Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans, các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã thu hút được 855 triệu USD từ 85 thương vụ trong năm 2022 - giảm so với 1,44 tỷ USD từ 165 thương vụ trong năm trước.

Hoạt động đầu tư vào các startup giai đoạn đầu vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhưng tổng giá trị đầu tư giảm đáng kể là do không có nhiều thương vụ rót vốn lớn vào các startup ở giai đoạn cuối, Điều này cho thấy thị trường đang thiếu các doanh nghiệp có khả năng mở rộng mặc dù dòng tiền dự trữ của các quỹ đầu tư vẫn còn rất dồi dào.

Báo cáo nhận định, ở giai đoạn đầu, nhà đầu tư có xu hướng hỗ trợ các công ty hiện có trong danh mục thay vì đánh cược vào những gương mặt mới.Đồng thời, nhà đầu tư cũng đang xem xét nghiêm túc khả năng sinh lời của doanh nghiệp để thoái vốn.

Thương mại điện tử (e-commerce) vẫn chiếm phần lớn nhất với 17 thương vụ trị giá 161,6 triệu USD, tương đương 31% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là công nghệ tài chính (fintech) với 13 thương vụ trị giá 138 triệu USD, tương đương 26%; và logistics và vận tải với 6 thương vụ trị giá 75,5 triệu USD trong 6 thương vụ, tương đương 15%.
Cơ cấu vốn đầu tư mạo hiểm theo ngành vào Việt Nam năm 2022. Ảnh: Nextrans
Cơ cấu vốn đầu tư mạo hiểm theo ngành vào Việt Nam năm 2022. Ảnh: Nextrans

Công nghệ giáo dục (Edtech) và công nghệ y tế và chăm sóc sức khỏe (Medtech & Healthcare) lần lượt chiếm 6% và 5% tổng vốn đầu tư.

Các giao dịch công nghệ thực phẩm (foodtech), công nghệ bất động sản (proptech) và phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) chiếm tổng cộng 8%.

Các giao dịch của những ngành khác - bao gồm truyền thông, blockchain và du lịch - chiếm 9% còn lại.

Từ quý 2/2022, các khoản đầu tư vào startup giai đoạn cuối (thuộc series B) chịu nhiều áp lực. Giá trị trung bình cho các vòng này đã giảm do môi trường gây quỹ gặp khó khăn và sự thận trọng của nhà đầu tư ngày càng tăng do ảnh hưởng của những thách thức kinh tế vĩ mô, Nextrans cho biết.
Tổng số tiền đầu tư (tính bằng triệu USD Mỹ) và số lượng giao dịch giữa các công ty khởi nghiệp Việt Nam vào năm 2022. Ảnh do Nextrans cung cấp.
Tổng số tiền đầu tư (tính bằng triệu USD Mỹ) và số lượng giao dịch giữa các công ty khởi nghiệp Việt Nam vào năm 2022. Ảnh: Nextrans

Xu hướng tìm vốn vay

Báo cáo của Nextrans còn chỉ ra, năm 2022 bắt đầu chứng kiến nhu cầu vay tín dụng từ các startup tăng cao. Dưới áp lực điều chỉnh định giá cao như hiện nay, nhiều công ty khởi nghiệp có xu hướng chọn cách bảo đảm nguồn tài chính từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân thay vì gọi vốn cổ phần từ các quỹ mạo hiểm để ngăn chặn việc giảm định giá qua các vòng. Về nguyên tắc, các công ty sẽ khó gọi vốn vòng sau hơn nếu định giá của họ tại thời điểm đó thấp hơn định giá ở vòng gọi vốn trước.

Một trong những thương vụ nổi bật là khoản vay 60 triệu USD của Be Group từ ngân hàng Deutsche Bank (Đức) để mở rộng và tăng khả năng cạnh tranh với ứng dụng gọi xe Grab tại Việt Nam.

Các thỏa thuận khác có thể kể đến như F88 vay 10 triệu USD từ Lendable Group (Anh) hồi tháng 1/2022 và 60 triệu USD từ CLSA Capital Partners (Hồng Kông) vào tháng 11/2022 để đầu tư phát triển mạng lưới tài chính tiêu dùng và tăng trưởng quy mô kinh doanh; hoặc VinFast vay 135 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á và các đối tác để phát triển hệ thống giao thông công cộng điện ở Việt Nam.