trang truyện tranh, bao gồm văn bản, đối thoại, nhân vật, nét mặt, hình nền và bảng điều khiển. Trong đó, công cụ dành cho người dịch mang tên INKR Localize sẽ giúp các dịch giả làm việc nhanh và chính xác hơn nhờ tự động hóa các tác vụ như phiên âm văn bản, đề xuất từ vựng và sắp chữ.

Vì công việc bản địa hóa truyện tranh thường do các nhóm dịch có thành viên ở nhiều nơi khác nhau thực hiện, nên INKR cũng cung cấp cho họ một phần mềm cộng tác trên trình duyệt. Phần mềm này đang hỗ trợ dịch ngôn ngữ Nhật-Anh, Hàn-Anh và Trung-Anh. Một số nhà xuất bản lớn như Kuaikan Manhua và Mr. Blue đã sử dụng INKR để dịch hàng ngàn chương truyện tranh từ tiếng Trung và tiếng Hàn sang tiếng Anh.

INKR cũng cho phép những người sáng tạo nội dung lựa chọn các mô hình kiếm tiền khác nhau trên nền tảng, bao gồm quảng cáo trả tiền (ad-supported), đóng trước (subscription) hoặc trả tiền cho mỗi chương truyện (pay-per-chapter). Theo CEO Lương, nền tảng sẽ phân tích các nội dung để nhà xuất bản biết mô hình nào sẽ tối đa hóa doanh thu của họ và INKR sẽ nhận một tỷ lệ phần trăm doanh thu được tạo ra.

INKR đang cạnh tranh với các nền tảng truyện tranh kỹ thuật số khác như Comixology của Amazon hay Webtoon của tập đoàn Naver.

Lương nói rằng lợi thế cạnh tranh của INKR là truyện tranh đa dạng và giá cả phải chăng. Trước khi chính thức ra mắt, công ty đã đầu tư vào các công nghệ dữ liệu và AI cho cả độc giả và nhà xuất bản. Ví dụ, người dùng sẽ được cá nhân hóa đề xuất dựa trên thói quen đọc, còn nhà xuất bản có thể phân tích hiệu quả xuất bản bằng cách theo dõi các tựa truyện đang có xu hướng phổ biến.

Ông Justin Nguyen, thành viên hợp danh của quỹ Monk's Hill Ventures, cho biết, “Nền tảng độc quyền dựa trên AI của INKR đang giải quyết những nỗi đau cho người sáng tạo và nhà xuất bản cần chuyển sang số hóa, toàn cầu hóa – đó là việc bản địa hóa ngôn ngữ một cách nhanh chóng và tiết kiệm nhất, đồng thời giúp nâng cao phạm vi tiếp cận độc giả nhờ việc phân tích và cập nhật dữ liệu được cá nhân hóa thông minh. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với họ để giải khát nhu cầu khổng lồ về dịch truyện tranh trên toàn cầu.”

Hiện INKR đang hợp tác với hơn 70 nhà sáng tạo và xuất bản nội dung, bao gồm FanFan, Image Comics, Kodansha USA, Kuaikan, Mr. Blue, SB Creative, TokyoPop và Toons Family. Họ cũng đã có hơn 800 tựa đề truyện tranh thuộc nhiều thể loại manga, webtoon và tiểu thuyết đồ họa mà người đọc có thể đọc trực tiếp trên app INKR Comics.

Theo ước tính, thị trường truyện tranh điện tử hiện nay có thể lên tới 10 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường sách truyện truyền thống chỉ ở mức 4 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ 3,3% trong giai đoạn 2022-2027.

Nguồn: