Nhóm tác giả ở Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã nghiên cứu, điều chế sản phẩm hydrogel, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, nhanh phục hồi da tổn thương, mở ra hướng điều trị mới cho vết thương loét ở bệnh nhân đái tháo đường.

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa tăng lượng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai, đặc trưng bởi mức đường huyết gia tăng ở trạng thái đói hoặc sau khi sử dụng glucose trong thử nghiệm về mức dung nạp glucose qua đường miệng.

Tại Việt Nam hiện nay, số lượng người bị đái tháo đường đang tăng lên nhanh chóng, hiện chiếm khoảng 5,4% dân số (tương đương hơn 5 triệu người). Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, tỷ lệ này lên đến 10-12, thậm chí gần 15%. Bệnh thường dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, loét chân, tim mạch… trong đó, loét chân chiếm khoảng 25%.

Ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, những vết lở loét thường rất khó chữa do khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể kém. Bên cạnh đó, bệnh nhân có hàm lượng đường trong máu cao, nên môi trường do vết thương tạo ra giàu dinh dưỡng, thu hút sự phát triển của các loại vi khuẩn.

Hiện có nhiều phương pháp trị liệu khác nhau để điều trị chứng loét chân, bao gồm sử dụng vật liệu tương đương da người để ghép da, trong đó, vật liệu sinh học thay thế da tạm thời là một trong những hướng tiếp cận mới. Những vật liệu có nguồn gốc sinh học (da đồng loại, da dị loại, các màng sinh học,...) được dùng để che phủ vết loét một cách tạm thời, nhằm tạo ra một lớp ngăn cách thích hợp nhất về mặt sinh lý giữa bề mặt vết loét và môi trường bên ngoài. Hiện nay, tại Việt Nam đã có những cơ sở sử dụng các sản phẩm này để điều trị loét bàn chân. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu này có chi phí cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều bệnh nhân.

Hydrogel là một loại polymer có cấu trúc không gian ba chiều, thành phần chủ yếu là nước (chiếm 95%), có thể tạo lớp màng, cách ly sự tiếp xúc của vùng bị thương với môi trường bên ngoài, ngăn ngừa khả năng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, hydrogel có khả năng giữ nước cao, lên đến 200% so với trọng lượng. Vì vậy, hydrogel cung cấp một môi trường ẩm cho vết thương, thấm hút các dịch do vết thương tiết ra. Đồng thời, tạo áp lực lên bề mặt vết thương, kích thích sự tăng sinh của nguyên bào sợi, thúc đẩy quá trình tái tạo collagen và hình thành mao mạch mới, giúp cho vết thương mau lành. Đặc biệt, hydrogel có thể loại bỏ một cách dễ dàng, không gây đau đớn cũng như tổn thương phần mô mềm mới tái tạo tại vùng vết thương.

n
Thử nghiệm hợp chấthydrogel hoạt tính trên chuột đái tháo đường Ảnh: NNC

Trong nước, đã có một số nghiên cứu về hydrogel làm màng băng vết thương, trong điều trị bỏng. Tuy nhiên, với nghiên cứu về hydrogel điều trị vết thương ở bệnh nhân đái tháo đường còn khá mới. Nhận thấy những ưu thế của vật liệu sinh học, nhóm tác giả Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu điều chế Hydrogel đa chức năng ứng dụng hỗ trợ điều trị vết thương bệnh lý đái tháo đường”.

Sử dụng các hóa chất như chitosan, sodium Alginate, quecertin, L-arginine…, nhóm nghiên cứu đã điều chế hợp chất composite hydrogel, chứa các hoạt chất quecertin và resveratrol (kháng oxi hóa, kháng viêm, kháng khuẩn), L-glutamic (tiền tố tổng hợp collagen), L-arginine (tham gia quá trình dãn mạch vết thương, kích thích sự phát triển của mạch máu tại vết thương).

Đánh giá hiệu quả hỗ trợ vết thương trên mô hình chuột đái tháo đường cho thấy, hydrogel mang các hoạt chất trên, có hiệu quả chữa lành tương đương với sản phẩm thương mại gel Regranex sau 14 ngày điều trị. Sản phẩm cũng có hiệu quả kháng viêm, giảm nhiễm khuẩn trên vết thương, tương đương Regranex và không gây kích ứng nào khi thử nghiệm trên da thỏ sau 7 ngày bôi liên tục.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Quyển, chủ nhiệm đề tài, sản phẩm được tạo thành từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, góp phần làm giảm giá thành so với các sản phẩm ngoại nhập nhưng có hiệu quả hỗ trợ điều trị tương đương.

Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay.