Giải pháp của ông Trần Văn Tuấn (TPHCM) có thể trang bị thoát hiểm cho các tòa nhà cao tầng khi có hỏa hoạn, cháy nổ hoặc động đất xảy ra.

Tại hội thảo “Đối mới sáng tạo và sáng chế xanh cho sự phát triển bền vững”, do Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức ngày 25/5 tại TPHCM, ông Tuấn cho biết, sau hỏa hoạn thảm khốc tại tòa nhà ITC năm 2002, vụ cháy chung cư Carina năm 2018, gây thiệt hại lớn về nhân mạng và của cải, ông nảy ra ý định nghiên cứu một hệ thống cầu trượt thoát hiểm, khắc phục một số nhược điểm của các phương tiện thoát hiểm hiện có trên thị trường.

Theo ông Tuấn, hiện nay giải pháp dùng để thoát hiểm cho nhà cao tầng khi xảy ra cháy nổ chủ yếu vẫn là thang bộ. Tuy nhiên, di chuyển bằng thang bộ thường chậm, cộng với tâm lý hoảng loạn nên người dân dễ chen lấn, giẫm đạp lên nhau.

Trên thị trường hiện có một số giải pháp thoát hiểm, như ở Trung Quốc, Hàn Quốc có máng trượt được tích hợp vào thang bộ; Nhật Bản ngoài máng trượt còn có ống vải, thang dây,… Tuy nhiên, các phương tiện này dễ gây tai nạn. Chẳng hạn, ống vải gây ra va chạm. Với các loại thang dây thoát hiểm, người ở những căn hộ tầng cao và tâm lý hoảng loạn khó có thể đảm bảo an toàn khi sử dụng. Máng trượt thiết kế cùng cầu thang bộ bên trong tòa nhà nhỏ hẹp, không có lan can dễ bị văng ra ngoài ở khúc cua gấp…

o
Ông Trần Văn Tuấn giới thiệu giải pháp của mình tại Hội thảo. Ảnh: KA

Cầu trượt trượt thoát hiểm do ông Tuấn thiết kế có thể lắp đặt bên ngoài tòa nhà nên không chiếm diện tích, hạn chế được khói, cháy nổ trong tòa nhà gây ảnh hưởng việc thoát nạn. Cầu trượt thoát hiểm cũng được bố trí chiếu nghỉ giữa các tầng, mỗi khu vực khoảng 1,5 m.

Ông Tuấn cho biết, chiếu nghỉ của cầu trượt giúp hạn chế việc chen lấn nhau trong quá trình thoát hiểm, giảm bớt các tai nạn đáng tiếc xảy ra, đặc biệt với phụ nữ mang thai, trẻ em, người già... Các máng trượt được thiết kế có độ nghiêng 30 - 40 độ, đảm bảo độ dốc không quá lớn để không gây đau khi va chạm. Tùy theo kết cấu tòa nhà, bề rộng máng trượt và vách lan can có kích thước từ 0,8 - 1m. Trong khi trượt, người dùng có thể vịn tay vào lan can để giảm tốc độ, đảm bảo an toàn.

Khu vực thoát hiểm bên ngoài tòa nhà có thể thiết kế có mái che hoặc quây kín bằng lớp bảo vệ để vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể giữ được độ bền. Vật liệu xây dựng hệ thống thoát hiểm có thể làm bằng thép, inox đảm bảo khả năng chịu lực và độ bền. Với hệ thống cầu trượt thoát hiểm nói trên, có thể đưa toàn bộ những người sống trong các căn hộ nhà cao tầng, từ người già, trẻ em, khỏe mạnh, hay đau ốm, thậm chí những tàn tật đi lại khó khăn, cũng có thể thoát hiểm một cách an toàn nhanh chóng.

h
Hệ thống cầu trượt thoát hiểm do ông Tuấn thiết kế. Ảnh: KA

Trường hợp các tòa nhà cao tầng đã xây dựng xong, nhưng không thiết kế hệ thống cầu trượt thoát hiểm, có thể khắc phục bằng cách sử dụng các bờ tường bên ngoài, kết nối bằng cách đúc giả các hành lang, cầu trượt, thiết kế lại cửa thoát hiểm,… Nếu các tòa nhà đã có hệ thống cầu thang thoát hiểm bên ngoài, có thể tận dụng chuyển qua làm hệ thống cầu trượt thoát hiểm, bằng cách thiết kế lại các hành lang an toàn, tận dụng các bậc thang dùng làm khung đỡ cho các chiếu nghỉ.

Hiện sản phẩm mới ở dạng mô hình, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích đầu năm 2022. Ông Tuấn mong muốn giải pháp của mình sớm được áp dụng vào thực tiễn.


Ông Trần Văn Tuấn sinh năm 1959, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khóa 1977- 1981. Sau khi ra trường, ông công tác tại Xí nghiệp Dệt, trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp Dệt Hồng Gấm.

Do đam mê nghiên cứu khoa học, ông đã có một số các công trình nghiên cứu như Hệ thống cầu trượt thoát hiểm nhà cao tầng, Cơ cấu đàn hồi sử dụng nam châm vĩnh cửu (đã được cấp bằng giải pháp hữu ích); Hệ thống phòng và chữa cháy rừng bằng nước (đang chờ cấp bằng giải pháp hữu ích);…