Hệ thống chuông báo cháy trong khu chung cư, nhà cao tầng được lắp đặt và kiểm tra theo quy định nào của pháp luật, và do ai quản lý? Khi hệ thống chuông báo cháy không hoạt động, ai là người chịu trách nhiệm? Dưới đây là câu trả lời từ chuyên gia.


Các chiến sĩ PCCC diễn tập phương án chữa cháy nhà cao tầng tại khu nhà cao tầng ở Quảng Ninh. Ảnh: Bảo Quảng Ninh

Vụ cháy tại khu chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) rạng sáng 23/3 khiến hơn 40 người chết và bị thương. Một trong những nguyên nhân khiến số thương vong lớn như vậy là do hệ thống chuông báo cháy của tòa chung cư không hoạt động khi xảy ra sự cố.

Sau sự việc, nhiều câu hỏi được đặt ra như vì sao hệ thống chuông báo cháy không hoạt động? Hệ thống chuông báo cháy trong khu chung cư, nhà cao tầng được lắp đặt và kiểm tra theo quy định nào của pháp luật, do ai quản lý? Khi hệ thống chuông báo cháy không hoạt động, ai là người chịu trách nhiệm?

Chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển, một giảng viên bộ môn kiểm tra cháy trường ĐH Phòng cháy chữa cháy nói:

Trách nhiệm của chủ đầu tư về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) được quy định chi tiết tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

Trong đó, khoản 1, điều 16 nói về các trách nhiệm của chủ đầu tư như

- Lập dự án thiết kế theo đúng quy định, tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

- Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được thẩm duyệt lại.

- Tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

- Trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Còn hoạt động kiểm tra định kỳ về hệ thống PCCC được nêu chi tiết tại TCVN 3890:2009 - Quy định về phương tiện PCCC cho nhà và công trình - trang trí, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

Tại điều 6 có quy định về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động.

Trong đó, hệ thống báo cháy tự động được cấu thành từ các bộ phận cơ bản như: trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, thiết bị báo bằng âm thanh và ánh sáng, các thiết bị liên kết và nguồn điện. Mỗi bộ phận của hệ thống phải đảm bảo có đủ chức năng cơ bản và phải tích hợp liên kết thành hệ thống báo cháy hoàn chỉnh.

Hệ thống báo cháy tự động sau khi được lắp đặt phải được thử hoạt động toàn bộ hệ thống. Hệ thống báo cháy tự động chỉ cho phép đưa vào hoạt động khi kết quả thử cho thấy hệ thống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thiết kế và các tiêu chuẩn liên quan.

Hệ thống báo cháy tự động sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra mỗi năm ít nhất hai lần. Khi kiểm tra phải thử toàn bộ các chức năng của hệ thống và thử khả năng hoạt động của tất cả các thiết bị của hệ thống.

Việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống báo cháy tự động được thực hiện tuỳ theo điều kiện môi trường nơi lắp đặt và theo quy định của nhà sản xuất, nhưng ít nhất hai năm một lần phải tổ chức bảo dưỡng toàn bộ hệ thống. Việc bảo dưỡng phải bao gồm kiểm tra tổng thể sự hoạt động của tất cả thiết bị của hệ thống.

Cũng theo chuyên gia này, chủ đầu tư có nhiệm vụ duy trì hoạt động của phương tiện báo cháy nói riêng và hệ thống phòng cháy chữa cháy nói chung. Phía cơ quan chức năng đi kiểm tra định kỳ theo quy định, với tần suất nhiều thì 4 lần/năm, ít thì 1 lần/năm.

Điều này phụ thuộc vào ý thức của bản quản lý tòa nhà và chính người dân. Nếu ý thức người dân tốt, quan tâm, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, cơ quan chức năng không cần đi kiểm tra.

Mỗi đợt kiểm tra, lực lượng PCCC sẽ kiểm tra đầy đủ, theo đúng quy trình, đảm bảo hệ thống hoạt động đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, trong thời gian giữa hai lần kiểm tra từ cơ quan chức năng, trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng hoạt động của hệ thống PCCC phụ thuộc vào ban quản lý tòa nhà, chung cư.

Bởi vậy, trong trường hợp chuông báo cháy không hoạt động, trách nhiệm thuộc về phía ban quản lý tòa nhà, chuyên gia về PCCC kết luận.