Phó giáo sư, Viện trưởng Phạm Văn Phúc cho biết, do hướng tới phục vụ cộng đồng, Viện không chuyển giao độc quyền các công nghệ của mình để vừa tạo cơ hội cho nhiều bệnh nhân, vừa giảm chi phí điều trị cho họ.
Bệnh nhân từng không tin vào công nghệ tế bào gốc
Anh có thể cho biết, hiện Viện Tế bào gốc đang làm chủ những công nghệ nào? Trên thế giới, những công nghệ đó có đang được áp dụng phổ biến không?
Sau 10 năm nghiên cứu và phát triển công nghệ tế bào gốc (TBG), Viện chúng tôi đã làm chủ bốn công nghệ quan trọng. Đó là những công nghệ tiên tiến và tương đương với thế giới, như: Công nghệ phân lập TBG từ mô mỡ, tủy xương, máu cuống rốn, cuống rốn, máu kinh nguyệt, tủy răng; Công nghệ nuôi cấy tăng sinh TBG trong thời gian dài để thu lượng lớn tế bào; Công nghệ biệt hoá các TBG thành các tế bào xương, sụn, mỡ, tế bào tiết insulin, tế bào cơ tim, tế bào nội mô, tế bào thần kinh; và Công nghệ bảo quản TBG trong thời gian dài ở nhiệt độ -1960C, và -860C.
Điều quan trọng nhất, những công nghệ mà chúng tôi nghiên cứu và phát triển thỏa mãn các tiêu chuẩn về thực hành sản xuất tốt (GMP) cũng như các tiêu chuẩn về sinh phẩm ghép trên người… và đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh bằng TBG trong nước. Từ các công nghệ này, Bộ Y tế đã cho phép điều trị thường quy thoái hoá khớp bằng TBG mô mỡ từ năm 2016; thử nghiệm điều trị tắc nghẽn phổi mạn tính và đái tháo đường type 1… tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện 115, Bệnh viện Quân y 103. Những sản phẩm này bước đầu mang lại lợi ích cho người dân ở chỗ chi phí giảm so với các sản phẩm nhập ngoại.
PGS-TS Phạm Văn Phúc tại phòng nghiên cứu của Viện Tế bào gốc. Ảnh: K. Anh
Anh có thể kể về một số trường hợp cụ thể đã sử dụng công nghệ của Viện Tế bào gốc?
Đến nay, tổng cộng có khoảng 1.000 bệnh nhân được điều trị bằng các công nghệ của chúng tôi. Hiệu quả đáp ứng điều trị trên bệnh nhân rất tốt. Chẳng hạn, đối với bệnh thoái hóa khớp được điều trị bằng TBG ở Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, 60% bệnh nhân đạt kết quả rất tốt, tức là khỏi bệnh; 30,16% đạt kết quả tốt, tức là thuyên giảm; 9,84% không đáp ứng, tức là bệnh trạng không thay đổi; và không có bệnh nhân nào bị tác dụng phụ.
Trong thử nghiệm lâm sàng điều trị đái tháo đường type 1, chúng tôi có một bệnh nhân nam còn khá trẻ (khoảng 37 tuổi). Vợ anh liên hệ trực tiếp với tôi và tìm hiểu liên tục trong 3 tháng. Lúc đầu, chị gần như không tin phương pháp điều trị bằng TBG; và niềm tin ít ỏi của chị càng bị lung lay khi chính các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyên chồng chị không nên tham gia thử nghiệm này.
Tôi đã giải thích nhiều về tính an toàn của kỹ thuật. Cuối cùng, chị đồng ý và thuyết phục chồng tham gia. Sau hơn 5 tháng điều trị, sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của anh đã cải thiện rõ rệt. Ngày 20/11 vừa qua, chị nhắn tin chúc mừng tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và bày tỏ lòng biết ơn vì đã khuyên chồng chị tham gia điều trị.
Chuyển giao công nghệ - bệnh viện tư hào hứng hơn bệnh viện công
Được biết Viện TBG là nơi đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này và có nhiều công nghệ được chuyển giao cho các doanh nghiệp, bệnh viện. Làm thế nào để Viện có thể chuyển giao thành công trong khi nhiều bệnh viện còn e dè ứng dụng các nghiên cứu mới?
Nhìn chung các bệnh viện công ở nước ta đang trong giai đoạn quá tải, thời gian làm việc của đội ngũ bác sĩ chủ yếu cho khám chữa bệnh, không có nhiều thời gian để tiếp thu và tham gia nghiên cứu mới.
Kinh nghiệm lớn nhất mà tôi có được trong gần 10 năm nghiên cứu, hợp tác và chuyển giao công nghệ là hãy chủ động tìm đến những đơn vị cần chúng ta. Thực tế, các bệnh viện tư nhân có nhu cầu đổi mới công nghệ cao, cầu thị và đi vào thực chất. Tuy rằng chúng tôi đã hợp tác với nhiều bệnh viện công lập song điều đáng buồn là gần như không có bất kì nơi nào triển khai bền vững và phát triển công nghệ tế bào gốc; trong khi đó các bệnh viện và doanh nghiệp tư nhân đã phát triển bền vững và đạt được nhiều kết quả tốt cùng với chúng tôi.
Thật sự việc chuyển giao công nghệ ở nước ta, đặc biệt là các công nghệ nghiên cứu và phát triển trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi thói quen chuộng công nghệ nước ngoài, sự thiếu tin tưởng của các doanh nghiệp và công nghệ trong nước; sự cạnh tranh khốc liệt với các công nghệ nước ngoài… Trong bối cảnh đó, tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn, thất bại.
Tôi còn nhớ mãi một thương vụ chuyển giao công nghệ thất bại giữa chúng tôi với đối tác cách đây tròn 2 năm. Sự chuyển giao công nghệ diễn ra trong bối cảnh giữa một đơn vị nghiên cứu vừa tròn 8 tuổi với một tổng công ty có tuổi đời hơn 60 năm. Và hợp đồng do phía công ty soạn thảo với điều khoản: “Khi nào sản phẩm do chúng tôi nghiên cứu điều trị thành công trên bệnh nhân thì phía công ty mới trả tiền”. Đây là điều mà chúng tôi không chấp nhận được, vì khó mà định nghĩa được hai chữ “thành công”.
Một trong những vấn đề của phương pháp điều trị bằng TBG là chi phí cao. Liệu có cách nào giúp giảm chi phí điều trị để thêm nhiều bệnh nhân có cơ hội không?
Chi phí điều trị bằng TBG thường cấu thành bởi 2 nhóm: chi phí thực tế và chi phí ảo. Chi phí ảo do các doanh nghiệp tạo ra vì nhiều nguyên nhân như họ là đơn vị độc quyền, đánh vào tâm lý giá cao thì chất lượng tốt. Cuối cùng người bệnh gánh chi phí rất cao do chi phí ảo tạo nên.
Giảm giá thành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện TBG, bởi chúng tôi muốn phục vụ cộng đồng. Chúng tôi có nhiều hướng đi nhưng không bao giờ chuyển giao độc quyền bất kì công nghệ nào do chúng tôi nghiên cứu và sáng tạo cho bất kì doanh nghiệp nào; ngoại trừ các sản phẩm do chính các doanh nghiệp đó đặt hàng.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước, thay thế các công nghệ nước ngoài để giảm giá thành; tăng cường nội địa hóa các nguyên liệu sản xuất trong nước sử dụng trong dây chuyền công nghệ. Chúng tôi còn hợp tác mạnh mẽ với nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, doanh nghiệp tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng, trong sáng, vừa nâng cao chất lượng điều trị, vừa đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn anh!