Nhìn lại doanh nghiệp sau một năm Covid-19, các chuyên gia kinh tế của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng khu vực doanh nghiệp của Việt Nam trong những năm tới cần có thay đổi mô hình kinh doanh để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.

Đại dịch thúc đẩy năng lực cạnh tranh

Một trong những phát hiện quan trọng nhất là đại dịch Covid-19 không tác động đồng đều đến các doanh nghiệp: một số bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với số khác. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp trẻ chưa đầy ba năm tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Doanh nghiệp Việt cũng hồi phục không đồng đều sau hai đợt bùng phát dịch Covid-19.

Sản xuất trang phục là 1 trong 5 nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất do Covid-19. Ảnh: Báo Công thương

Tuy vậy, có hai điểm tích cực trong bức tranh doanh nghiệp năm 2020. Thứ nhất, báo cáo của VCCI cho thấy trên 90% các công ty đã có biện pháp chủ động ứng phó với đại dịch. Dù áp dụng một hay nhiều biện pháp, họ cũng đã chứng tỏ khả năng chống chịu và thích nghi với hoàn cảnh của mình.

Những doanh nghiệp còn tồn tại đã phải trải qua nhiều cú sốc và đối mặt với tình huống chưa từng biết tới. Để tìm được đường sống, các doanh nghiệp này đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, đào tạo lại nguồn lao động hoặc chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa. Đại dịch Covid-19, về một mặt nào đó, đã khiến các doanh nghiệp buộc phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Mặc dù báo cáo của VCCI đề cập đến 87% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng nó cũng cho thấy một lượng nhỏ 2% doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội rõ ràng từ các thị trường này. Nếu đi vào một số ngành cụ thể thì con số này sẽ lớn hơn. Và một số doanh nghiệp – khoảng 11% - cho biết không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nghĩa là họ có khả năng quản trị rủi ro tốt và đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kì hoàn cảnh nào.

Đặc biệt, việc ứng dụng các nền tảng số được xem như nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp thích nghi. Đã có gần 60% doanh nghiệp cho biết đang áp dụng hoặc tăng cường sử dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, theo dữ liệu “Khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19 (BPS)” do WB thực hiện lần hai vào tháng 9-10/2020. Kết quả khảo sát BPS về nền tảng số lần thứ nhất vào tháng 4-6/2020 cho thấy mức tăng lớn (46%) trong việc ứng dụng các nền tảng số ở doanh nghiệp.

“Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã tăng tốc nhanh hơn. Trước khủng hoảng, Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác, nhưng hiện nay đã không còn như vậy”, ông Jacques Morrisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận xét tại lễ công bố báo cáo của VCCI ngày 12/3.

Sau một năm Covid-19, doanh nghiệp đã áp dụng một loạt công cụ số hóa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường áp dụng nền tảng số cho các quy trình nghiệp vụ đơn giản, trong khi các doanh nghiệp lớn có xu thế ứng dụng nền tảng số vào các công đoạn phức tạp hơn. Về tổng thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần bắt kịp những doanh nghiệp lớn về đầu tư vào các nền tảng số.

Việc tăng tốc chuyển đổi số cũng mở ra cánh cửa cho nền kinh tế số mới của Việt Nam. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2020 của Việt Nam chỉ ở mức một con số, nhưng bản thân nền kinh tế số đã tăng trưởng từ 30-35%. Trong tổng thể nền kinh tế vẫn có những khu vực bứt phá mạnh mẽ như vậy. Do đó, ông Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 về trung và dài hạn sẽ có tác động rất lớn đến việc tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp của Việt Nam.

Nếu tận dụng tốt các cơ hội đại dịch mang lại, trong vòng 5 năm nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn. Những doanh nghiệp không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và không thay đổi mô hình kinh doanh của mình sẽ phải rút lui khỏi thị trường, nhường chỗ cho những đối thủ năng động và có khả năng điều chỉnh tốt hơn.

Khu vực công đang nỗ lực thay đổi

Đại dịch Covid-19 cũng đã khiến khu vực công thực thi những chính sách mà trước đây chưa từng có và chứng minh được rằng hoàn toàn có thể thực hiện được một chính sách tốt mang lại lợi ích nếu có cách triển khai hợp lý.

Chẳng hạn lĩnh vực đầu tư công đã chứng kiến mức giải ngân chưa từng có - đạt 82% kế hoạch – con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này đã từng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định là “kết quả của sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ nhằm tạo ra kích cầu đầu tư”. So với năm 2019, một lượng vốn lớn gần 390 nghìn tỷ đồng đã được đưa vào lưu thông trong năm 2020 để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ điện tử cũng được coi là điểm sáng của năm 2020, khi nó mang lại lợi ích trực tiếp từ việc giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 vẫn được đánh giá là cần cải thiện. Khảo sát của VCCI cho thấy, đối với doanh nghiệp, các chính sách gia hạn về thuế là dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động được xếp vào dạng khó tiếp cận nhất. Đa số 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích, nhưng việc thực thi có phần hạn chế. Các doanh nghiệp kì vọng những chính sách này vẫn có thể được kéo dài thêm ít nhất một năm nữa.

Trong thời kì khó khăn, vốn đối với doanh nghiệp không khác gì dòng máu nuôi cơ thể, nhưng nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được các điều kiện tiếp cận tín dụng hoặc thậm chí không biết tới thông tin.

“Rõ ràng, những chính sách phù hợp với quy luật hoạt động của thị trường đã phát huy hiệu quả, trong khi những chính sách không hoàn toàn phù hợp với thị trường đã không thể phát huy”. ông Lê Duy Bình nhận xét. Theo ông, đây là chỉ dấu quan trọng cho việc thiết kế và thực thi các chính sách công hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, việc thay đổi cách tiếp cận chính sách công sẽ là bài toán lớn đặt ra cho khu vực quản lý trong thời điểm hiện tại. Nhà nước cũng sẽ cần đưa ra các sáng kiến thích hợp để triển khai những chính sách khác về an sinh xã hội và hỗ trợ cho khu vực kinh tế phi chính thức - vốn không được xếp vào khu vực “doanh nghiệp” và đang đứng bên lề mọi sự trợ giúp.