Dù ngon và bổ dưỡng nhưng trái cây thường cũng rất mau hỏng trong tủ lạnh. Các nhà nghiên cứu Thái Lan mới đây đã phát triển một loại vật liệu trong suốt từ cannabidiol (CBD), an toàn khi ăn vào và giúp bảo quản trái cây lâu hơn.
Chắc hẳn ai cũng từng trải qua cảm giác thất vọng khi mua về một khay dâu tây nhưng lại phát hiện ra nhiều quả bên dưới đã mềm nhũn và thậm chí còn bị mốc. Thời gian qua, giới nghiên cứu đã nỗ lực phát triển những loại vật liệu phủ ăn được nhằm giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây và các loại thực phẩm khác mà không làm suy giảm giá trị dinh dưỡng lẫn hương vị của chúng. Những vật liệu này thường được làm từ tơ nhện, vỏ tôm, vỏ trứng, pektin hay protein trong sữa, và bây giờ danh sách này còn có thêm CBD.
CBD là một hợp chất không gây ảo giác được chiết xuất từ cây cần sa (cannabis) và sử dụng ngày càng nhiều trong việc điều trị các chứng lo âu, động kinh,... hay giúp giảm đau. Nhưng trong số những lợi ích tiềm năng của nó, các nhà khoa học gần đây còn phát hiện thêm cả hoạt tính kháng vi khuẩn. Vì vậy, một nhóm từ Đại học Thammasat và Viện Chulabhorn ở Thái Lan đã cùng hợp tác để thực hiện nghiên cứu về khả năng ứng dụng CBD trong việc bảo quản trái cây.
Nhóm đã tìm cách kết hợp CBD với các polymer phân hủy sinh học để tạo ra một loại hạt nano có đường kính khoảng 400 nanomet; chất này sau đó lại được trộn cùng nước và sodium alginate (một chất phụ gia thực phẩm). Tiếp theo, họ nhúng quả dâu tây vào dung dịch thu được rồi ngâm chúng trong axit ascorbic và clorua canxi để lớp phủ chuyển sang dạng gel. Để kiểm chứng hiệu quả bảo quản trái cây của lớp phủ này, họ đã đặt những quả dây tây đã qua xử lý và chưa được xử lý vào các hũ nhựa mở nắp rồi để 2 tuần trong tủ lạnh. Đúng như kỳ vọng, những quả dây tây đã qua xử lý bằng CBD ít bị mục nát và giữ được màu sắc lâu hơn nhiều so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, hiệu quả bảo quản cũng tỷ lệ thuận với lượng CBD được sử dụng.
Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng kết quả này dường như sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Applied Materials & Interfaces của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS).
Hải Đăng (theo ACS)