Trước nay, Sâm Bố Chính chủ yếu được khai thác trong tự nhiên, nhưng mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (AHRD) TPHCM đã xây dựng thành công quy trình trồng loài cây dược liệu này theo hướng hữu cơ.

Ông Hoàng Đắc Hiệt thuộc Trung tâm AHRD, cho biết, Sâm Bố Chính có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr, thuộc nhóm cây làm thuốc, có công dụng chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, lao phổi, kém ăn, gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt,… Các sản phẩm Sâm Bố Chính trên thị trường được sử dụng theo nhiều cách như dạng tươi hoặc khô làm trà uống hằng ngày, ngâm rượu và làm thực phẩm như nấu canh, nấu chè,…

Sâm Bố Chính thời gian qua chủ yếu được khai thác trong tự nhiên, gần đây mới được nghiên cứu kỹ thuật trồng và sản xuất. Cây được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018 với diện tích 4ha tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đến năm 2019, đã trồng được 34 ha trên các vùng đất cát và gò đồi. Ngoài ra, Sâm Bố Chính còn được trồng ở Quảng Trị, Đắc Nông, An Giang, Trà Vinh,…tuy nhiên diện tích còn ít và chủ yếu là tự phát.

Mô
Mô hình trồng thử nghiệm Sâm Bố Chính hữu cơ của AHRD Ảnh: AHRD

Theo ông Hiệt, trồng Sâm Bố Chính theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm, như không dùng thuốc bảo vệ thực vật, trừ cỏ và phân bón hóa học; quy trình trồng được kiểm soát chặt chẽ, kiểm soát và truy xuất được nguồn gốc; mô hình quen thuộc với đa số nông dân, dễ thực hiện, ít tốn kém chi phí đầu tư... Tuy nhiên, cách trồng này cũng có nhược điểm như dễ bị sâu bệnh tấn công; sau mỗi vụ cần phải cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây họ đậu và cày vùi thân lá cây để tạo độ tươi xốp cho đất, nên không thể trồng thâm canh liên tục.

Bên cạnh xác định được các giống thích hợp, AHRD còn xây dựng được kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và sơ chế để cho ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo các thành phần hoạt chất cũng như năng suất và hiệu quả kinh tế.

AHRD xử lý sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu sinh học hoặc thảo mộc như hỗn hợp dung dịch sả ớt xay nhuyễn sau khi ngâm với nước để phun phòng trừ. Sau 9 - 12 tháng, có thể thu hoạch củ. Đối với hoa thì sớm hơn, từ 3 – 5 tháng sau khi trồng. Hoạt chất saponin có trong củ Sâm Bố Chính đạt 0,43%, năng suất đạt trên 4 tấn/ha. AHRD thử nghiệm với quy mô sản xuất 1.000m2, chi phí sản xuất khoảng 30 triệu đồng, cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.

Củ SBC sau khi thu hoạch
Củ Sâm Bố Chính sau khi thu hoạch. Ảnh: AHRD

Tại chương trình "Hợp tác công nghệ" lần thứ 2 do Trung tâm Thông tin và Thống kế KH&CN TPHCM tổ chức mới đây, quy trình trồng Sâm Bố Chính của AHRD đã được nhiều đơn vị quan tâm, ký kết hợp tác chuyển giao như Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm An Nhiên (TP.HCM), Trang trại Hoàng Tú (Đồng Tháp), Hợp tác xã dược liệu An Phúc Khang (Đắk Nông), Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM,... Trước đó, các đơn vị này chưa trồng hoặc đã trồng nhưng chưa theo hướng hữu cơ.