Vốn hóa thị trường của NVIDIA vừa chính thức vượt mốc 1.000 tỷ USD trong phiên giao dịch gần nhất, biến nó trở thành công ty chip giá trị nhất mọi thời đại.

Năm 2022, NVIDIA ra mắt chip H100 – GPU mạnh mẽ nhất từng được chế tạo với mức giá lên tới 40.000 USD/đơn vị. Tuy nhiên, công ty dường như đã tính toán sai thời điểm bởi các doanh nghiệp khi ấy đang phải đồng loạt “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với lạm phát. Nhưng vận may đã đến khi ChatGPT xuất hiện vào tháng 11 và thổi bùng cuộc “chạy đua” trong giới công nghệ. Đó là cuộc đua để trang bị H100 – sản phẩm được CEO Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) của NVIDIA mô tả là “con chip đầu tiên trên thế giới được thiết kế riêng cho AI tạo sinh (generative AI)”.

Ông Jensen Huang tỏa sáng ở tuổi 60 khi đưa NVIDIA trở thành người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cách mạng AI.

Ông Jensen Huang tỏa sáng ở tuổi 60 khi đưa NVIDIA trở thành người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cách mạng AI.

AI tạo sinh là bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo khi các hệ thống AI được huấn luyện để tạo ra những hình ảnh, văn bản và nội dung mang phong cách tự nhiên rất gần với con người – thay vì chỉ biết phân tích, đưa ra quyết định hoặc hành động dựa trên thuật toán được lập trình sẵn như AI thông thường. AI tạo sinh được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy năng suất của nhiều ngành nghề, đồng thời định hình lại công ăn việc làm khiến hàng triệu người lo lắng đứng trước nguy cơ mất việc. Trong bối cảnh ấy, H100 bỗng trở thành mặt hàng “hot” nhất thung lũng Silicon.

Ông Huang cho biết H100 mới chỉ thực sự được sản xuất trên quy mô lớn tại thời điểm vài tuần trước khi ChatGPT ra mắt. Nhờ vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với TSMC trong suốt 25 năm qua, vị CEO tin tưởng NVIDIA có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ của các big tech (Microsoft, Amazon, Google và Meta) và startup AI (như OpenAI, Anthropic, Stability Ai và Infection AI). H100 ngày càng được ưa chuộng nhờ sở hữu hiệu suất rất cao, giúp rút ngắn chi phí đào tạo AI và đẩy nhanh tốc độ phát triển lẫn ra mắt sản phẩm.

Một số khách hàng đã phải đợi tới 6 tháng để nhận được đơn hàng vài ngàn chip H100. Nhiều startup đang lo ngại tình trạng khan hàng sẽ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của họ. Elon Musk, người đã mua vài ngàn đơn vị H100 cho dự án AI do ông tài trợ mang tên X.ai, mới đây đã phát biểu rằng “mẫu GPU này thậm chí còn khó kiếm hơn cả chất kích thích”.

.

Ngay trước thềm sự kiện NVIDIA đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD, công ty lại ra mắt siêu chip Grace Hopper và siêu máy tính DGX GH200 (được xây dựng bằng cách liên kết 256 bộ xử lý Grace Hopper).

Trong khi H100 là một sản phẩm lý tưởng được tung ra vào đúng thời điểm lý tưởng thì những đột phá mang tính bước ngoặt của NVIDIA đã được hoạch định từ gần 2 thập kỷ trước, khi công ty quyết định tập trung vào phần mềm thay vì miếng silicon. Được giới thiệu từ năm 2006, nền tảng CUDA cho phép các nhà phát triển thao tác với GPU trong những tác vụ khác ngoài đồ họa. Và thời cơ đến vào năm 2012 khi các nhà nghiên cứu Canada phát hiện thấy GPU là một công cụ hoàn hảo để xây dựng mạng nơ-ron nhân tạo (neural network) – mô phỏng tương tác của não bộ người. NVIDIA hiện đang thuê nhiều kỹ sư phần mềm hơn phần cứng để có thể đưa ra đủ mọi loại giải pháp liên quan đến AI.

Đối với một số chuyên gia trong ngành bán dẫn và nhà phân tích tài chính giàu kinh nghiệm, sự hưng phấn của phố Wall đối với cổ phiếu NVIDIA có thể là hơi quá đà. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng NVIDIA mới chính là kẻ được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cách mạng AI, giống như những người bán xẻng trong cơn sốt vàng cuối thế kỷ 19 ở Mỹ.