Với việc làm chủ được quy trình nhân giống in vitro và trồng Sùng thảo trong điều kiện nhà màng, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã tạo tiền để cho việc sản xuất loại dược liệu quý này.

Cây Sùng thảo (Stachys affinis) có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản; được sử dụng như một loại rau ăn củ và có tác dụng chữa bệnh. Củ của Sùng thảo rất giàu sắt, kali nên là thực phẩm có lợi cho người bị tiểu đường, tim mạch. Trong đông y, Sùng thảo được dùng để làm thuốc chữa nhiễm trùng, cảm lạnh, lao, viêm phổi,…
Cây Sùng thảo được trồng thử nghiệm tại Lâm Đồng, Đắc Nông và TPHCM
Cây Sùng thảo được trồng thử nghiệm tại Lâm Đồng, Đắc Nông và TPHCM. Ảnh: TT CNSH

Cây Sùng thảo có nhiều tiềm năng ứng dụng, vừa làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, loại dược liệu này hiện chưa được trồng phổ biến ở Việt Nam, nguồn cung cấp giống còn rất hạn chế. Trước thực tế đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhân giống in vitro và bước đầu trồng thử nghiệm cây Sùng thảo”.
Quy trình nhân giống in vitro Sùng thảo
Quy trình nhân giống in vitro Sùng thảo.

Đoạn thân Sùng thảo được làm sạch, khử trùng, đưa vào tủ cấy in vitro; sau hai tuần, tỷ lệ mẫu sống đạt 76%, đều hình thành chồi. Sau đó, cây được đưa ra chăm sóc trong điều kiện nhà màng trên các giá thể khác nhau. Kết quả thử nghiệm cho thấy, giá thể mụn dừa là tốt nhất để đưa cây con in vitro ra vườn ươm (tỷ lệ cây sống 100%). Điều kiện trồng thích hợp trong nhà màng là sử dụng giá thể gồm ½ mụn dừa, 1 tro trấu và 1/8 phân bò (tỷ lệ cây sống và hình thành củ 100%). Bằng phương pháp sắc ký lỏng pha đảo, nhóm phân tích cho thấy hoạt chất stachyose đạt hàm lượng 2.5mg/g củ khô trồng tại TPHCM, tạm thời thấp hơn so với một số sản phẩm nhập ngoại.

Củ Sùng thảo thu hoạch ở các địa điểm trồng thử nghiệm
Củ Sùng thảo thu hoạch ở các địa điểm trồng thử nghiệm Ảnh: TT CNSH

Cây Sùng thảo được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trồng ở các vùng sinh thái khác nhau như Di Linh (Lâm Đồng), Gia Nghĩa (Đắc Nông), TPHCM (trồng trong nhà màng). Sau hơn 3 tháng trồng, cho thấy cây thích hợp với khí hậu cả ba vùng đất trên, có thể trồng ở các vùng đất này để thu sinh khối củ.

Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu sự phát triển, sinh trưởng, phân tích các hoạt chất có trong Sùng thảo trồng ở các vùng sinh thái khác nhau, nhằm thu được hàm lượng hoạt chất cao nhất.