Các nhà khoa học ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã tìm ra quy trình tạo rễ cây ké hoa đào có hoạt tính sinh học cao hơn thu hái tự nhiên.
Theo PGS.TS Quách Ngô Diễm Phương, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu nuôi cấy rễ tơ cây ké hoa đào nhằm thu nhận nguyên liệu sản xuất hoạt chất điều trị tiểu đường tuýp 2”, ké hoa đào là một vị thuốc được dùng trong dân gian, có vị hơi ngọt, không độc. Cây thường được người dân dùng rễ và thân chữa lỵ, cảm cúm, đau khớp, hen suyễn, tiêu viêm,... Trong những năm gần đây, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn, kháng oxy hóa, điều trị bệnh tiểu đường,... của loại thực vật này, nhất rễ cây, là nơi chứa nhiều hoạt chất có giá trị như steroidal/triterpenoi saponin, imperatorin, flavonoid,...
Trong nghiên cứu của mình, nhóm sử dụng hạt ké hoa đào được thu hái ngoài tự nhiên tại TP Biên Hòa, Đồng Nai và đem nuôi cấy invitro và cho tiến hành xâm nhiễm vi khuẩn A.rhizogenes để cảm ứng tạo rễ tơ. Rễ tơ sau đó được nuôi cấy ở ba môi trường rắn, lỏng lắc và lỏng tĩnh. Kết quả, sau 30 ngày, rễ tơ tăng sinh và phát triển tốt nhất ở điều kiện môi trường lỏng lắc với vận tốc 80 vòng/phút; tiếp theo là môi trường rắn, lỏng tĩnh. Nuôi trong điều kiện tối thích hợp hơn cho sự tăng trưởng và phát triển của rễ so với điều kiện chiếu sáng.
Đồng thời, nhóm đưa ra được quy trình nuôi cấy rễ tơ ké hoa
đào tối ưu trong điều kiện thủy canh, bao gồm 9 bước: thu hái; gieo hạt;
nuôi cấy vi khuẩn; xâm nhiễm; đồng nuôi cấy; loại vi khuẩn; kiểm tra
gene chuyển; nuôi cấy rễ tơ; thu hoạch rễ tơ (sau 10 tuần nuôi cấy).
Qua quá trình thử nghiệm, nhóm cũng đã xác định được những hoạt chất có trong cao chiết rễ cây ké hoa đào có thể dùng để điều chế thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 như saponin, flavinoid, glycoside. Kết quả thử nghiệm trên chuột tiểu đường cho thấy, rễ tơ thủy canh có xâm nhiễm vi khuẩn A.rhizogenes cho hoạt tính ức chế glucosidase in vitro và hạ glucose huyết in vitro cao hơn hẳn so với rễ tơ nuôi cấy in vitro và nuôi trồng tự nhiên có cùng độ tuổi.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu đầu năm 2020 và công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế như Tạp chí Dược học, Bulletin of Environment Pharmacology and Life Science. Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu phương pháp bảo quản các dòng rễ tơ in vitro ké hoa đào có năng suất và hoạt tính sinh học cao đã chọn lọc được. Đồng thời, thử độc tính của cao chiết ké hoa đào trên một số dòng nuôi cấy để dự đoán mức độ độc tính.