Để minh chứng, Thủ tướng dẫn con số: Xếp hạng về kinh tế của Việt Nam là trên 100, nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là 59.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nêu rõ: Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của KH&CN tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là khoảng 29%.
Hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 5. Ảnh: Ngọc Vũ
Không khó để nhận thấy đóng góp trực tiếp của KH&CN trong từng ngành, lĩnh vực trọng điểm của đất nước. Trong nông nghiệp, tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị năm 2016 tăng 1-2% so với năm 2015; các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng ngành. Kết quả nghiên cứu KH&CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu sản xuất, từ chọn tạo giống, canh tác, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Trong công nghiệp và xây dựng, nhiều sản phẩm, thiết bị cơ khí đã được sản xuất thành công, thay thế hàng nhập khẩu với giá cạnh tranh. Qua hoạt động KH&CN, các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường, có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD.
Một số sản phẩm đạt chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Có thể kể đến Tam Đảo 05 - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam, đã bàn giao cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro năm 2016; các loại động cơ điện công suất đến 5MW, tuabin công suất đến 6MW, các loại biến áp đến 500kV... có chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của châu Âu.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các nhà khoa học đã thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, uy lực, khả năng cơ động và độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng.
Về y tế, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tiên tiến đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, tăng cơ hội chữa bệnh cho người dân và tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ trị giá hàng tỷ USD mỗi năm do không phải ra nước ngoài điều trị. Vai trò, vị thế nền y học Việt Nam đã được nâng ngang tầm khu vực và thế giới trong các lĩnh vực ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vắcxin và sinh phẩm...
KH&CN đã ghi dấu ấn trong các ngành, lĩnh vực. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng như Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh kỳ vọng, bằng trí tuệ, lòng tự trọng và trách nhiệm đối với công việc, đất nước của các nhà khoa học Việt Nam, KH&CN và đổi mới sáng tạo sẽ thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.