Đó là tiêu đề bài báo của nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đang trên Tạp chí Journal of the American Society of Plastics Surgeons.

>> Chuyên đề | Tế bào gốc: Việt Nam có gì?

Theo đó tế bào gốc không có những công dụng thần diệu khi được sử dụng trong ngành công nghiệp làm đẹp, với các liệu pháp làm căng da mặt, nâng ngực, … mà nhiều phòng khám đang rao bán tràn lan.

Thời gian qua, một loạt các thí nghiệm với tế bào gốc đã cho thấy sự hứa hẹn của phương pháp này trong việc điều trị bệnh, nhất là một số bệnh hiểm nghèo như ung thư. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật này vào một số trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ như căng da mặt, nâng ngực, … thì kết quả không thật sự được như mong đợi. Bất chấp thực tế đó, nhiều phòng khám và cơ sở y tế vẫn có những hành vi trái y đức khi rao bán những liệu pháp tế bào gốc, phục vụ cho mục đích làm đẹp. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại ĐH Stanford đã chỉ ra điều đó.

Những sợi nguyên bào từ chuột, một loại tế bào gốc đang được nghiên cứu cho mục tiêu làm đẹp. Ảnh: Wikimedia Common

Chỉ riêng tại Mỹ, số các cơ sở y tế cung cấp liệu pháp tế bào gốc không kiểm soát và chưa chứng minh được hiệu quả bằng phương pháp khoa học là rất lớn. Năm 2015, qua một cuộc khảo sát trên mạng, nhóm nghiên cứu phát hiện ra, có nhiều hơn 50 phòng khám thực hiện hành vi như vậy. Tất cả những cơ sở này đã rao bán liệu pháp theo cách: bác sĩ lấy ra một mẫu sinh thiết từ một phần trên cơ thể người bệnh và tìm cách tách ra tế bào gốc, sau đó cấy tế bào gốc ngược trở lại một bộ phận khác trên cơ thể. Việc thực hiện liệu pháp tế bào gốc như vậy hoàn toàn không dựa trên các thử nghiệm, nghiên cứu lâm sàng, và rất có thể sẽ dẫn tới những nguy cơ tồi tệ.

Những điểm cần lưu tâm:

- Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thường đưa ra những hứa hẹn không hề dựa trên các kết quả nghiên cứu về liệu pháp tế bào gốc.

- Các phòng khám kiểu như vậy thường không có đủ thiết bị giúp tách hoàn toàn tế bào gốc từ các mô lấy của bệnh nhân. Hậu quả là những bệnh nhân có thể sẽ bị tiêm một hỗn hợp, bao gồm cả tế bào gốc lẫn với một loạt các loại tế bào khác, tùy vào mẫu sinh thiết trên các bộ phận cơ thể mà bác sĩ lấy ra ban đầu.


- Trái với những lời quảng cáo, có những phòng khám thậm chí không hề sử dụng tế bào gốc trong quy trình liệu pháp. Nhóm nghiên cứu của Stanford còn phát hiện thấy nhiều phòng khám sử dụng cả huyết tương đã được làm giàu, chứa nhiều tiểu cầu (platelet-enriched plasma) cho liệu pháp tế bào gốc. Huyết tương chứa nhiều tiểu cầu không hề chứa tế bào gốc và xét về mặt kỹ thuật, tiểu cầu thậm chí còn không được tính là tế bào.

- Tế bào gốc thúc đẩy sự phát triển của tế bào, bao gồm cả những sự tăng trưởng không mong muốn, như với các khối u. Chẳng hạn, có trường hợp một người phụ nữ với mô mũi phát triển trên xương sống sau khi ghép tế bào gốc.

Các phòng khám thường tuyên bố về cơ sở khoa học của liệu pháp làm đẹp sử dụng tế bào gốc, nhưng trên thực tế các nghiên cứu về lĩnh vực này mới chỉ đang ở bước đầu. Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã cố gắng cấy tế bào gốc tách từ mô mỡ sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như vú. Đối với những người đã trải qua điều trị ung thư vú, các tế bào gốc được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng vùng da xung quanh ngực, hay nâng cao tỷ lệ thành công của việc ghép mô mỡ bình thường vào vú sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp điều trị này hiện vẫn còn tương đối nhỏ lẻ, và xung đột về kết quả. Tuy nhiên, lại có những tranh cãi khác về mức độ hấp thụ của cơ thể với các tế bào mỡ được cấy ghép sang các bộ phận khác.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng tế bào gốc hứa hẹn sẽ làm chậm tác động lão hóa da bằng việc tạo ra một số tác nhân hóa học kích thích sự phát triển của collagen, giúp căng da mặt như của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy tế bào gốc thực sự thúc đẩy sự phát triển của collagen cùng tác dụng chống lão hóa. Như nhóm nghiên cứu của ĐH Stanford đã viết, có nhiều khả năng bệnh nhân chỉ được tiêm một loạt các chất lỏng làm đầy lên da, khiến các nếp nhăn trở nên mờ đi. Đó là tất cả về phương pháp điều trị nếp nhăn sẵn có như hiện nay, tuy nhiên đó không phải là giải pháp chống lão hóa thật sự.

Có một vài kỹ thuật liên quan tới tế bào gốc được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ) chấp thuận trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, đó là tách ra các tế bào gốc từ phần phía sau tai, nuôi chúng trong phòng thí nghiệm trong khoảng 90 ngày, sau đó tiêm vào những nếp nhăn quanh mũi và miệng để làm mờ bớt những nếp nhăn sâu.

Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ thực sự được trải nghiệm những liệu pháp làm đẹp bằng tế bào gốc một cách an toàn, hiệu quả hơn để đảo ngược hiệu ứng của thời gian. Nhưng ở hiện tại, tốt hơn là hãy trung thành với những giải pháp đã được kiểm chứng qua nghiên cứu.

Nguồn:
http://journals.lww.com/plasreconsurg/Abstract/2014/08000/The_Role_of_Stem_Cells_in_Aesthetic_Surgery___Fact.8.aspx
https://www.popsci.com/article/science/fraudulent-stem-cell-beauty-treatments-are-being-sold-online-study-finds