Nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã chế tạo màng cellulose vi khuẩn trị bỏng dạng khô đầu tiên ở Việt Nam, chỉ cần sử dụng một lần duy nhất trong quá trình điều trị bỏng.
Có nhiều loại vật liệu phủ khác nhau được sử dụng để điều trị bỏng và các chấn thương da. Chức năng chính của các loại vật liệu này chủ yếu để duy trì độ ẩm; hấp thu dịch tiết; duy trì trao đổi khí; ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn, vi nấm,…
Cellulose vi khuẩn có dạng vi sợi, kết hợp với nhau thành các bó sợi, với kích thước nhỏ hơn nhiều so với cellulose thực vật. Khả năng ngậm nước của cellulose vi khuẩn khá cao (96 – 98,2%), độ dẻo, co giãn, đàn hồi tốt và không độc hại. Vì vậy, cellulose vi khuẩn đáp ứng gần hết các tiêu chí cần thiết cho vật liệu phủ trị bỏng.
Việt Nam đã có một số nghiên cứu về màng trị bỏng, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm màng trị bỏng nào từ cellulose vi khuẩn ra mắt trên thị trường. Các nghiên cứu chủ yếu sử dụng màng cellulose vi khuẩn dạng ướt tẩm hoạt chất, chưa thể sản xuất ở quy mô công nghiệp. Hướng nghiên cứu tẩm các hoạt chất bọc liposome (hay những túi nhân tạo nhỏ dạng hình cầu, được tạo ra từ cholesterol và các phospholipid tự nhiên không độc hại, gần giống với cấu trúc của màng tế bào) ở dạng nano, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ liền vết thương, ly giải chậm trúng đích, theo từng giai đoạn phục hồi của vết thương vào màng cellulose vi khuẩn, cũng chưa được triển khai.
Với mong muốn chế tạo màng trị bỏng dạng khô từ cellulose vi khuẩn tẩm thuốc ly giải chậm, nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo màng trị bỏng từ cellulose vi khuẩn tẩm thuốc nhả chậm dạng liposome”.
Nhóm tác giả tập trung vào phương pháp thay đổi cấu trúc sau sinh tổng hợp màng cellulose vi khuẩn từ chủng Komagataeibacter nataicola BC – B0007 (K. nataicola) để tạo vật liệu phủ trị bỏng dạng màng khô.
Cụ thể, từ chủng K. nataicola, nhóm đã chế tạo được màng cellulose vi khuẩn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm vật liệu trị bỏng theo TCVN 6912:2021, tương ứng với màng sinh học chitin, có tác dụng che phủ các vết thương trên da người như bị bỏng, tổn thương da, mất da, loét hoại tử.
Nhóm tác giả cũng nghiên cứu thuốc SLNs@CurMerk nhả chậm (sử dụng SSD nồng độ 0,5% và chất béo rắn SLNs bọc curcumin để kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, nhả chậm thuốc, kích thích tăng sinh và lành thương nhanh), để tẩm lên màng cellulose vi khuẩn.
Thử nghiệm khả năng trị bỏng của màng cellulose vi khuẩn trên chuột nhắt trắng cho thấy, thời gian lành nhanh hơn trung bình từ 3 - 4 ngày so với lô đối chứng điều trị màng thương mại (Urgotul). Thời gian lành trung bình của màng cellulose vi khuẩn do nhóm chế tạo là 9 - 10 ngày đối với bỏng trung bì nông. Khi vết bỏng lành trên 95%, màng tự bong ra.
Theo nhóm tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về màng cellulose vi khuẩn trị bỏng dạng khô. Màng ít bám dính lên bề mặt vết thương, tương hợp sinh học, không gây kích ứng da, không cần băng gạc bao bên ngoài và giúp vết thương nhanh lành, ít để lại sẹo. Đặc biệt, màng chỉ sử dụng một lần duy nhất trong quá trình điều trị bỏng, nên không gây đau đớn cho bệnh nhân khi mỗi lần thay băng (băng gạc trị bỏng trên thị trường thay sau 2 – 3 ngày điều trị).
Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo chất lượng ổn định, thử nghiệm đánh giá hiệu quả, để phát triển ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm.